Hình ảnh Bắc Đẩu trong 'Táo Quân' xúc phạm cộng đồng LGBT hay kịch bản vô tình, người xem hữu ý?
Chương trình thành công phát sóng 15 năm - 'món ăn tinh thần' đặc sắc của hàng triệu người dân Việt, liệu có xứng đáng bị gọi là 'hạt sạn' không nên xuất hiện tại Đài truyền hình?
Hơn một tuần kể từ ngày phát sóng Táo Quân 2018, chương trình tiếp tục vướng phải ồn ào bởi cáo buộc đưa thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Theo đó, nội dung thư ngỏ của Viện iSEE (viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) và trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT) chỉ ra rằng hình tượng nhân vật Bắc Đẩu (Công Lý) trong Táo Quân 2018 đem đến cái nhìn tiêu cực, bôi nhọ danh dự và hình ảnh của cộng đồng người LGBT tại Việt Nam.
Lùm xùm quanh sự việc “Táo Quân 2018” xúc phạm cộng đồng LGBT đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng mạng.
Trước những nhận xét và bằng chứng đưa ra, đại diện Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm vẫn chưa có phản hồi chính thức. Tuy nhiên, sự việc đã gây nên tranh cãi với nhiều bình luận trái chiều từ phía khán giả và cộng đồng mạng. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu rằng trong suốt 15 năm qua, “cô Đẩu” Công Lý trong Táo Quân có thực sự đem đến những hình ảnh không đẹp, xúc phạm nặng nề đối với cộng đồng LGBT?
Bắc Đẩu Công Lý - Món “đặc sản” không thể thiếu trong mỗi mùa Táo Quân
Từ trước đến nay, bộ ba Ngọc Hoàng Quốc Khánh - Nam Tào Xuân Bắc - Bắc Đẩu Công Lý đã trở thành những hình ảnh quen thuộc không thể thiếu mỗi khi người xem nhắc tới Táo Quân. Trải qua 15 năm phát sóng, các nhân vật “đinh” vẫn giữ nguyên phong cách tạo hình, vai trò và lối diễn xuất trong chương trình. Điều này tạo cho khán giả một thói quen, vừa hào hứng, thích thú, vừa mong ngóng, chờ đợi sự trở lại của từng nghệ sĩ Táo Quân.
Bộ 3 Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu đóng vai trò không thể thiếu trong mỗi mùa Táo Quân.
Ăn sâu vào tiềm thức của mỗi khán giả yêu thích Táo Quân từ trước đến nay là hình ảnh cô Đẩu Công Lý với phong cách ăn mặc, trang điểm nữ tính, giọng nói có phần lả lướt đặc trưng. Tạo hình Bắc Đẩu được xem như nhân vật phi giới tính, “bất nam bất nữ” với hình dạng của người đàn ông nhưng tâm hồn, tính cách lại giống một cô gái.
Tạo hình Bắc Đẩu trong mỗi mùa “Táo Quân” đều khiến khán giả không thể nhịn cười.
Trải qua nhiều năm, hình tượng Bắc Đẩu của Công Lý vẫn không có nhiều thay đổi lớn, vẫn đem đến tiếng cười cho khán giả qua lối diễn ẩn dụ nhằm châm biếm, đả kích sâu sắc về các vấn đề nổi cộm của xã hội. Cùng với Nam Tào, bộ đôi được coi là “linh hồn” không thể thiếu trong mỗi tập Táo Quân.
Cặp đôi Nam Tào - Bắc Đẩu được ví như “linh hồn” của “Táo Quân”.
Bên cạnh ngoại hình ngày càng có phần dị hợm, Bắc Đẩu cũng lợi dụng nét tính cách “ái nam ái nữ” để gây cười cho khán giả. Ngoài ra, cô Đẩu đanh đá cũng sở hữu nhiều câu thoại hết sức chanh chua, khiến người xem nhớ mãi.
Những câu thoại gán mác Bắc Đẩu đều khiến người xem phải nghiền ngẫm.
LGBT - Cả một cộng đồng người “nằm không trúng đạn”
Không thể phủ nhận sự thành công và dấu ấn đậm nét từ nhân vật Bắc Đẩu trong lòng khán giả. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng hình ảnh nhân vật gây cười, chua ngoa và đanh đá ấy lại vô tình thuộc một thành phần của cộng đồng LGBT.
Hình ảnh Bắc Đẩu càng xấu, cộng đồng LGBT càng trở thành những người vô tình “nằm không trúng đạn”.
LGBT chia thành 4 nhóm người: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính) và Transgender (người chuyển giới). Trong cuộc sống, phần lớn người thuộc cộng đồng này đều có vẻ ngoài, tính cách bình thường, không khác biệt nhiều so với những người khác. Thế nhưng trái lại, hình ảnh Bắc Đẩu được thể hiện trong chương trình lại có hình dáng, tác phong và tính cách hơi “quá lố”, tạo ấn tượng không tốt về người LGBT đối với xã hội.
Cụ thể, Bắc Đẩu luôn xuất hiện với quần áo, trang điểm hết sức lòe loẹt, dáng đi õng ẹo. Không những vậy, cô Đẩu đanh đá luôn thể hiện bản thân là người đàn bà chanh chua, lời nói ngoa ngoắt, khó nghe, đồng thời có những cử chỉ lả lơi, gạ tình đối với nam giới trên thiên đình. Theo Viện iSEE và ICS, chương trình đã mang những người LGBT ra “làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại”.
Phản hồi thông qua hình tượng Bắc Đẩu được cho là “sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT“.
Sự việc sẽ không đi đến tranh cãi gay gắt nếu như trên thực tế, cộng đồng LGBT có bản chất tương đồng với những gì Bắc Đẩu thể hiện. Thế nhưng sự thật lại không phải vậy. Vì vậy, những người thuộc giới tính thứ 3 không tránh khỏi oan khuất khi nghiễm nhiên bị mang hình ảnh sai lệch, tiêu cực ra làm trò tiêu khiển, mua vui cho khán giả truyền hình. Hơn ai hết, họ đích thị là những kẻ “nằm không trúng đạn” trong sự việc lần này.
Kịch bản vô tình, người xem hữu ý?
Vô tình đem lại hình ảnh xấu cho cộng đồng LGBT, phần lỗi của Táo Quân 2018 là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng chẳng thể chứng minh Ban biên tập Táo Quân hay Đài truyền hình Việt Nam cố tình dùng phương thức này để bôi nhọ những người thuộc giới tính thứ 3. Bởi lẽ trên mọi phương diện, họ chẳng có bất kỳ lý do nào để làm điều đó.
Có thể ban biên tập chương trình đã sai, nhưng điều này không hoàn toàn đáng trách.
Xét thấy chương trình Táo Quân đã hoạt động tốt và liên tục suốt 15 năm qua. Cũng trong vòng 15 năm đó, hình ảnh cô Đẩu “ái nam ái nữ” vẫn thường xuyên xuất hiện, không hề thay đổi về mặt bản chất nhân vật. Mặt khác, sự bùng nổ và phát triển của cộng đồng LGBT được xã hội công nhận cũng mới chỉ diễn ra ở Việt Nam trong vòng ít năm trở lại đây. Nói cách khác, ở thời điểm mới phát hành, Táo Quân không có lý do gì để chọn những người này làm “mục tiêu công kích” hay “cố tình tạo scandal” như hiện tại.
Hình ảnh Bắc Đẩu nhiều năm qua vẫn khiến người xem yêu thích, bởi cái duyên, cái hài đặc biệt mà nhân vật này mang lại. Bên cạnh đó, nhắc đến Táo Quân, khán giả luôn cho rằng ở mỗi nhân vật đều truyền tải những thông điệp tốt, dù là bằng cách này hay cách khác. Do vậy, chắc hẳn có rất ít người tỏ thái độ bài xích, ghét bỏ nhân vật Bắc Đẩu của chương trình. Thế nên nói qua nói lại, giả thuyết “kịch bản vô tình - người xem hữu ý” rất thích hợp để giải thích cho tình cảnh hiện tại.
Sự việc có thể coi như sự cố vô tình.
Lướt một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bình luận trái chiều của cộng đồng mạng xung quanh sự việc. Bên cạnh nhiều bình luận phản đối, một số người tỏ ra thông cảm với Táo Quân, cho rằng chương trình xây dựng hình tượng nhân vật chỉ mang tính chất vui vẻ chứ không nhằm khích bác, bôi nhọ. Ngược lại, cộng đồng LGBT đã quá mức nhạy cảm, quan trọng hóa vấn đề: “Năm ngoái, năm ngoái nữa và nhiều năm trước, hay là từ 15 năm trước vai Bắc Đẩu đã thế rồi nhỉ. Các bạn LGBT cứ làm quá lên, nhạy cảm quá lên rồi chả ra gì”, “Táo Quân họ đã làm đúng trách nhiệm và ý nghĩa của từ Táo Quân. Cuối năm Táo về trời báo với Ngọc Hoàng những việc đã xảy ra, tiêu chí như vậy là đúng không có gì sai mà bãi bỏ Táo Quân cả, các người không làm gì sai thì sao lại phải hổ thẹn”, “Ngay cả chính trị nhạy cảm, kinh tế, quan chức còn chế giễu được ở Táo Quân, thì nói gì Bắc Đẩu?”,…
Nói vậy không có nghĩa là phía biên tập Táo Quân không hề có lỗi trong sự việc. Việc nhắc đến vấn đề quá mức nhạy cảm - quyền bình đẳng giữa con người, giới tính trong xã hội đã là điều không đúng, chuyện phản ánh chúng một cách quá tiêu cực lại càng sai lầm hơn. Đặc biệt, vừa qua, Táo Quân cũng bị phản ánh ở việc sử dụng nhiều lời thoại quá mức thô tục, không phù hợp phát sóng trên đài truyền hình quốc gia. Đây cũng là điều mà ban biên tập chương trình nên rút kinh nghiệm và thực hiện một cách khéo léo, thích đáng hơn, làm thỏa lòng khán giả.
Hình tượng Bắc Đẩu của Táo Quân trong lòng khán giả Việt hẳn không thể dễ dàng thay đổi, cũng không nhất thiết phải đổi thay chỉ sau một sớm một chiều. Tuy nhiên, thiết nghĩ những gì mà Viện iSEE và ICS phản ánh không hoàn toàn là vô nghĩa. Mong rằng Ban biên tập chương trình và lãnh đạo nhà đài sẽ có câu trả thích đáng để làm hài lòng cộng đồng LGBT cũng như những người luôn quan tâm đến chương trình.