Hình ảnh siêu thực của vũ trụ được NASA công bố
NASA công bố bức ảnh cận cảnh sự ra đời của các ngôi sao được chụp bởi kính viễn vọng James Webb để kỷ niêm 1 năm kính viễn vọng này được phóng lên không gian.
Theo đó, hình ảnh là vùng hình thành sao nằm ở vị trí gần Trái Đất nhất trong tổ hợp tinh vân Rho Ophiuchi với khoảng cách gần 390 năm ánh sáng. Đây là khu vực gồm khoảng 50 ngôi sao mới hình thành với khối lượng tương đương hoặc nhỏ hơn Mặt Trời.
NASA cho biết các khu vực có sắc độ tối hơn trong bức ảnh là nơi đóng vai trò hỗ trợ cho các tiền sao đang hình thành được bao bọc trong lớp bụi dày.
Ngoài ra, còn có các tia hydro phân tử lưỡng cực màu đỏ xảy ra khi một ngôi sao lần đầu tiên xuyên qua túi sơ sinh của nó.
Ở nửa dưới của hình ảnh, ngôi sao S1 ở trung tâm phần ánh sáng vàng đã tạo ra một hang bụi phát sáng được bao quanh bởi các hydrocacbon đa vòng, đây là các phân tử dựa trên carbon và là các hợp chất phổ biến nhất trong không gian.
"Chỉ trong một năm, kính James Webb đã làm thay đổi cách nhìn của nhân loại về vũ trụ, lần đầu tiên con người có thể quan sát kỹ các đám mây bụi và nhìn thấy ánh sáng từ các góc xa xôi của vũ trụ. Mỗi hình ảnh mới là một khám phá mới, khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học trên toàn cầu hỏi và trả lời những câu hỏi mà họ chưa bao giờ có thể mơ tới", Giám đốc của NASA chia sẻ về những đóng góp của kính viễn vọng James Webb.