Ngay từ sáng sớm, đám đông những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã tập trung tại sân bay cũ của Bangkok, trước chuyến trở về của ông sau hơn 15 năm sống lưu vong.
Cựu Thủ tướng Thaksin kính lễ trước chân dung Nhà vua Thái Lan tại sân bay Don Mueang sáng 22-8
Cô Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin đã chia sẻ những bức ảnh gia đình và bày tỏ cảm ơn đến tất cả mọi người đã chào đón cha cô.
“Cha tôi đã đến Thái Lan an toàn và đã bắt đầu quy trình pháp lý. Cảm ơn tất cả mọi người đã đến đón ông và gửi lời động viên đến mình. Tôi và gia đình rất vui”.
Từ nơi xa, bà Yingluck, em gái ông Thaksin, cũng là một Thủ tướng lưu vong đã chúc anh trai mình may mắn, thượng lộ bình an. Bà nói sẽ tiếp tục sống mạnh mẽ sau 6 năm ở nước ngoài với anh trai và đây là lần đầu tiên họ không đi cùng nhau.
Sống lưu vong trước nguy cơ bị buộc tội, ông Thaksin phải chịu đối xử như bất kỳ tội phạm bỏ trốn nào khác khi đặt chân lên đất Thái Lan.
Theo Bangkok Post, ngay khi ông Thaksin nhập cảnh, ông bị nhà chức trách tống đạt lệnh bắt giữ
Sau đó, cựu Thủ tướng Thaksin được cảnh sát hộ tống đến Tòa án tối cao để nghe phán quyết
Theo đó, Tòa án tối cao đã tuyên phạt ông Thaksin 8 năm tù với 3 tội danh
Cuối cùng, ông được đưa vào một trại giam có chế độ an ninh nghiêm ngặt tại Bangkok.
Tất cả quá trình này hoàn tất vào lúc 11h20 cùng ngày.
Cựu Thủ tướng Thaksin có đủ điều kiện để nộp đơn xin ân xá của Hoàng gia, nhưng không rõ ông hoặc một thành viên trong gia đình ông đã nộp đơn hay chưa
Ông Thaksin thường xuyên bày tỏ mong muốn được trở về quê hương và viết trên mạng xã hội hôm 21-8 rằng ông đã xin phép “trở lại sống trên đất Thái Lan và hít thở cùng một bầu không khí” với các đồng bào người Thái của mình.
Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và phải sống lưu vong để tránh các cáo buộc pháp lý mà ông cho là có động cơ chính trị, bao gồm cả việc bị kết án vắng mặt vì tội tham nhũng.
Trước đây, ông đã vài lần ấn định ngày về nhưng hoãn lại vì hoàn cảnh chưa cho phép
Ông Thaksin từng là một cảnh sát và trở thành ông trùm viễn thông trước khi bước vào chính trường. Lần đầu tiên ông lên nắm quyền Thủ tướng vào năm 2001, dựa trên sự ủng hộ của cử tri trung thành ở các vùng nông thôn phía bắc và đông bắc.
Các chính sách của ông như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân và kích thích kinh tế nông thôn đã giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người nên trong nhiều năm, ông không thể bị đánh bại trong các cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thaksin bị giới quân sự-bảo hoàng phản đối mạnh mẽ, cáo buộc ông tham nhũng và bóc lột đất nước vì lợi ích riêng của mình cũng như tìm cách lật đổ chế độ quân chủ.
Mâu thuẫn giữa hai bên đã dẫn tới việc quân đội đảo chính giành chính quyền trong khi các đảng chính trị liên kết với ông Thaksin liên tục bị giải tán, các cuộc biểu tình kéo dài trên đường phố làm tê liệt thủ đô Bangkok.
Sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Thaksin ngày 22-8 diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu quan trọng của quốc hội để quyết định liệu ứng cử viên của đảng Pheu Thai, được ông Thaksin ủng hộ, có thể được bầu làm Thủ tướng hay không.
Trong bối cảnh Thái Lan rơi vào bế tắc chính trị 3 tháng qua, đảng Pheu Thai đã thành lập một liên minh gây tranh cãi với các đảng liên kết với quân đội, cho rằng điều đó là cần thiết để ứng viên do họ đề cử trở thành Thủ tướng.
Có ý kiến cho rằng sự trở lại của ông Thaksin là một phần của thỏa thuận chính trị, nhưng con gái ông khẳng định việc này không liên quan đến đảng Pheu Thai và đó là quyết định cá nhân của ông.
Giới quan sát cũng đánh giá, sự kiện cựu Thủ tướng Thaksin trở về sau hơn 15 năm lưu vong cùng những diễn biến mới nhất dự báo chính trường Thái Lan tiếp tục có những kịch tính bất ngờ
H.Y