Hình ảnh phản cảm HIEUTHUHAI bị lột đồ trên sóng truyền hình: Vui thôi, đừng vui quá!

Ở tập 30 trong chương trình '2 ngày 1 đêm', phân cảnh với nội dung 'HIEUTHUHAI bị lột sạch quần áo giữa trời đông rét buốt' gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Hình ảnh của HIEUTHUHAI bị chỉ trích là phản cảm. Ảnh cắt từ màn hình

Hình ảnh của HIEUTHUHAI bị chỉ trích là phản cảm. Ảnh cắt từ màn hình

Trong thử thách, một trong số 6 thành viên được cử ra làm bia đỡ đạn (ở đây là HIEUTHUHAI), thành viên khác ngân nga bài hát nhưng không được hé miệng, những người còn lại phải đoán tên bài hát. Nếu đoán sai, HIEUTHUHAI phải bị lột một món đồ trên người.

Khi kết thúc trò chơi, HIEUTHUHAI gần như bị lột sạch đồ. Nam ca sĩ phải dùng thùng carton để che cơ thể. Trong lúc che chắn, HIEUTHUHAI vô tình bị đồng nghiệp kéo tấm carton xuống. Nam ca sĩ bất ngờ phản kháng. Chương trình phải dùng sticker che chỗ nhạy cảm. Bản thân HIEUTHUHAI, dù phải cởi đồ và run rẩy giữa tiết trời giá lạnh, cũng tỏ ra vui vẻ khi bị các anh trêu đùa. Phân đoạn này được đánh giá có kịch bản phản cảm, thậm chí có người cho rằng HIEUTHUHAI chính là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục.

Trên mạng xã hội, nhiều bình luận của phái nữ “đòi xem” cơ thể HIEUTHUHAI. Trên một fanpage, nhiều khán giả đùa họ "muốn được làm chiếc thùng". Có người chê chương trình vì "đã bắt HIEUTHUHAI cởi đồ mà lại chừa lại chiếc thùng". Cũng có bình luận "Nước miếng chảy ròng ròng",... Đáng chú ý, phần lớn người dùng đòi xem cơ thể HIEUTHUHAI là phụ nữ.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao với những chương trình có nữ giới ăn mặc gợi cảm, chỉ cần có người khác đưa ra bình luận, nhận xét về cơ thể phụ nữ hay những lời bỡn cợt thiên về tình dục thì nhiều người tỏ ra bất mãn, thậm chí chỉ trích không thương tiếc, còn với đàn ông, không ít người lại tỏ ra “hào hứng” như vậy?

Tiến sĩ Phương Mai - người thường lên tiếng về các vấn đề giới tính phản đối việc chương trình đưa phân đoạn HIEUTHUHAI bị lột đồ lên sóng truyền hình. Theo chị nhận định, hành động này là dùng nhục dục để câu view. Cụ thể, ở đây là phô bày da thịt đàn ông.

Tiến sĩ Phương Mai giả sử nếu hoán đổi giới tính, thay HIEUTHUHAI bằng một nghệ sĩ nữ bị lột đồ thì liệu khán giả còn thấy vui vẻ không. Cô gái sẽ bị chỉ trích là thiếu liêm sỉ. Tiến sĩ Phương Mai cho rằng sự riêng tư của cơ thể đàn ông vốn bị xem nhẹ. Không chỉ trên truyền hình mà trong nhiều tình huống khác, đàn ông có thể bị phô bày thân thể, đụng chạm để mua vui trong các trò chơi tập thể. Tiến sĩ này nhận định nếu đàn ông đồng thuận thì đó vẫn là hành vi quấy rối tình dục.

"Việc đưa một trò chơi có tính nhạy cảm, kích dục, dù có sự đồng thuận lên kênh truyền hình và mạng xã hội nơi khán giả đủ mọi lứa tuổi có thể tiếp cận là một lựa chọn thiếu cân nhắc", Tiến sĩ Phương Mai nhận xét.

Nhà sản xuất "2 ngày 1 đêm" cho biết phân đoạn HIEUTHUHAI thực hiện thử thách lột đồ khi 5 thành viên còn lại đưa ra đáp án sai cũng là một phần trong kịch bản gốc của Hàn. Họ cũng đã lường trước những tranh cãi xung quang vấn đề trên. HIEUTHUHAI cũng được ê-kíp trang bị thêm một số phụ kiện như mũ, găng tay,... để có thêm đạo cụ nhằm không phải lột sạch trong trường hợp các đồng đội đoán sai nhiều. Ngoài ra, ở phần hậu kỳ, chương trình cũng đã dùng các icon, hiệu ứng che kỹ để tránh phản cảm khi chiếu trên đài và các nền tảng khác của show.

Tuy nhiên, những giải thích này thiếu thuyết phục. Một số ý kiến cho rằng format gốc của Hàn Quốc, trong cảnh này phần ngực của người nam còn được bảo hộ, trong khi bản của Việt Nam, không những không có bảo hộ, các thành viên khác còn cố gắng xé toang thùng giấy che chắn trên người HIEUTHUHAI.

Quấy rối tình dục không chỉ xảy ra với nữ giới mà còn xảy ra với đàn ông, có thể ở bất cứ nơi đâu. Khi những trò đùa phản cảm này được đưa lên truyền hình sẽ càng gây ra những tác động tiêu cực cho khán giả. Người xem ở mọi lứa tuổi, với tư duy, góc nhìn khác nhau. Việc coi những trò lột đồ, hở cơ thể trên sóng truyền hình là điều bình thường càng khiến cho những trò này dễ dàng lan rộng ngoài đời sống để rồi “đầu độc” tư duy, hành động của nhiều người.

Chương trình giải trí hướng đến những trò vui vẻ là chính đáng nhưng chúng vẫn phải nằm trong giới hạn, chính là sự văn minh, thay vì bị biến tướng trở nên phản cảm. Các nghệ sĩ cũng nên giữ gìn hình ảnh của mình, kiên quyết nói không với những trò nhạy cảm, đặc biệt là khi xuất hiện trên sóng truyền hình. Đó là cách nghệ sĩ cũng như chương trình tôn trọng khán giả. Xin hãy nhớ rằng: Vui thôi, đừng vui quá!

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hinh-anh-phan-cam-hieuthuhai-bi-lot-do-tren-song-truyen-hinh-vui-thoi-dung-vui-qua-324088.html