Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ gần biên giới Ấn Độ

Không quân Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom đến một căn cứ vùng biên viễn xa xôi ở phía tây. Điều quan trọng là vị trí của căn cứ nơi các oanh tạc cơ này trú đóng giúp chúng có thể thực hiện các đợt oanh tạc tấn công lực lượng Ấn Độ dọc theo biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đang tranh chấp trên dãy Himalaya.

Sáu máy bay ném bom H-6 trên đường băng tại sân bay Kashgar ở khu tự trị Tân Cương

Sáu máy bay ném bom H-6 trên đường băng tại sân bay Kashgar ở khu tự trị Tân Cương

Trước đó, có thông tin nói Ấn Độ đã nhận được 5 chiếc đầu tiên trong hợp đồng mua 36 tiêm kích Rafale thế hệ 4.5 từ Pháp và sẽ triển khai gần Ladakh, nơi vừa xảy ra đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ khiến hàng chục binh sỹ thiệt mạng.

Theo bài trên Forbes, điều kiện trong khu vực chắc chắn là khó khăn lớn đối với các máy bay ném bom Trung Quốc và phi hành đoàn của chúng. Người dùng Twitter @detresfa, một chuyên gia phân tích thông tin tình báo nguồn mở, đã đưa lên mạng hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy sáu máy bay ném bom H-6 trên đường băng tại sân bay Kashgar ở khu tự trị Tân Cương.

H-6 là phiên bản Trung Quốc của dòng máy bay ném bom hạng trung Tu-16 hai động cơ của Liên Xô. Ngành công nghiệp Trung Quốc đã cải tiến đáng kể Tu-16 cơ bản với các cảm biến, hệ thống điện tử, động cơ và vũ khí mới.

Kashgar cách Ladakh, khu vực ở miền bắc Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), biên giới trong thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya, khoảng 800km. Các nhà ngoại giao đã vạch ra LAC như một phần của các cuộc đàm phán đình chiến sau một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu vào năm 1962 giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Chưa rõ các oanh tạc cơ H-6 được triển khai đến Kashgar từ lúc nào, nhưng có thể là trong tháng 7, dựa trên dự liệu ngày tháng của hình ảnh vệ tinh.

Đầu tháng 6, các lực lượng Trung Quốc đã được cho là đã làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn Độ trong một cuộc giao tranh dọc theo Đường kiểm soát thực tế. Bốn mươi ba lính Trung Quốc cũng bị thương hoặc chết, theo báo cáo từ phía Ấn Độ.

Máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng Ấn Độ và Trung Quốc đã và đang tuần tra khu vực biên giới khi cuộc đối đầu, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, vẫn tiếp tục. Ấn Độ đã triển khai máy bay chiến đấu Su-30, MiG-29 và MiG-29K (phiên bản dành cho tàu sân bay-PV) tới khu vực. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay chiến đấu J-16 của không quân Trung Quốc dùng chung đường băng với máy bay ném bom H-6 tại Kashgar.

Những bức ảnh vệ tinh chụp các máy bay ném bom có những chi tiết mà chuyên gia hàng không Andreas Rupprarou phỏng đoán là tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-63 dưới cánh những chiếc H-6. KD-63 được cho là có tầm bắn khoảng 200km.

Các căn cứ của Ấn Độ và Trung Quốc gần Đường kiểm soát thực tế nằm ở độ cao hàng ngàn mét so với mực nước biển. Kashgar nằm ở độ cao 4400m so với mực nước biển.

Không khí loãng có thể đặt ra những thách thức đối với máy bay chiến đấu. Việc thiếu sức nâng có thể buộc người ta giảm tải trọng máy bay chiến đấu xuống mức tối thiểu và chúng chỉ có thể mang theo một vài tên lửa nhỏ. Máy bay ném bom có thể phải đối mặt với một số hạn chế tương tự.

Ít nhiên liệu hơn có nghĩa là phạm vi ít hơn. Đối với người Trung Quốc, việc tiếp nhiên liệu trên không thực sự là một vấn đề, vì không quân Trung Quốc chỉ có nhiều nhất là vài chục máy bay tiếp dầu.

Tất cả những gì có thể nói, phía tây Trung Quốc, đặc biệt là khu vực dãy Himalaya với đỉnh núi cao hơn 8.000m là một khu vực rất khó khăn đối với các hoạt động không chiến.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/hinh-anh-ve-tinh-cho-thay-trung-quoc-trien-khai-oanh-tac-co-gan-bien-gioi-an-do-1698709.tpo