Hình ảnh cuối của những nạn nhân vụ lật ca nô qua lời kể của người chứng kiến khiến ai cũng xót xa
Hình ảnh đau lòng đầu tiên mà các anh nhìn thấy là du khách bên trong ca nô cố gắng thoát ra ngoài qua cửa chính nhưng sóng lùa mạnh nên nhiều người chui ra từ cửa sổ.
Tối 28/2, thi thể của bé trai Nguyễn Minh Q. (3 tuổi, quê TP Hà Nội) đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Như vậy, tính đến nay, tất cả 17 thi thể của đoàn du khách gặp nạn trong vụ chìm ca nô ở vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đã được tìm thấy và lần lượt được gia đình đưa về quê nhà để an táng.
Những ngày qua, nhiều người dân Hội An đã tập trung tại cầu cảng Cửa Đại và nhà tang lễ thành phố để chia buồn và hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình các nạn nhân. Ai cũng xót xa, thương tiếc trước sự cố bi thương ập đến với các du khách xấu số trong chuyến du lịch định mệnh.
Theo báo Biên phòng, ngay khi hay tin về vụ việc, Đại úy Nguyễn Văn Trường, cán bộ phụ trách đội ca nô cứu nạn (Đồn Biên phòng Cửa Đại, BĐBP Quảng Nam) ứng trực tại khu vực gần đó đã chở 6 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường ứng cứu.
Hình ảnh đau lòng đầu tiên mà các anh nhìn thấy là du khách bên trong ca nô cố gắng thoát ra ngoài qua cửa chính nhưng sóng lùa mạnh nên nhiều người chui ra từ cửa sổ. Do cửa ca nô là loại cửa kính, cửa lùa có lối ra hẹp nên có vài nạn nhân bị mắc kẹt ở đây.
Các chiến sĩ đưa được 2 phụ nữ và 1 nam giới sang ca nô của mình, nhưng cả 3 nạn nhân đều bất động. Tình thế này buộc các anh đưa 3 nạn nhân vào bờ cấp cứu ngay. Ở hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Văn Vạn (Đồn phó Nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa Đại) bám chặt vào chiếc ca nô gặp nạn.
Khi chiếc ca nô trở lại, đoàn chiến sĩ cứu được một số người, tổng cộng có 9 nạn nhân được các anh đưa vào bờ.
Theo chia sẻ của Đại úy Trường với nguồn trên, ca nô trùm kín mái từ trước ra sau, cửa của ca nô chỉ là một khe hẹp, trong khi vị trí này ở giữa vùng sóng nhồi nên sóng liên tục ập từ phía sau, tống mạnh vào bên trong.
Các chiến sĩ vật lộn cố gắng chui vào trong ca nô, đồng thời phải giữ thế để đạp nước quay ra để không bị "nhốt" bên trong ca nô.
Rùng mình khi nhớ lại cảnh tượng vụ lật ca nô kinh hoàng, Thiếu tá Trần Văn Khiêm (Đồn Biên phòng Cửa Đại, thuộc Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) nghẹn ngào cho biết, chỉ hơn 2 phút sau khi nhận thông tin có ca nô gặp nạn, cán bộ chiến sĩ đã tiếp cận hiện trường.
Lúc này, hiện trường có sóng rất lớn, gió rất to. Trực tiếp thấy các nạn nhân trên ca nô đang cầu cứu, anh Khiêm cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Vạn, Đồn phó Nghiệp vụ và đồng chí nữa nhanh chóng nhảy xuống tiếp cận, cứu được 3 người sống đưa lên tàu.
"Tôi tiếp tục lặn vào bên trong tàu vớt được thêm 3 nạn nhân nữa và đưa cả 6 nạn nhân vào bờ cấp cứu trong chuyến đầu tiên. Khi anh em chạy vào, còn mình tôi bám lại trên tàu bị nạn, vẫy gọi tàu chạy ngang vớt thêm 4 người nữa", thiếu tá Khiêm kể.
Anh Khiêm tiết lộ thêm, khi tiếp cận hiện trường, thấy có nhiều người cả bên trong và bên ngoài tàu kêu cứu. Mỗi lần sóng đánh mạnh vào, ca nô nghiêng, anh và đồng đội thấy rất nhiều nạn nhân bên trong.
"Khi trực tiếp lặn vào trong tàu, tôi kéo được 3 người ra ngoài. Dù biết bên trong còn nhiều nạn nhân nhưng hiện trường quá nguy hiểm, thấy người ở đó nhưng không cứu được, đau lòng lắm! Dù anh em chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng thật sự bây giờ tôi vẫn rất đau lòng vì đã có quá nhiều người chết...", Thiếu tá Khiêm rưng rưng.
"Khi đưa nạn nhân lên tàu, họ nằm la liệt, rất đau xót! Họ là người dân của mình, họ là người vô tội, cảm giác họ bị chết oan!", thiếu tá Khiêm xót xa nói.
Vẫn nhớ như in sự việc kinh hoàng xảy ra trước mắt mình, anh Võ Thành Trung (33 tuổi, thuyền trưởng ca nô Phương Đông 02) kể, khoảng 14 giờ chiều 26/2, sau khi kết thúc chương trình tour thăm đảo Cù Lao Chàm, anh điều khiển ca nô quay về cảng Cửa Đại để trả khách.
"Trong lúc đang tiếp nhiên liệu cho tàu thì tôi nghe tin có 1 chiếc ca nô trong đoàn 4 chiếc đang chở khách về bờ thì bị lật. Tôi lập tức nổ máy chạy khoảng 3 phút thì ra tới hiện trường. Lúc này, ca nô bị lật úp gần cồn cát cạn nên sóng lớn, thấy hơn chục người mặc áo phao đang ôm lấy phần phao bè và dây bên hông tàu. Tôi cố gắng điều khiển cano lại gần và cùng Trinh (người đi cùng) buộc dây vào 2 phao tròn lia xuống chỗ nạn nhân lặn ngụp", anh Trung nhớ lại.
Anh Trung cho biết thêm, khi ca nô của mình chỉ còn cách ca nô bị đắm khoảng 5m, anh liền thả 2 thang để Trinh ở phía dưới dìu nạn nhân vào. Lúc này, ông Lê Sen (52 tuổi), thuyền trưởng ca nô Phương Đông 05 (ca nô bị chìm) cũng đang nỗ lực ngụp lặn để cứu người.
"Một số người tự bơi vào thang và leo lên ca nô của tôi. Sau khi cứu được 9 người, trong đó có 1 người bất tỉnh, tôi liền chạy vào bờ để cấp cứu và cho các nạn nhân khỏi lạnh", anh Trung nói.
Khi ca nô đưa 9 du khách được cứu sống đầu tiên về tới cầu cảng thì xe cấp cứu cũng đã đến. Anh Trung tiếp tục phóng ca nô hết tốc lực để ra biển lần 2. Lúc này, đã có thêm tàu biên phòng và nhiều phương tiện của các công ty du lịch cùng tham gia tìm kiếm.
"Vừa ra tới, thấy 4 người mặc áo phao đang chới với giữa cơn sóng, cách ca nô bị chìm khoảng 300m, tôi cố đánh lái vòng ra phía trước mũi và vớt được thêm 2 người lên thuyền, lúc này họ đã bất tỉnh...", anh Trung kể.
2 lần ra biển tiếp theo, anh Trung mang bộ kính lặn và ống thở, nhảy thẳng xuống biển tìm các nạn nhân mắc kẹt phía trong ca nô gặp nạn. Tuy nhiên, lúc này dầu nhớt bám vào da và che khuất tầm nhìn nên anh không thể tìm thêm được người nào.
Là người có "thâm niên" gần 10 năm lái ca nô, nhiều lần cứu người đuối nước, chủ yếu là du khách nhưng đây là lần đầu tiên anh Trung cứu người đi ca nô gặp nạn.
Trở về nhà ở TPHCM, chứng kiến 2 đứa con gái bần thần trước di ảnh mẹ, anh Hiệp chỉ còn biết gục đầu vào con, quỵ khóc.
Anh cho biết, buổi sáng 26/2, trước khi rời đảo Cù Lao Chàm, sóng đã đánh rất dữ và lạnh. Ca nô chạy ít phút bất ngờ lật, con sóng thứ 2 ập tới thì tất cả mọi thứ đã chìm xuống biển chớp nhoáng.
Anh Hiệp lần mò từng chút để tìm lối thoát hiểm, thế nhưng các cửa đã bị bịt kín. Mãi đến lúc thấy lối ra ở đầu ca nô, anh mới cố gắng luồn qua khoang để thoát ra ngoài.
"Ngoi lên khỏi mặt nước, tôi nhìn lại không có ai. Lúc đó, tôi uống xăng và nước biển rất nhiều, sức mình đã hết, nhưng không thấy vợ nên liền hớp một hơi dài rồi chui vào ca nô" - anh Hiệp nhớ lại.
Lần lượt từng nạn nhân được anh Hiệp kéo ra, thế nhưng anh vẫn không thể tìm thấy vợ mình. Đến phút cuối, khi tất cả đã lên mặt biển, chị Lan mới là người được đưa ra. "Lúc đó, trải qua 5 phút là tôi đã biết mình mất cô ấy. Mọi chuyện nhanh quá! Khi cô ấy lên bờ, tôi chỉ biết khóc".
Sau cái chết của mẹ và chị gái, anh Nguyễn Xuân Hòa (SN 1982) vẫn không tin vào sự thật. Bởi chuyến đi hôm nay là để chị gái lấy lại tinh thần sau 5 năm trải qua bệnh ung thư.
Khi chiếc ca nô lật úp, mọi thứ chìm xuống biển, anh Hòa dùng hết sức bình sinh thoát ra. Thấy còn một nạn nhân bám dưới chân mình, anh không ngần ngại quay lại để tiếp tục cứu. Cứ thế, 2 người cùng lênh đênh trên biển với một chiếc áo phao suốt 15 phút để đợi cứu hộ đưa vào bờ.
"Chứng kiến mẹ với chị gái nằm bất động, anh như người mất hồn. Thời tiết quá lạnh, nỗi đau thì quá lớn, ngay cả liên lạc với gia đình để báo tin anh cũng không làm được vì chiếc điện thoại ngấm nước" - anh Hòa nhớ lại.
Như đã đưa tin, vụ tai nạn chìm ca nô số hiệu QNa1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông xảy ra vào khoảng 14h ngày 26/2, trên ca nô chở 39 người từ Cù Lao Chàm về Cửa Đại, khiến 17 người chết, 22 người được cứu sống.
Thuyền trưởng vụ cano bị chìm khiến 17 người chết không dùng ma túy, rượu bia khi chở khách
Chiều 28/2, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định ông Lê Sen (52 tuổi, ngụ phường Cửa Đại, TP Hội An) - người điều khiển ca nô gặp nạn trên biển Cửa Đại, không sử dụng ma túy, rượu bia trong quá trình chở khách.
Được biết, trước đó cơ quan điều tra đã triệu tập ông Sen và những người liên quan lên lấy lời khai cũng như kiểm tra người điều khiển ca nô có sử dụng rượu bia, chất kích thích hay không. Hiện tại, công an chưa khởi tố vụ án.
Vụ chìm ca nô Hội An 15 người tử vong, vẫn còn 2 người mất tích