Hình ảnh NSND Lê Khanh, Lê Cát Trọng Lý và 19 phụ nữ tại cuộc triển lãm lạ
21 cá nhân nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau như NSND Lê Khanh, nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý, MC Thùy Minh cùng góp mặt trong một triển lãm nghệ thuật đa phương tiện độc đáo mang tên 'Bản thể' tại Hà Nội.
Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Bản thể” của nghệ sĩ PSI quy tụ 21 chân dung phụ nữ của hai nước Việt Nam và Italy nổi bật từ nhiều ngành nghề khác nhau, có nhiều đóng góp xã hội, vừa khai mạc tối 21/4 tại 28 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội.
Triển lãm do Đại sứ quán Italy tại Hà Nội phối hợp cùng Bát Tràng Museum tổ chức. Công chúng tới xem triển lãm sẽ thấy 21 phụ nữ dốc bản thể được tô son bằng gốm, sơn mài, gỗ… cùng những lời chia sẻ.
Không gian triển lãm được xếp theo từng lớp, là sự kết hợp của vải, gương và inox, mang lại một trải nghiệm đặc biệt dành cho người yêu nghệ thuật.
Đi kèm với mỗi bản thể nhân vật là những câu chuyện chân thật và lay động từ đời sống đến sự thăng hoa trong sự nghiệp cũng như trải nghiệm tinh thần mang dấu ấn riêng.
Trước đó, 21 nhân vật được lấy dấu khuôn trực tiếp để tạo thành tác phẩm với những chất liệu khác nhau như thạch cao, gốm, sơn mài… mang hơi thở thời đại.
Tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm lần này gợi nhắc đến những chiếc mặt nạ Venice nổi tiếng của Italy vốn được làm thủ công cầu kỳ bằng thạch cao, da, giấy bồi... theo kỹ thuật truyền thống.
Nhà thiết kế thời trang Jenny K Trần chia sẻ, bản thể của cô là tấm lưng làm bằng gốm Bát Tràng với eo sát và vai ngang. "Hạnh phúc là gì, là khi mình nhìn lại không có gì phải hối hận", cô tâm sự.
Thuật ngữ gọi các tác phẩm này là Life-casting, tức quá trình tạo ra một bản sao ba chiều của cơ thể người sống, thông qua việc sử dụng các kỹ thuật đúc khuôn (molding & casting) để tạo hình, thường sử dụng trong phim ảnh.
Một tác phẩm chất liệu thạch cao có thể dễ dàng nhận ra đó là bản thể của NSND Lê Khanh. "Khi tôi có cơ hội hóa thân vào một cuộc đời mới thì đấy là bản thể mới, trên cơ thể bản thể gốc cha mẹ sinh ra", chị chia sẻ trong cuốn sách được phát tại triển lãm.
Bản thể của nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý. Cô tâm sự: "Đến một độ Lý không muốn viết những bài khiến người ta bị mãi trong nỗi buồn, điều đó không tốt cho sức khỏe của chính mình và người khác. Lý cảm thấy không cần thiết khi lúc nào cũng phải ở mãi trong nỗi buồn và đào sâu nó, chúng có thể lướt qua thật nhẹ nhàng".
Bản thể của Thùy Minh. "Mình nghĩ mỗi sự thay đổi trong cuộc sống biến mình thành phiên bản khác. Sự yếu đuối không hẳn là sự đau khổ hay tiếc nuối, nó sẽ là nỗi đau của việc mình bóc một chiếc vỏ, không hẳn là một nỗi đau vật lý, mà là việc một lớp tinh thần bị lột ra", chia sẻ của nữ MC tại triển lãm.
Helly Tống với bản thể làm bằng thạch cao. "Cuộc đời này giống như một bài toán. Nếu chúng ta không giải được thì dù cách này hay cách khác hoàn cảnh của chúng ta cứ lặp đi lặp lại, chỉ thay đổi con người, chỉ thay đổi bối cảnh và những nhận dạng bên ngoài", cô viết.
Người truyền cảm hứng Thảo Nhi Lê: "Ai sẽ là người chăm sóc người chăm sóc. Ai sẽ là người yêu bản thân mình khi yêu người khác. Nó như là mục đích cuộc sống của mình và mình cảm thấy hạnh phúc với điều đó".
Bản thể của doanh nhân người Italy Viviana Koudounas: "Bản năng của tôi luôn là chính mình. Tôi muốn được tự do là chính mình, và đây là một loại sức mạnh mà tôi muốn có và đi theo".
Ca sĩ Gigi Hương Giang chia sẻ về bản thể của mình: "Gigi rất biết ơn vì mình đã được làm mẹ và việc làm mẹ của mỗi người thường tự chọn quyền làm mẹ khác nhau. Bản thân Gigi ngay từ đầu đã chọn làm bạn với con. Gigi không muốn lớn lên con phải giấu diếm điều gì. Trẻ con rất nhạy cảm, mình chỉ cần một lần đánh giá và mắng nó thôi là sau này mình sẽ không bao giờ biết được bí mật của con nữa".
Bản thể của Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ làm bằng gốm Bát Tràng: "Tôi rất vui, những kỷ niệm về gia đình, về mẹ con, bố con tôi sẽ giữ mãi trong tim".
Bản thể của người mẫu Trang Phạm là một đôi chân gốm: "Trang sẽ cải tiến tất cả mọi thứ, kể cả con người của Trang. Mỗi giai đoạn mọi người sẽ thấy tôi mới dựa trên những điều tôi trải qua".
Bản thể của doanh nhân Nguyễn Thị Nhung: "Khi Nhung làm ở một doanh nghiệp nước ngoài được tiếp xúc với rất nhiều thương hiệu xa xỉ. Lúc đầu Nhung cũng thắc mắc không biết vì sao hàng của họ đắt thế. Sau này đi xa hơn mình mới nhận ra là do có rất nhiều giá trị thủ công ở đằng sau những sản phẩm đó và đó là giá trị của đôi bàn tay".
Nhà thiết kế nội thất người Italy Annamaria Aufiero: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất với một người phụ nữ là được công nhận một tâm hồn nữ tính không chỉ về hình thể hay thẩm mỹ mà còn về tâm hồn bên trong, về công trạng hành động, lời nói của tôi".
Doanh nhân Hà Lan Anh: "Ký ức hạnh phúc nhất mà tôi luôn nhớ về là bữa cơm luôn có đủ 5 mẹ con tôi ngồi trong bàn ăn gia đình hay những ngày nghỉ lễ đi chơi, mẹ con cùng nhau đến những nơi cần được khám phá".
Bản thể của chị Phạm Thị Kim Quy, một nữ nội trợ, làm bằng nhựa mạ crôm: "Cuộc đời của một con người không thể nào không có thăng trầm. Có thăng trầm mới có trưởng thành. Mình lựa chọn tin vào mình, tin vào một ngày mai tươi sáng hơn để vượt qua".
Bản thể của bà Mai Thị Tuyết Nhung (nội trợ) là hai cánh tay làm bằng gỗ. "Bây giờ thương các cháu, nó ngoan ngoãn thì mình yên chí, không có thì xin Phật. Vậy thôi", bà chia sẻ.
Ý tưởng triển lãm này của nghệ sĩ PSI hình thành cách đây 3 năm. Đảm nhận chính là ông Vũ Khánh Tùng - Giám đốc Bát Tràng Museum. “Nó đa phương tiện ở chỗ kết hợp nhiều ngôn ngữ biểu đạt: các clip phim tài liệu phỏng vấn các nhân vật, các bức ảnh chụp chân dung, những bức tượng bản thể được lấy dấu khuôn từ chính những nhân vật có thật. Có gốm, có sơn mài, có inox… đủ các chất liệu để tạo nên những bản thể khác nhau. Ngoài ra còn có sự tham gia của nghệ thuật thị giác và công nghệ tương tác”, ông Tùng nói.