Hình ảnh đón tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati gây tranh cãi: Sự thật đằng sau là gì?
Hãng tin ABC (Australia) cho hay, ông Tang Songgen chỉ vừa đảm nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati vào đầu năm nay, vài tháng sau khi quốc đảo này 'dứt tình' với Đài Loan.
Hãng tin ABC (Australia) đưa tin, gần đây một hình ảnh được cho là chụp trong buổi lễ đón tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati, đảo quốc từng là đồng minh với Đài Loan, đã "gây bão" trong dư luận và dấy lên những cuộc tranh luận về sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Cụ thể, trong tấm hình nói trên, người đàn ông mặc áo sơ mi trắng được cho là Đại sứ Trung Quốc Tang Songgen đã không đi trên tấm thảm đỏ thường thấy ở những lễ tiếp đón thông thường - mà thay vào đó, ông đã bước đi trên... lưng của khoảng 30 người đàn ông đang nằm sấp trên mặt đất, với sự trợ giúp của hai người phụ nữ mặc trang phục truyền thống Kiribati.
ABC cho biết ông Tang vừa đảm nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati vào đầu năm nay, vài tháng sau khi đảo quốc này quyết định "dứt tình" với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Vì lí do kể trên, nên hình ảnh "gây bão" về lễ tiếp đón Đại sứ Tang đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quan chức ngoại giao cấp cao, cũng như chính trị gia nước ngoài.
Tấm hình này cũng đã nhận được những ý kiến trái chiều trong dư luận nội bộ Kiribati. Trong đó, những người ủng hộ đã giải thích rằng đây là một tập tục văn hóa của nước này bị hiểu sai hoàn cảnh.
Theo ABC, buổi lễ đón tiếp Đại sứ Tang đã được tổ chức trên đảo Marakei của Kiribati. Hình ảnh về "nghi lễ" đón tiếp đặc biệt nói trên đã xuất hiện trên mạng xã hội vào khoảng cuối tuần trước, nhưng không rõ ai là người đã chụp và chia sẻ hình ảnh này.
Được biết, Bộ trưởng Môi trường Kiribati, ông Ruateki Tekaiara, cũng có mặt trên đảo Marakei khi Đại sứ Tang thực hiện chuyến thăm tại đây để tìm hiểu về văn hóa bản địa và tham quan một vài trường học, nhà thờ địa phương.
Ông Tekaiara - người kiêm nhiệm cả vai trò nghị sĩ đại diện của đảo Marakei - giải thích rằng "nghi lễ" trong tấm hình là cách người dân đảo này thể hiện lòng tôn trọng và trân quý cao nhất đối với một vị khách.
"Đó là nét văn hóa rất đặc biệt... và độc đáo", quan chức này cho biết. "Đây là văn hóa của đảo [Marakei]... không ai có thể phản đối quyết định của các vị bô lão".
Theo ông Tekaiara, các vị trưởng bối, bô lão của đảo đã họp bàn tổ chức lễ tiếp đón Đại sứ Tang.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati đã phát thông cáo trên Facebook về chuyến thăm Bắc Tabiteuea, Nam Tabiteuea và Marakei của Đại sứ Tang.
Thông cáo này cho biết "các chuyến thăm mang tính chất học hỏi" được tổ chức với mục đích giúp Đại sứ Tang tìm hiểu văn hóa và truyền thống của Kiribati, tăng cường "hiểu biết lẫn nhau" và tìm kiếm "các cơ hội hợp tác".
"Mục tiêu chính của chúng tôi là thiết lập mối quan hệ song phương đem lại lợi ích cho người dân Kiribati. Chúng tôi rất ấn tượng về ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của các đảo thuộc Kiribati trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc", thông cáo trên khẳng định.
Hành động dễ bị hiểu lầm
Rae Bainteiti là một công dân Kiribati hiện đang sinh sống ở New Zealand. Bà của Bainteti là người đảo Marakei.
Bainteti cho biết anh không thấy hình ảnh này có vấn đề gì, nhưng anh hiểu lí do nhiều người phản đối nó.
"Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh đó trên Facebook, một trong số những bình luận đầu tiên của tôi là khen ngợi nét văn hóa đẹp của Kiribati", Bainteti nói. "Nhưng nhiều người có thể hiểu lầm về nó - phụ thuộc vào cách họ nhìn tấm hình - bởi ban đầu họ không giải thích các thông tin liên quan về điều đã xảy ra vào thời điểm đó".
Bainteti cho biết, khi còn nhỏ anh đã từng chứng kiến tập tục này ở một số đám cưới của họ hàng và người thân - một số người khác cũng đưa ra lời giải thích tương tự.
"Thông thường phía nhà trai sẽ nằm thành một hàng trên sàn nhà để nhà gái bước lên - hành động này nhằm thể hiện rằng họ rất vui khi được chào đón thành viên mới trong gia đình", Bainteti nói.
Mặc dù vậy, theo Rimon Rimon, một nhà báo tự do ở Kiribati, một số người dân bản địa lại không đồng tình với hành động của Đại sứ Tang trong tấm hình. Rimon cho biết một số người cảm thấy "tức giận, thất vọng" hoặc thậm chí là "hổ thẹn". Nhà báo này cho biết, trước đây khi Kiribati còn quan hệ với Đài Loan, ông chưa bao giờ chức kiến đại diện của Đài Loan nhận được sự đối đãi tương tự.
Ý kiến của các chính trị gia và quan chức nước ngoài
Nghị sĩ Dave Sharma, cựu Đại sứ của Australia tại Israel và từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao tại các cơ sở ngoại giao của Australia ở nhiều nước khác như Papua New Guinea, cho biết ông cảm thấy ngạc nhiên về tấm hình này.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một đại diện của Australia tham gia vào một buổi lễ tiếp đón có nghi lễ tương tự", ông Sharma chia sẻ với ABC.
Trong khi đó, ông Constantine Panayiotou, Tùy viên quốc phòng của Mỹ tại 5 đảo quốc Thái Bình Dương, trong đó có Kiribati, đã thể hiện sự bức xúc trên mạng xã hội Twitter, vì có nguồn tin cho rằng những "người đàn ông" nằm trên mặt đất là trẻ vị thành niên.
Nhà báo Rimon cho biết yếu tố địa chính trị liên quan tới tấm hình này hiện đang là chủ đề bàn luận sôi nổi tại Kiribati, trong bối cảnh những diễn biến phức tạp giữa Trung Quốc và phương Tây.
Tuy nhiên, theo anh Bainteti, điều quan trọng nhất là quan điểm của những người dân đảo Marakei về vấn đề này.
"Dư luận toàn cầu suy luận dựa trên những yếu tố chính trị - vấn đề Đài Loan và Trung Quốc - nhưng nếu bạn đứng trên góc độ trung lập và quan sát tấm hình bằng lăng kính văn hóa, thì bạn sẽ hiểu điều gì đang diễn ra. Tôi tin là 'nghi lễ' này xuất phát từ lòng trân quý và tôn trọng, nhằm gửi thông điệp 'Chào mừng bạn đến với đảo [Marakei]'", Bainteti nói.
Hãng tin ABC đã liên hệ với các bô lão ở Marakei, chính phủ Kiribati và Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati, tuy nhiên họ chưa nhận được thêm phản hồi từ các bên về vấn đề này.