Hình dung gương mặt Thủ đô qua quy hoạch
Theo Quyết định số 1569 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, thì Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô.
Giới chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng đây chính là mô hình chùm đô thị, đô thị vệ tinh đã được áp dụng thành công tại các Thủ đô Paris (Pháp), Washington (Mỹ), London (Anh). Mô hình này giảm được áp lực và bảo tồn lõi lịch sử. Với Hà Nội, đây còn là mô hình có tính đặc thù, phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.
Hình thành, phát triển 5 đô thị vệ tinh
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, áp dụng mô hình chùm đô thị là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm... đặc biệt là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả già hóa dân số. Cụ thể, đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo, hình thành từ hơn 20 năm với tiềm năng khoảng 18.000ha đất xây dựng đô thị, khả năng dung nạp 0,5 triệu người. Đây còn là cửa ngõ phía Tây Thủ đô kết nối với vùng. Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; khả năng khai thác khoảng 4.000ha đất xây dựng, dung nạp với khoảng gần 1 triệu người sống ổn định, chất lượng sống cao.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, là nơi hấp dẫn cho di dời công nghiệp trong nội đô.Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ và phát triển các khu tiểu thủ công, làng nghề, là cửa ngõ Tây Nam để thành phố Hà Nội liên kết với vùng.Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, nghỉ dưỡng... Đây là cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, không chỉ liên kết thuận lợi với đô thị trung tâm, với vùng mà còn với hành lang kinh tế xuyên Á: Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh.
Từ 5 đô thị vệ tinh sẽ phát triển các thị trấn sinh thái. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng với những hạn chế tồn tại thời gian qua, nên rà soát lại quy mô, khả năng kết nối và nguồn lực, cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để quy hoạch mới có tính khả thi. Đặc biệt cần tránh tình trạng chậm hoàn thiện dứt điểm từng khu vực. Nhiều khu đô thị rộng lớn đã xây dựng nhưng ít người ở, làm lãng phí nguồn lực đầu tư, sử dụng đất kém hiệu quả, sản xuất nông nghiệp các khu vực lân cận gặp khó khăn. Như vậy ít đóng góp được vào việc nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, phân bố lại dân cư, giải quyết các tồn tại bức xúc chung của đô thị.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn, thời gian qua, việc phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội mới chủ yếu ở khâu lập quy hoạch. Trong những năm tới, thành phố cần có chương trình, kế hoạch đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh để từng bước hình thành cấu trúc chùm đô thị. Trong các đô thị vệ tinh, Hòa Lạc có vai trò quan trọng, có tiềm năng và lợi thế phát triển nên có thể ưu tiên phát triển sớm. Theo hướng này, trước mắt (có thể đến năm 2030) cần hình thành các cơ sở hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối với đô thị trung tâm để phát triển đô thị Hòa Lạc, đồng thời, chuẩn bị cho các dự án đô thị tiếp theo.
Còn theo PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đô thị trung tâm Hà Nội là hạt nhân của cấu trúc chùm đô thị. Đây là không gian phát triển đô thị quan trọng nhất của Thủ đô. Tuy nhiên rất cần xem xét, xác định các hướng phát triển ưu tiên, phát huy động lực mới và các xu thế, bối cảnh mới trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng phát triển không gian hạ tầng trong giai đoạn dài hạn hơn nữa.
Để quy hoạch đi vào thực tiễn
Mặc dù thời gian qua tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tăng trưởng nhanh, nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cách tiếp cận lập quy hoạch. Theo, KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội - VIUP (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng), trong quá trình quy hoạch phát triển Thủ đô có một số vấn đề cần giải quyết như: liên kết vùng và kết nối yếu; chênh lệch phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn; phát triển đô thị, nhà ở chưa gắn với việc làm và dịch vụ; không gian đô thị, nông thôn phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch; hạ tầng đô thị không đồng bộ, quá tải, tác động tiêu cực tới môi trường phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng đô thị thấp, môi trường bị ô nhiễm; công tác quản lý phát triển đô thị - nông thôn còn nhiều bất cập.
Còn theo TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Luật Thủ đô 2024 là công cụ, phương tiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Cụ thể, trong 3 khâu đột phá cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn lực... Luật Thủ đô được coi là khâu đột phá quan trọng về cơ chế, chính sách. Tất cả dường như đã hội tụ đủ cho một Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Về vấn đề này, theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mặc dù đã có Luật Thủ đô, nhưng nếu thiếu các quy định vượt trội về thể chế, mô hình quản trị chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô... thì vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khẳng định, Luật Thủ đô 2024 đã đem lại giá trị thiết thực, tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô, trong đó phân cấp, giao quyền cho Hà Nội quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), tạo cơ chế cho Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là cơ hội để Hà Nội có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô; song KTS Trần Ngọc Chính cũng cho rằng cần có những kế hoạch rất cụ thể.
Nhìn chung, quy hoạch tốt, có tầm nhìn xa nhưng nếu không có những giải pháp rất cụ thể, chi tiết thì cũng sẽ khó đạt được kết quả tốt đẹp. Chính vì thế rất cần tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra giá trị mới trong quy hoạch cũng như triển khai quy hoạch.
Sớm cụ thể hóa quy hoạch hai bên bờ sông Hồng
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng.Cùng với chùm đô thị vệ tinh, thì đô thị hai bên bờ sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội được rất nhiều người kỳ vọng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, vẫn không thành hiện thực. Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, Luật Thủ đô định hướng lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô để sông Hồng trở thành “trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố”. Khi triển khai cụ thể các quy hoạch này, các quy hoạch chi tiết cần bảo đảm yêu cầu tiên quyết là sông Hồng phải có đủ không gian cho nước chảy và nước phải sạch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Đông- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, đối với các quận, huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, trong đó có các dự án nằm trong khu vực bãi sông, ngoài đê để có thể hiện thực hóa khát vọng “thành phố hai bên sông Hồng”.
Như đã nói, “thành phố hai bên sông Hồng” là mơ ước cháy bỏng của người Hà Nội. Vấn đề là lựa chọn phương án nào, cách triển khai thế nào và quyết tâm đến đâu. Vì thời gian trôi qua sẽ không bao giờ trở lại, cũng có nghĩa là giấc mơ sẽ mãi dang dở với bao người...
Ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã công bố Quy chế quản lý kiến trúc thành phố gồm 4 Chương, 17 Điều và 9 Phụ lục, nhằm quản lý cảnh quan đô thị, nông thôn và kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội.
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025. Trước đây, theo Luật Quy hoạch đô thị quản lý cả quy hoạch và kiến trúc. Quy chế lần này đi sâu vào quản lý kiến trúc và không gian, cảnh quan thành phố Hà Nội. “Việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc có ý nghĩa quan trọng giúp thành phố quản lý tốt hơn về không gian kiến trúc và công trình kiến trúc đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phát triển các công trình kiến trúc xanh” - ông Nguyên nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hinh-dung-guong-mat-thu-do-qua-quy-hoach-10298557.html