Hình ảnh hé lộ tại sao không khí New Delhi nhiễm độc nặng nề còn Bắc Kinh lại sắp thoát mác 'thủ đô ô nhiễm toàn cầu'
Chính quyền hai thành phố tỏ rõ sự khác biệt trong những nỗ lực đối phó với tình trạng chất lượng không khí bị xuống cấp.
Chỉ vài năm trước, thủ đô của hai nước lớn nhất châu Á là New Delhi, Ấn Độ và Bắc Kinh, Trung Quốc đều có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng tương tự nhau. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trong khi bầu không khí của Bắc Kinh đang không ngừng được cải thiện thì tại Delhi, người dân vẫn phải đối mặt với các cảnh báo cao về mức độ ô nhiễm không khí.
Theo tờ The Washington Post, mức độ ô nhiễm tại thủ đô của Ấn Độ đã đạt mức tương đương hút 50 điếu thuốc lá/ngày. Tình trạng tệ hại nhất trong 3 năm trở lại đây đã khiến chính quyền thành phố phải áp dụng lệnh cấm tạm thời tất cả các phương tiện cá nhân và đóng cửa trường học. Đây không phải là điều quá ngạc nhiên: giống như mọi năm nhiệt độ thấp và gió thổi chậm hơn bắt đầu từ tháng 10 là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí tệ đi.
Bắc Kinh và một số thành phố lớn khác từ lâu cũng phải đối mặt với các điều kiện thời tiết tương tự.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chất lượng không khí của thủ đô Trung Quốc đã có những chuyển biến đáng kinh ngạc. Hồi tháng 9, công ty nghiên cứu AirVisual của tập đoàn Thụy Điển IQAir cho hay, Bắc Kinh thậm chí có thể rời khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới – sau hơn một thập kỷ bị gán mác "thủ đô ô nhiễm của thế giới". Nồng độ vi bụi mịn tại Bắc Kinh giờ đây đang ở mức thấp nhất kể từ khi chính quyền thành phố bắt đầu tiến hành các biện pháp đo đạc không khí vào năm 2008.
Mặc dù chất lượng không khí tại một số vùng của Trung Quốc đang bị giảm sút trong những năm qua, nhưng tình hình tại Bắc Kinh và Delhi đã phản ánh sự khác biệt về khả năng đối phó với ô nhiễm không khí giữa hai chính phủ.
Trong số các yếu tố tạo nên tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại thủ đô Ấn Độ không thể không kể tới thói quen đốt rơm rạ sau vụ mùa ở các vùng lân cận thành phố. Đây là một tập quán truyền thống, đặc biệt xuất nhiều trong mùa thu, nhưng cũng xảy ra trong cả các mùa còn lại của năm. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, trong những tuần gần đây, hoạt động đốt rơm rạ liên tiếp gia tăng. Trong quá khứ, yếu tố này được đánh giá là chịu trách nhiệm cho 26% - thậm chí lên tới 50% trong một số ngày, tình trạng bụi độc tại Delhi vào mùa đông.
Sự khác biệt tại Bắc Kinh
Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch là một cách đơn giản và phổ biến mà người nông dân thường làm để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để giảm thiểu tình trạng này sau khi chứng kiến các vụ đốt ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí, đồng thời làm dấy lên những ngờ vực về năng lượng kiểm soát tình hình của chính quyền.
Trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, số lượng các vụ đốt rơm rạ vào mùa thu trên toàn đất nước Trung Quốc đã giảm mạnh từ năm 2015 – 2017. Nhìn chung, tập quán đốt rơm rạ vẫn là một yếu tố gây ra ô nhiễm không khí do một số nông dân "lẩn tránh" chính quyền bằng cách chuyển sang đốt vào... mùa khác trong năm.
Nếu phải so sánh có thể khẳng định chính quyền Ấn Độ đã không giải quyết vấn đề được một cách hiệu quả như tại Trung Quốc. Tại một số bang ở nước này, nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong các cử tri – góp phần khiến các phản ứng của chính phủ trở nên chậm chạp, thậm chí là bị cản trở.
Các mức phạt hầu như không được áp dụng. Cho tới nay, loạt chiến dịch nâng cao nhận thức hoặc các khoản ngân sách của chính phủ dành cho mua máy móc giúp nông dân xử lý rơm rạ - tỏ ra không đạt được ảnh hưởng như mong muốn.
Trong khi Bắc Kinh áp dụng một cách tiếp cận ngăn chặn ở một số "điểm nóng", thì giới chuyên gia tỏ ra lo ngại trước chính sách có phần chậm chạp và chỉ mang tính đối phó của Ấn Độ.
Ví dụ như, Bắc Kinh đã cho đóng cửa nhiều nhà máy gần thủ đô – và lên kế hoạch tiếp tục làm vậy trong tương lai, đồng thời hạn chế các xe tải chạy bằng dầu vào thành phố.
Còn tại Delhi, khí thải công nghiệp và xe cộ cũng như bụi xây dựng không ngừng làm ô nhiễm bầu không khí trong và ngoài thủ đô. Ngay cả khi chính quyền đã thực hiện một số biện pháp, như đóng cửa một nhà máy điện đốt than vào năm ngoái – các biện pháp khác, bao gồm cấm xe tải… lại chỉ được áp dụng khi mà tình trạng ô nhiễm trở nên quá tệ hại và không thể kiểm soát được.