Hình ảnh thi công cầu Đuống tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng sau 8 tháng
Nhiều công nhân, máy móc tất bật thi công hai cầu đường bộ và đường sắt qua sông Đuống, tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng, thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ.
Cầu Đuống (nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm) được xây dựng từ năm 1902 (122 tuổi), vừa là cầu đường bộ của quốc lộ 1 cũ và là cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.
Nhiều năm qua, cầu Đuống luôn phải sửa chữa và là điểm nghẽn trên tuyến hành lang đường thủy số 1 của Đồng bằng Bắc Bộ dài 250km, bắt đầu từ Quảng Ninh đi qua sông Đuống tới cảng Việt Trì trên sông Lô.
Tuyến này đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp 2 cho tàu đến 800 tấn đi lại. Tuy nhiên, tĩnh không của cầu Đuống chỉ đạt 2,8m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26m.
Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống. Ngoài ra, cầu đường sắt chung đường bộ cũng tiềm ẩn ùn tắc, tai nạn giao thông...
Để giải quyết nút thắt này, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống giai đoạn 2021-2025.
Tháng 7-2023, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng hai cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống (thuộc dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống), thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có vị trí tại phường Thượng Thanh, Đức Giang (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Cầu đường sắt Đuống khi đưa vào sử dụng sẽ tăng năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy và giúp đường sắt thông suốt.
Việc tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt cũng cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến huyết mạch phía Bắc Hà Nội...
Một số hình ảnh trên công trường dự án sau khoảng 8 tháng thi công: