Hình mẫu của sự tin cậy
Các hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm Nhật Bản tiếp tục khẳng định uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đặc biệt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gặp gỡ báo chí, cùng thông báo quyết định nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện cho thấy, mối quan hệ Việt - Nhật đã trở thành hình mẫu thành công về sự tin cậy lẫn nhau trong quan hệ quốc tế.
Theo dòng lịch sử, mối quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật đã có từ rất lâu đời. Từ thế kỷ XVI trở đi, mối quan hệ giao thương hai nước đã phát triển rất rõ nét, minh chứng điển hình nhất là việc hình thành của đô thị cổ Hội An, một thương cảng sầm uất nhất khu vực Đông Nam Á. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng Cộng sản Nhật Bản. Đến năm 1973, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 50 năm qua (1973-2023), mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và sự tin cậy chính trị đã không chỉ đem lại lợi ích cho hai dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển ở châu Á và trên thế giới.
Những năm qua, Nhật Bản luôn coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Việt Nam coi Nhật Bản là một điển hình về phát triển kinh tế thời hậu chiến để vươn lên xây dựng đất nước. Thành tựu của Nhật Bản trên tất cả các mặt là động lực phát triển cho Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Việt Nam được ghi nhận là quốc gia rất hấp dẫn để mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam và hợp tác rất hiệu quả trong tất cả lĩnh vực. Vì vậy, trong nửa thế kỷ qua, Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về hoạt động đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Tính đến hết tháng 9-2023, Nhật Bản có gần 5.200 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 71 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là nhà cung cấp vốn ODA hàng đầu cho Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng số vốn ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ cho nước ta. Dòng vốn ODA của Nhật Bản được tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nước ta thời gian qua. Việt Nam cũng đã có hơn 100 dự án đầu tư sang Nhật Bản. Về thương mại, 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD; nhập khẩu từ nước bạn là 17,6 tỷ USD…
Nhìn lại chiều dài lịch sử, cho thấy quan hệ hai nước Việt - Nhật đang ngày càng gắn bó, chân thành và tin cậy lẫn nhau, là tấm gương điển hình về hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện cho thấy hai nước đã xây dựng được nền móng vững chắc cho lợi ích của hai dân tộc, cho sự hợp tác phát triển của hai quốc gia và đóng góp tích cực vào nền hòa bình, thịnh vượng trên toàn thế giới. Để đưa quan hệ Việt - Nhật vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Đối tác chiến lược toàn diện, hai nước cần đẩy mạnh và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; đa phương sớm đạt mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.
Có thể nói, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là sự kiện chính trị quan trọng đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản sang một giai đoạn phát triển mới. Đó là giai đoạn của Đối tác chiến lược toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn, đáp ứng lợi ích và phù hợp nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nhân loại.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/151292/hinh-mau-cua-su-tin-cay