Hình hài siêu đô thị TP.HCM năm 2030
TP.HCM đến 2030 sẽ trở thành siêu đô thị 11 triệu dân, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, với GRDP bình quân đầu người vượt ngưỡng thu nhập cao.
TP.HCM được kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,5-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030, theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt.
Như vậy, quy mô GRDP dự kiến tăng từ 1,78 triệu tỷ đồng năm 2024 lên 2,99 triệu tỷ đồng năm 2030, gần như gấp đôi sau 6 năm. Khi đó, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.
TP.HCM sẽ trở thành đô thị có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao.
Những ngành công nghiệp chủ lực
Để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ này, TP.HCM đặt trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như thiết kế và chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), sản xuất chip, pin công nghệ mới và vật liệu mới.
Các ngành công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng được chú trọng để bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Ngoài ra, ngành hóa chất sẽ được phát triển chọn lọc, tập trung vào hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón. Ngành cơ khí chính xác và tự động hóa, cùng với chế biến thực phẩm và đồ uống, sẽ tiếp tục được đầu tư và mở rộng.
Song song đó, TP cũng định hướng phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như sinh hóa, dược phẩm, sản xuất vật liệu bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao.
Để nâng cao giá trị gia tăng, TP.HCM còn tái cấu trúc các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may, nội thất, gỗ...
Quy hoạch nhấn mạnh TP sẽ tập trung vào việc làm chủ công nghệ và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện. Mục tiêu là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghiệp tiềm năng, hiện đại hóa các quy trình sản xuất, và nâng cao hiệu quả thương mại gắn liền với tự động hóa.
Đồng thời, ngành xây dựng sẽ được phát triển theo hướng toàn diện, đồng bộ và bền vững, nhấn mạnh vào việc sử dụng công nghệ hiện đại, vật liệu mới và sử dụng năng lượng tái tạo.
Đến năm 2030, khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 27% GRDP của TP.HCM, trong đó riêng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 22%.
Trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ
Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong quy mô nền kinh tế TP.HCM được kỳ vọng đạt trên 60%. Siêu đô thị 11 triệu dân vào năm 2030 sẽ phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa.
Để làm được điều này, TP.HCM tập trung xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đông Nam Bộ.
Mục tiêu là đưa TP.HCM trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng, phát triển các kênh bán lẻ hấp dẫn và chuyên nghiệp hóa, số hóa chuỗi cung ứng bán buôn. Cũng trong quy hoạch, Chính phủ giao TP.HCM phát triển kinh tế số để đóng góp hơn 40% GRDP.
Bên cạnh đó, TP sẽ nâng cấp kết nối, cải thiện dịch vụ thương mại quốc tế và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Cùng với đó, dịch vụ logistics sẽ được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ với các khu vực lân cận, đồng thời xây dựng các doanh nghiệp logistics mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số và công nghệ quản lý hiện đại sẽ là ưu tiên hàng đầu nhằm tối ưu hóa vận hành tại các trung tâm logistics, giảm chi phí, và đảm bảo năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các trung tâm logistics hàng đầu thế giới.
Hiện tại, TP.HCM cũng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban, cùng tổ giúp việc do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm tổ trưởng.
Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng, tạo động lực mới để TP.HCM bứt phá, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai chữ số.
Trung tâm tài chính sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực ngân hàng, quỹ đầu tư và doanh nghiệp tài chính quốc tế, giúp TP và các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời mở rộng cơ hội liên kết và phát triển các dự án chiến lược như đường sắt đô thị, các tuyến vành đai, cảng và hạ tầng giao thông.
Nông nghiệp công nghệ cao
Riêng với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, TP.HCM sẽ tập trung phát triển theo định hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và bền vững.
Nông nghiệp được quy hoạch theo hướng công nghệ cao sinh thái và hữu cơ, tập trung vào các sản phẩm giá trị cao. Các hoạt động sẽ bao gồm lai tạo, nhân giống cây trồng và vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, giảm thiểu phát thải carbon, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch.
TP sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây - Bắc, Tây - Nam và khu vực Nam TP, tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao có lợi thế cạnh tranh.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, TP.HCM sẽ chú trọng bảo vệ và phát triển rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, rừng phòng hộ Cần Giờ sẽ được khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh tự nhiên trên diện tích khoảng 200 ha.
Mặt khác, TP định hướng phát triển Trung tâm thủy sản tại huyện Cần Giờ, phục vụ chế biến sâu và hoạt động cảng cá. TP sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ lên khoảng 4.476 ha, nuôi thủy sản trên biển khoảng 1.000 ha, và nhân giống cá cảnh trên diện tích khoảng 100 ha. Đồng thời, TP.HCM sẽ xây dựng một trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp với các hoạt động du lịch.
5 không gian phát triển chủ lực của TP.HCM
Theo định hướng quy hoạch, TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển các khu vực với vai trò và chức năng riêng biệt, phù hợp với tiềm năng và đặc thù của từng vùng
Cụ thể, khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) sẽ ưu tiên phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính và du lịch.
Trong khi đó, khu vực TP Thủ Đức được định hướng trở thành trung tâm phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, logistics và công nghiệp công nghệ cao.
Khu vực phía Nam (quận 7 và huyện Nhà Bè) sẽ tập trung phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải và logistics, công nghiệp công nghệ cao, cùng với đô thị sinh thái.
Khu vực huyện Cần Giờ là trung tâm phát triển kinh tế biển, với trọng tâm là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do. Đồng thời, huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động vận tải logistics, du lịch, phát triển đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.
Khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ, logistics và đô thị sinh thái kết hợp với kinh tế.
Định hướng phát triển của 5 huyện
Theo quy hoạch, TP.HCM cũng xác định phương án xây dựng vùng liên huyện và vùng huyện để thúc đẩy sự phát triển cân bằng và bền vững. Vùng liên huyện bao gồm toàn bộ 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, và Cần Giờ.
Cụ thể, huyện Củ Chi được định hướng trở thành khu vực đô thị hóa ở phía Bắc TP.HCM, tập trung phát triển các trung tâm công nghiệp, khu công nghệ cao, cùng với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang tính sinh thái và hữu cơ.
Đây cũng sẽ là khu đô thị sinh thái kết hợp thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo và chăm sóc sức khỏe, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng...
Huyện Hóc Môn, nằm ở phía Bắc khu vực đô thị trung tâm, sẽ được phát triển thành một khu đô thị đại học quốc tế, kết hợp thương mại, dịch vụ, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ...
Huyện Bình Chánh, ở phía Tây đô thị trung tâm, sẽ là trung tâm công nghiệp, y tế, chăm sóc sức khỏe, y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo và thương mại dịch vụ. Nơi đây cũng sẽ phát triển các khu vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...
Huyện Nhà Bè, ở phía Nam khu vực đô thị trung tâm, sẽ được phát triển với trọng tâm là cảng biển và đô thị cảng, logistics, công nghệ thông tin, trung tâm hội chợ - triển lãm, văn hóa, giải trí, thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, các khu đại học tập trung và khu y tế kỹ thuật cao, phát triển du lịch sinh thái...
Huyện Cần Giờ, ở phía Nam TP.HCM, sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển, với cảng trung chuyển quốc tế phục vụ khu vực Đông Nam Á, khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, và bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ.
Huyện này cũng được định hướng phát triển thành trọng điểm du lịch sinh thái và đô thị sinh thái thông minh, với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn Znews: https://znews.vn/hinh-hai-sieu-do-thi-tphcm-nam-2030-post1522253.html