Hình ảnh con trâu trên gốm sứ

Cố nghệ nhân Nguyễn Ky (bên phải) trao đổi với tác giả về khuôn in hình trên gốm đất nung Quảng Đức - Ảnh: THÙY DUYÊN

Đồ gốm sứ không chỉ là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày từ hàng ngàn năm qua tại nhiều quốc gia, dân tộc, mà qua gốm sứ, người ta còn biết đến lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán… của từng tộc người. Một trong những dấu hiệu để nhận diện thông điệp trên gốm sứ đó chính là các đồ án trang trí, cỏ cây, hoa lá, muôn thú… Trong đó có hình ảnh con trâu, một trong 12 con giáp và là linh vật của năm Tân Sửu 2021.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thượng Hỷ (Quảng Nam), đề tài, hoa văn trang trí trên gốm cổ Việt thường phổ biến với các con thú thiêng như long, lân, quy, phụng… Dẫu con vật gắn bó với nhà nông từ ngàn xưa như con trâu cũng chỉ xuất hiện khá khiêm tốn trong hơn 240 ngàn cổ vật là gốm sứ thu vớt từ con tàu cổ đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam.

Với hình ảnh con trâu là “đầu cơ nghiệp” của người nông dân xưa, các nghệ nhân gốm làng Chu Ðậu, Mỹ Xá, Hải Dương thời Lê sơ đã thể hiện với kỹ thuật vẽ lam (đơn sắc với màu oxid coban dưới men) và vẽ màu (ba màu lục, đỏ, vàng trên men) bằng nét bút lông (cong bút và phóng bút) đã cho ta thấy sự tài giỏi của người thợ gốm xưa.

Dễ dàng nhận biết hình ảnh con trâu vẽ trên nhiều đĩa hoa lam với dáng mập mạp, chung quanh là cây cỏ, vành đĩa trang trí những đám mây. Người thợ gốm xưa thể hiện hình dáng con trâu như thế này bởi, con trâu là con vật có nhiều đức tính quý báu: hiền lành, bền bỉ, mạnh mẽ và nó được chọn là biểu tượng cho sự an lành, no đủ.

Một số đĩa gốm Chu Ðậu khác vẽ nhiều màu với chú trâu đứng, vây quanh là những đám mây. Loại đĩa này vừa trưng bày, vừa có ý nghĩa về mặt phong thủy. Con trâu có tác dụng chế hóa, trấn yểm các hung tinh và biến hung thành cát nên hình ảnh con trâu được dùng khá phổ biến hơn trong phong thủy, những công dụng khác trong đời sống tâm linh. Trâu còn mang ý nghĩa tâm linh khác khi kết nối với thần linh, thể hiện ước vọng của con người về một cuộc sống sung túc, an lành...

Mục đồng học bài trên lưng trâu no cỏ (đồ sứ men lam Huế) - Ảnh: TRẦN THANH HƯNG

Mục đồng học bài trên lưng trâu no cỏ (đồ sứ men lam Huế) - Ảnh: TRẦN THANH HƯNG

Ðặc biệt, một số đĩa gốm Chu Ðậu có kích thước nhỏ vẽ màu với dáng trâu được nhìn từ trên xuống. Lưng trâu bành to, bè ra chiếm cả lòng đĩa. Lặp lại hình ảnh con trâu vẽ theo bố cục này là đoạn vẽ trên nắp hộp, cũng dòng gốm Chu Ðậu, hình chú trâu với lỗi vẽ chăm chút từng chi tiết đầu, sừng, chân đan...

Và hình ảnh quen thuộc nhất với làng quê Việt Nam, với những người nông dân chính là chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, trang trí trên nắp hộp gốm Chu Ðậu. Chính vì vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa Việt Nam và Ðông - Nam Á nói chung như thế, nên trâu đã đi vào năm, tháng, ngày, giờ của lịch 12 con giáp. Với nhiều thế hệ nông dân Việt Nam, con trâu là một trong ba đầu việc lớn nhất và khó khăn nhất không phải ai cũng thực hiện được, nó gắn với “cơ nghiệp” của cả một đời người:

Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà

Trong ba việc ấy thật là khó thay.

Trong bộ sưu tập gốm sứ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nhà sưu tập Võ Minh Luân, chủ nhân không gian trưng bày Ðại Ngàn House tại số 10 Hải Triều, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk, có khá nhiều hiện vật liên quan đến hình ảnh con trâu.

Ðó là chú trâu rừng trên một đồ án trang trí cảnh đồng bào Tây Nguyên săn bắt trên chiếc chóe gốm Lái Thiêu, là hình ảnh mục đồng ung dung trên lưng trâu trên một chiếc bình tích gốm Biên Hòa, hình ảnh chú trâu dũng mãnh trên nắp hộp phấn gốm Chu Ðậu, Hải Dương…

Và rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác trên gốm xưa từ chiếc gạt tàn thuốc, lọ hoa, hay chỉ là hình ảnh quen thuộc chú mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng trâu với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau để trang trí.

Ðặc biệt, trong bộ sưu tập của mình, anh Võ Minh Luân tâm đắc với chiếc dĩa Biên Hòa chế tác năm Tân Sửu 1961, năm 2021 vừa tròn 60 năm, hay những bức tranh Ðông Hồ, tranh sơm mài xưa với đồ án trang trí làng quê, đồng ruộng, đàn trâu no cỏ thanh bình…

Trong văn hóa phương Tây, loài trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Người ta coi những chiếc tù và làm từ sừng trâu là biểu tượng cho ngành Bưu chính cổ đại. Họ thổi những chiếc tù và để thông báo mỗi khi giao hay nhận thư từ các buôn lái. Cặp sừng dài to, chắc khỏe của loài trâu xuất hiện nhiều trong thần thoại Hy Lạp hay Ai Cập, còn biểu tượng cho các vị thần bảo trợ với sự mạnh mẽ, khiến bao người phải sợ hãi…

Chúng ta hy vọng, chào đón năm mới Tân Sửu 2021 với hình ảnh linh vật là chú trâu, sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất cho quê hương, đất nước, mọi nhà, mọi người!

TRẦN THANH HƯNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252257/hinh-anh-con-trau-tren-gom-su.html