Hiểu về thuế quan và chiến tranh thương mại
Khi cuộc chiến thuế quan leo thang, các chuyên gia của Financial Times giới thiệu năm cuốn sách giải thích chính sách thương mại toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Why Politicians Lie About Trade… And What You Need to Know của Dmitry Grozoubinksi (2024). Được coi là hướng dẫn dành cho người không chuyên về thương mại quốc tế, cuốn sách này thực hiện sứ mệnh của mình dễ hiểu nhất có thể. Từng phụ trách thương mại trong chính phủ Australia, Grozoubinksi mang đến góc nhìn về cách chính sách thương mại toàn cầu ảnh hưởng đến cuộc sống của dân thường. Ông đã giúp những người không chuyên trang bị kiến thức họ cần để xem xét kỹ lưỡng hơn lập luận của những người vận động hành lang và nhà lập pháp. Ông viết một cách đáng ngại: "Bạn có thể không quan tâm nhiều đến chính sách thương mại, nhưng chính sách thương mại ngày càng quan tâm đến bạn". Ảnh: ODI.

Trade Wars Are Class Wars của Matthew C Klein và Michael Pettis (2020). Hai tác giả, một người là nhà bình luận kinh tế tại tạp chí Mỹ Barron và người còn lại là là giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Guanghua của Đại học Bắc Kinh, đã phân tích lịch sử của Mỹ, Trung Quốc và Đức trong ba thập kỷ qua để xây dựng lập luận của họ rằng sự biến động trong chính sách thương mại toàn cầu cần được đặt trong bối cảnh ở các nền kinh tế hàng đầu. Họ cho rằng "sự cân bằng chung về hàng hóa và dịch vụ được giải thích bằng số tiền tiết kiệm, đầu tư và dòng vốn, thay vì cán cân thương mại song phương như Donald Trump tưởng tượng". Ảnh: X.

Misadventures of the Most Favored Nations: Clashing Egos, Inflated Ambitions, and the Great Shambles of the World Trade System của Paul Blustein (2009). Bản tường trình của nhà báo kỳ cựu Blustein về tiến trình đàm phán thương mại đa phương Doha đã cho thấy một bức tranh về những thất bại và thất vọng liên tiếp. Blustein đã phác họa một dàn nhân vật đầy màu sắc trên suốt chặng đường đi đến kết cục thất bại hoàn toàn. Trong bài đánh giá cuốn sách này, nhà bình luận Alan Beattie thậm chí còn nhấn mạnh "WTO là một cơ quan đàm phán tồi". Ảnh: getAbstract.

Kicking Away the Ladder: Development Strategy in Historical Perspective của Ha-Joon Chang (2002). Tác giả Chang đã nghiên cứu những áp lực lịch sử tác động lên các nước đang phát triển để đề xuất “các chính sách tốt và thể chế tốt nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của họ”. Trong bài phân tích của mình, ông tham khảo nhiều bài học từ các cường quốc Anh, Mỹ và phân tích cuộc tranh luận xung quanh câu hỏi liệu những “đề xuất dựa trên lý thuyết (ví dụ, thương mại tự do có lợi cho tất cả quốc gia)” có phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển hiện đại hay không. Ảnh: Youtube.

No Trade Is Free: Changing Course, Taking on China, and Helping America’s Workers của Robert Lighthizer (2023). Cuốn sách này đưa ra lập luận ủng hộ phe bảo hộ thương mại. Trong cuộc tranh luận này, Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ dưới chính quyền Trump đầu tiên, đã tham gia việc áp thuế đối với Trung Quốc năm 2018. Theo ông, “chương trình nghị sự thương mại tự do cấp tiến” trong hai thập kỷ trước là một điều bất thường đối với Mỹ. Ông mong muốn thấy nước Mỹ chuyển từ dựa trên tiêu dùng sang xây dựng và sản xuất nhiều hơn - một nội dung cốt lõi lâu nay được đảng Cộng hòa ủng hộ. Ông cũng ủng hộ các biện pháp tái cân bằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, điều ngay lúc này đang khiến thế giới nóng lên. Ảnh: X.
Nguồn Znews: https://znews.vn/hieu-ve-thue-quan-va-chien-tranh-thuong-mai-post1544883.html