Hiểu về hát bội chỉ trong... hai giờ
Chương trình đã để lại nhiều kỷ niệm cho cả những người tổ chức lẫn người xem
Chỉ trong vòng hai giờ theo dõi chương trình, người xem “có thể hiểu sơ qua về lịch sử của hát bội, phân biệt hát bội và cải lương, phân biệt các loại mặt nạ, các kiểu râu, những cách điệu trong diễn xuất, trang phục, giọng ca,...”. Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh khi kết thúc chương trình chuyên đề Hát bội: Xưa và nay vừa diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM.
Nằm trong kế hoạch đưa sân khấu đến học đường của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, chương trình Hát bội: Xưa và nay đến với giảng đường Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM còn được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực và Khoa Văn hóa học của trường này. Có lẽ, thành công của một chương trình không phải là ở lời chúc mừng, khen tặng “thành công tốt đẹp” mà thực chất hơn, là ở sự đón nhận, tán thưởng của công chúng. Buổi diễn kết thúc, Hội trường D, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM vẫn kín đầy những gương mặt trẻ là những sinh viên, học sinh đến từ các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.HCM và cả những bạn trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống tìm đến chương trình.
Chương trình là sự trình diễn công phu của các NSƯT Xuân Quan, Hữu Danh, Linh Hiền, Thanh Trang, Linh Phước,… cùng các diễn viên thuộc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Nếu như lớp diễn Ôn Đình chém Tá là một trong những lớp diễn kinh điển của vở San Hậu thì lớp diễn Lê Công kỳ án mang đậm màu sắc lịch sử Việt Nam khi kể về câu chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt “tiền trảm hậu tấu” tham quan Huỳnh Công Lý. Cả hai trích đoạn đều mang đến cho khán giả trẻ những giây phút xuýt xoa không ngừng, nhất là đối với những khán giả trẻ lần đầu thưởng thức hát bội.
Không chỉ được xem diễn, khán giả trẻ còn được NSƯT Hữu Danh trực tiếp chia sẻ các kiến thức cơ bản về nghệ thuật hát bội. Và đặc biệt hơn, là phần thị phạm của các diễn viên về các lý thuyết diễn xuất, cũng như phần… thực hành của các bạn khán giả về các vũ đạo như cách cưỡi ngựa, chèo thuyền, cùng cách diễn các kiểu cười (cười nịnh, cười dê, cười lão,...). Háo hức đến với chương trình, em Nguyễn Đức Lam Thảo (học sinh Trường Trung học Thực hành - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) vẫn tiếc vì thời lượng chương trình có hạn. Em mong được tìm hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Đánh giá chương trình đã “trao truyền kiến thức và đam mê nghệ thuật truyền thống mà không hề xơ cứng, rất hấp dẫn và thú vị” - PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh mong chương trình sẽ đến với nhiều đối tượng trẻ hơn nữa. Còn nghệ sĩ Nguyễn Thanh Bình (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM) chia sẻ trong sự cảm động: “Chỉ nhìn khán phòng đầy ắp khán giả là bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến”. Quả thật, chương trình đã để lại nhiều kỷ niệm cho cả những người tổ chức lẫn người xem. Tin rằng, hành trình gìn giữ vốn cổ cha ông tuy gian nan nhưng vẫn luôn tràn đầy niềm tin cùng hy vọng.
"Chong đèn" tìm người truyền nghề
Buổi giao lưu và diễn xuất hát bội đã để lại trong lòng người xem những dư vị ngọt ngào nhưng cũng có giây phút chạnh lòng khi lắng nghe nỗi niềm tâm sự của NSƯT Hữu Danh về câu chuyện kiếm tìm thế hệ truyền nhân cho loại hình nghệ thuật dân tộc này. Văn hóa nghe nhìn hiện đại đang trở thành thị hiếu của đông đảo đại chúng. Các bạn trẻ cùng các bậc phụ huynh cũng có xu hướng quan tâm nhiều đến các thể loại nghệ thuật đương đại. "Chong đèn" tìm người truyền nghề đang là nỗi lòng của những ai đau đáu với nghệ thuật hát bội trước nguy cơ trở nên mai một trong tương lai...
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/hieu-ve-hat-boi-chi-trong-hai-gio-a85070.html