Him Lam thâu tóm DIC Corp?
Các cổ đông đã bán quá nửa số cổ phiếu đang lưu hành của DIC Corp trong một phiên giao dịch, tương đương với giá trị 3.440 tỷ đồng. Bên mua một phần cổ phiếu này là Công ty Địa ốc Him Lam
Ngày 2/12, hơn 160 triệu cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) đã được giao dịch thỏa thuận, tương ứng 51,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mức giá mua thỏa thuận giao động từ 21.000 – 21.500 đồng/cổ phiếu. Ước tính, tổng giá trị giao dịch là hơn 3.440 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán hơn 69,28 triệu cổ phiếu với tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng. Nhiều khả năng nhà đầu tư nước ngoài bán ra cổ phiếu DIG là quỹ của Dragon Capital. Trong cơ cấu cổ công, các quỹ của Dragon Capital đang sở hữu lượng cổ phiếu tương ứng với khối lượng giao dịch thỏa thuận kể trên.
Trong khi đó, khối nội bán DIG có thể đến từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) khi mới đây VCSC đã đăng ký bán gần 30 triệu cổ phiếu DIG trong khoảng thời gian từ 26/11 đến 25/12 thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Bên mua một phần số cổ phiếu này là Công ty Địa ốc Him Lam. Trong thông báo mới đây của DIC Corp, Công ty Địa ốc Him Lam đã mua hơn 67 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thông qua giao dịch ngày 2/12 với tỷ lệ 21%.
Trước các giao dịch trên, một cổ đông lớn khác của DIC Corp là Công ty Thiên Tân đã bán hơn 4,26 triệu cổ phiếu DIG, qua đó giảm lượng sở hữu xuống còn 13,21 triệu cổ phiếu (4,14%) và không còn là cổ đông lớn.
Hồi tháng 10, một cổ đông lớn khác của DIC Corp là Taekwang Vina đã bán hơn 28 triệu cổ phiếu DIG và không còn là cổ đông lớn. Trước đó, Khahomex cũng bán 16 triệu cổ phiếu DIG, thoái vốn sau hơn 1 năm làm cổ đông lớn.
Các cổ đông thoái vốn khỏi DIC Corp đều đã thu lời lớn khi mức giá mua vào thấp hơn khá nhiều so với vùng giá bán ra.
Với Dragon Capital, các quỹ đã mua số lượng lớn nhất cổ phiếu DIG vào năm 2017, khi Bộ xây dựng thoái vốn tại vùng giá 15.000 – 16.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, VCSC mới tham gia đầu tư vào DIC Corp từ năm 2018, sau khi mua lượng lớn cổ phiếu công ty trong khoảng giá từ 13.100 – 19.600 đồng/cổ phiếu.
Trong tháng 11, DIC Corp thông qua chủ trương bán 8,26 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian dự kiến hoàn tất trong quý 4/2020.
Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu DIG đã bứt phá ngoạn mục hơn 80%. Sau khi tăng kịch trần trong phiên 2/12, lên mức 24.050 đồng, cổ phiếu DIG tiếp tục tăng trần trong phiên ngày 3/12, lên mức giá kỷ lục mới 25.700 đồng/cổ phiếu.
Công ty Địa ốc Him Lam là một nhà phát triển bất động sản quy mô lớn với nhiều dự án trên cả nước. Việc trở thành cổ đông của DIC Corp có thể là bước đi nhắm tới quỹ đất khổng lồ mà doanh nghiệp này đang sở hữu nhưng chưa được triển khai.
Trong một báo cáo, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, nếu áp dụng phương pháp giá trị tài sản ròng (RNAV) dựa trên các dự án tương tự tại khu vực để định giá cổ phiếu, DIG sẽ có giá là 95.000 đồng/ cổ phiếu, gấp nhiều lần giá thị trường hiện nay.
DIC Corp có nguồn gốc là doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng với quỹ đất lớn, pháp lý đầy đủ song gặp khó khăn trong việc biến lợi thế này thành lợi nhuận cho cổ đông. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp này gặp khó khăn với chi phí giải phóng mặt bằng.
Quay trở lại thời điểm tháng 9/2020, các cổ đông lớn của DIC Corp khi đó đã phủ quyết việc hợp tác triển khai dự án Khu đô thị Bắc Vũng Tàu giữa công ty với Công ty Cổ phần Him Lam (Him Lam).
Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, phường 12, TP. Vũng Tàu có quy mô diện tích là 90,5 ha, tổng đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành thủ tục pháp lý. Đây là dự án đầy tiềm năng mà ban quản trị DIC Corp tin rằng sẽ trở thành một trong các khu đô thị kiểu mẫu, nâng cao giá trị thương hiệu công ty trên thị trường bất động sản, tạo đà để xin triển khai các dự án khu đô thị lớn và nhiều tiềm năng khác.
Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án khác, DIC Corp gặp khó khăn với chi phí giải phóng mặt bằng. Tới thời điểm tháng 8, công ty mới giải phóng được 7,2 ha trên tổng số 90,5 ha diện tích dự án.
Thông qua mối hợp tác với Him Lam, DIC Corp muốn tận dụng được kinh nghiệm của Him Lam trên thị trường bất động sản, đồng thời giải quyết bài toán tài chính khi Him Lam là đơn vị có mối liên hệ với các tổ chức tín dụng lớn trong nước, có thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án với mức vốn huy động lớn trong thời gian ngắn.
Với việc DIC Corp đã đổi chủ, thương vụ hợp tác giữa DIC Corp và Him Lam nhiều khả năng sẽ được tái khởi động trong thời gian tới.
Bên cạnh dự án tại Vũng Tàu, DIC Corp là doanh nghiệp bất động sản có nhiều quỹ đất tiềm năng tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đồng Nai. Công ty hiện có quỹ đất bao gồm cả hợp tác và tự triển khai đến hơn 1.600 ha, trong đó các dự án được chia ra thành 2 loại là bất động sản dân cư với 1.303 ha và bất động sản nghỉ dưỡng 330 ha. Các dự án tập trung tại các tỉnh ven Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và điểm đặc biệt quan trọng là tính pháp lý các dự án chắc chắn.
Vừa qua, DIC Corp thông báo sẽ chuyển nhượng các dự án thành phần tại Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, DIC Corp chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Đại Phước Thiên Minh cho đối tác có năng lực để triển khai đầu tư vào khu đất 14,4 ha tại Phân khu 7.1, dự án Khu đô thị (KĐT) du lịch sinh thái Đại Phước. Giá trị chuyển nhượng yêu cầu không thấp hơn giá trị vốn góp là 759 tỉ đồng.
Công ty cũng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 2.349 tỉ đồng tại Công ty TNHH Đại Phước Thiên An để tìm đối tác đầu tư vào khu đất 31 ha tại Phân khu 1, 2, 3 của KĐT Đại Phước. Giá trị chuyển nhượng yêu cầu không thấp hơn giá trị vốn góp.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/him-lam-thau-tom-dic-corp-1606982038068.htm