Hình ảnh chiến sĩ Biên phòng qua trang giáo án

Qua các lần được đi thực tế đến các đồn Biên phòng, cô giáo Nguyễn Ngọc Dung, giáo viên dạy văn khối 8, Trường Trung học cơ sở Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước luôn dành tình cảm với những người lính ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc, làm công tác dân vận và tăng gia sản xuất ở đơn vị...

Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung và chiến sĩ Vũ Văn Hậu tại vườn tăng gia của đơn vị. Ảnh: Duy Hiến

Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung và chiến sĩ Vũ Văn Hậu tại vườn tăng gia của đơn vị. Ảnh: Duy Hiến

Là giáo viên dạy văn khối 8, cô giáo Nguyễn Ngọc Dung còn là hội viên Chi hội văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Cô đã có 3 lần đi thực tế đến các đồn Biên phòng trong tỉnh. Ấn tượng nhất là chuyến đi gần đây đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh và Đồn Biên phòng Lộc Thành. Ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh, cô giáo Dung thích thú với vườn rau sạch và trại nuôi heo rừng, hươu sao của đồn.

Đặc biệt, cô rất quý mến Binh nhất Vũ Văn Hậu, chiến sĩ hậu cần của đơn vị. Hậu vừa tròn 20 tuổi, quê ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Em nhập ngũ tháng 3-2018 và đã tham gia cuộc thi chạy việt dã cự ly 10km, do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức và góp phần tạo nên thành tích giải Ba toàn đoàn cho đơn vị. Chiến sĩ Hậu rất đam mê trồng các loại rau. Chịu khó lao động, tính tình vui vẻ, cởi mở nên Hậu được cán bộ, chiến sĩ đơn vị quý mến. Vườn rau sạch và trại nuôi heo của đồn cơ bản mình Hậu chăm sóc, nuôi dưỡng. Thực tế, muốn giữ vườn rau không bị nắng gắt chiếu xuống làm héo đọt non và mưa lớn ảnh hưởng đến rau lá, các chiến sĩ Biên phòng phải căng hai lớp lưới dày màu đen và xây tường bao quanh vườn rau cao 1m.

Những lần đi thực tế đến các đồn Biên phòng, trang giáo án của cô giáo Dung có thêm phần giảng cho học sinh về hình ảnh chiến sĩ Biên phòng, như đang tuần tra canh giữ đường biên, cột mốc; dựng lại vườn tiêu cho dân bị giông lốc làm đổ; cùng cán bộ địa phương và cán bộ các đoàn thể chăm lo đời sống cho người dân biên giới; chung sức xây dựng nông thôn mới... Nhiều mô hình, chương trình thiết thực của các đồn Biên phòng giúp dân xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, tặng gạo, vật nuôi (bò, dê), tặng cây giống, tặng quà cho đồng bào nghèo, tặng học bổng, nhận nuôi con em người dân tộc thiểu số... được cô chuyển tải đến các em học sinh trong trường.

Cô Dung tâm sự: “Mình luôn tranh thủ mọi cơ hội và tận dụng thời gian để được đi đến các đồn Biên phòng, nhằm tìm hiểu đời sống, sinh hoạt, rèn luyện của bộ đội. Cứ nghĩ, thời bình, bộ đội sẽ được an nhàn nhưng khi lên các đồn Biên phòng mới hiểu biết tường tận những vất vả của các anh”. Cô Dung cũng ấn tượng với các hoạt động của các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân miền biên ải, đặc biệt là hoạt động tăng gia sản xuất. Đại úy Trần Văn Nên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh, cho biết, ở đơn vị các chiến sĩ Biên phòng trồng rau không dùng thuốc trừ sâu và kích thích tăng trưởng. Để có vườn rau sạch và xanh tốt, các chiến sĩ phải tranh thủ thời gian ra bắt sâu, nhổ cỏ. Nhìn vườn rau rộng hơn 1.000m2, đủ loại như mồng tơi, rau muống, rau sam, rau cải, hành, ớt... xanh tươi, mới cảm nhận được công sức của các anh đã bỏ ra.

Sự thân thiện giữa cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng với nhau như người một nhà và với những vị khách đến đồn Biên phòng cũng vậy. Đồn chính là mái nhà thân thương, ai đến đây đều chung cảm xúc và suy nghĩ như thế. Đối với giáo viên dạy văn như cô giáo Dung, những chuyến đi trải nghiệm đó rất bổ ích, nhằm truyền thụ kiến thức qua thực tế hình ảnh anh bộ đội mà sách vở chưa thể nói hết. Nếu giáo viên muốn học sinh hiểu hơn về cuộc sống, chiến đấu của người lính trong thời bình, thì chính họ phải được trải nghiệm qua thực tế để hiểu biết tường tận hơn về người lính cũng như vất vả, khó khăn và hy sinh vì nhiệm vụ, vì biên cương Tổ quốc của họ.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung cho rằng, có những chuyến đi như vậy để làm giàu nội dung trong giáo án, qua đó học sinh yêu thích môn văn hơn và các giờ dạy văn, giáo viên không còn thấy khô khan đơn điệu nữa. Việc thể hiện cảm xúc về người lính Biên phòng được đúc rút từ thực tế làm cho bài giảng sinh động hơn. Học sinh cảm thấy yêu thích, trân trọng những kiến thức của giáo viên truyền thụ qua bài giảng.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Biên phòng được cô giáo Dung bổ sung thêm trong trang giáo án, cũng là hành trang cho các em học sinh bước vào tuổi thành niên. Các em nhận thức được giá trị của cuộc sống ngày hôm nay và liên hệ tới các chiến sĩ tuổi mười tám, hai mươi đang ngày đêm canh giữ biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Hình ảnh người lính Biên phòng được cô giáo Nguyễn Ngọc Dung lồng ghép vào bài giảng văn như là một gạch nối giữa người lính biên cương với học sinh của mình.

Duy Hiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hinh-anh-chien-si-bien-phong-qua-trang-giao-an-post432746.html