Những hình ảnh chụp được từ Sao Hỏa, khiến nhiều nhà khoa học suy đoán nơi đây từng có sự sống trong quá khứ.
Sao Hỏa là hành tinh gần Trái Đất nhất trong Hệ Mặt trời. Nhiều nhà khoa học đặt ra lập luận rằng, Sao Hỏa cũng là hành tinh có thể từng sống được trong quá khứ. Do đó, rất nhiều hình ảnh suy đoán về sự sống trên hành tinh này. (Ảnh: Google)
Tàu thám hiểm Curiosity của NASA nghỉ ngơi một thời gian ngắn vào tháng 4/2023. Ngay thời khắc này, còn tàu bất ngờ tìm thấy cuốn sách bìa cứng cũ nằm trong lớp bụi thuộc tầng địa chất quan trọng của sao Hỏa có tên là Gediz Vallis. Mặc dù vật thể lạ có thể trông giống như cuốn sách với một trang bị đóng băng giữa chừng, nhưng trên thực tế, nó chỉ là một mảnh đá dựng đứng nằm trên một tảng đá nhỏ. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS)
Trong một hình ảnh được chia sẻ rộng rãi vào tháng 1/2023 bởi Đại học Arizona, khuôn mặt của con gấu bông khổng lồ được in trên bề mặt sao Hỏa. Cấu trúc này hoàn chỉnh với hai đôi mắt hạt cườm, chiếc mũi có lỗ, kèm một cái miệng rỗng ếch cười toe toét trước ống kính máy ảnh của Tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa (MRO) thuộc NASA. Tuy nhiên, theo Đại học Arizona, hình dạng đáng yêu này có thể chỉ là ngọn đồi bị chia cắt bề mặt địa chất ở trung tâm của miệng núi lửa cổ xưa. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/UArizona)
Vào năm 2007, tàu thám hiểm sao Hỏa Spirit chụp được cảnh tượng khá thú vị tại Hành tinh Đỏ, với khối vật thể tựa như là một người mặc áo choàng và quỳ gối chấp tay cầu nguyện, khi tàu Spirit chụp toàn cảnh cao nguyên có tên là Home Plate, nằm ở lưu vực bên trong miệng núi lửa Gusev. Tất nhiên, cái gọi là “con người” trong hình ảnh này chỉ đơn thuần là tảng đá mang diện mạo rất dễ bắt lấy trí tưởng tượng của con người (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Đại học Cornell)
Với sự ra mắt của Google Mars vào năm 2009 (một chương trình bản đồ được tạo ra từ các hình ảnh vệ tinh được tổng hợp về sao Hỏa), người dùng có thể quan sát xung quanh bề mặt Hành tinh Đỏ, tìm thấy tất cả các khối cấu trúc địa chất thú vị. Người đàn ông Ý tên Matteo Ianneo phát hiện một vết sưng lồi kỳ lạ. Người này cho rằng, khối vật thể lồi trông giống nhà hoạt động độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, người bị ám sát năm 1948. (Ảnh: Matteo Ianneo/ESA/Google Maps/Before It's News)
Năm 2001, bảy năm trước khi ông qua đời, nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng Arthur C. Clarke, đồng tác giả cuốn “2001: A Space Odyssey”, tuyên bố phát hiện ra những mảng thực vật, bao gồm cả cây cối trong bức ảnh về Sao Hỏa. “Tôi khá nghiêm túc khi nói về điều này, hãy xem thật kỹ hình ảnh sao Hỏa này”, Clarke nói vào thời điểm đó, khi phát biểu qua điện thoại trong chuỗi Bài giảng Tưởng niệm Wernher von Braun tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian."Có thứ gì đó thực sự đang di chuyển và thay đổi theo mùa, ít nhất là tôi muốn gợi ý đến một thảm thực vật trên Hỏa tinh", Clarke nói thêm. Lập luận này sau đó bị phản bác, cho rằng chúng là kết quả do sự tan chảy theo mùa của các chỏm băng carbon dioxide (CO2) tồn tại ở các cực của sao Hỏa. Khi băng CO2 thăng hoa biến thành dạng khí, một số sẽ hỏa lỏng trước khi bốc hơi, chảy ra theo những đường lằn phân nhánh, như cách mà bức ảnh chụp này hiển thị. (Ảnh: NASA/JPL/Đại học Arizona)
Hình ảnh này do tàu quỹ đạo của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) chụp vào năm 2019. Bức ảnh dường như cho thấy có con nhện lông khổng lồ đang sải chân trên một ngọn núi trên sao Hỏa. Thực tế, những cái "chân" khẳng khiu này là đường đi chính của hàng trăm cơn lốc xoáy nhỏ hay còn gọi là quỷ bụi quy tụ đi qua sườn núi địa chất khu vực. Chỉ có điều là không rõ tại sao khu vực này lại là điểm nóng lốc xoáy bụi quỷ dày đặc đến như vậy. (Ảnh: @ESA/Roscosmos/CaSSIS,CC BY-SA 3.0 IGO)
Vào khoảng giữa tháng 7 và tháng 9/2019, vật thể không gian - có thể là sao băng hoặc mảnh sao chổi – va vào chỏm băng phía Nam của sao Hỏa và chọc thủng lớp băng mỏng, bắn ra trận mưa bụi nâu đỏ tung tóe. Kết quả là mảng màu nâu đỏ sẫm hiện ra trông giống như cảnh tạo ra khi nhân vật hoạt hình chạy đâm thẳng vào tường. Bức ảnh do tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa của NASA chụp lại, và vệt bụi nâu đỏ tung tóe này có chiều ngang khoảng 1km. (Ảnh: NASA/JPL/Đại học Arizona)
Trong quá trình sao Hỏa tiếp cận gần Trái đất vào năm 1877, nhà thiên văn học người Ý Giovanni Schiaparelli nhìn qua kính viễn vọng của mình, và quan sát thấy các đường rãnh trên bề mặt Hành tinh Đỏ. Từ đó, khiến nhiều người kết luận rằng sao Hỏa có sự sống thông minh nào đó đã xây dựng nên hệ thống đường thủy đặc biệt này. Nhưng lý thuyết này bị vạch trần vào đầu thế kỷ 20, khi người ta chứng minh rằng, các "kênh" chỉ là ảo ảnh quang học. Khi nhìn qua kính thiên văn chất lượng kém, các đặc điểm giống như núi và miệng núi lửa trên sao Hỏa dường như được nối với nhau bằng đường thẳng tối màu theo dòng như trong bức ảnh hiển thị. (Ảnh: Getty Images)