Hình phạt nào cho kẻ đốt tủ quần áo gây cháy chung cư?
Vì mâu thuẫn, một người đàn ông đã đốt tủ quần áo của bạn gái gây cháy căn hộ chung cư. Bạn đọc thắc mắc với hành vi này, nghi phạm sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
CA quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đã tạm giữ hình sự Nguyễn Đình Hoàn Vũ, SN 1983, trú tại phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để điều tra hành vi hủy hoại tài sản.
Vũ là người gây ra vụ cháy căn hộ chung cư tái định cư NOCT, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm khiến người dân hốt hoảng tháo chạy trong đêm và CA TP Hà Nội phải điều động 7 xe chuyên dụng từ các khu vực lân cận cùng hàng chục cảnh sát tới hiện trường dập lửa và hướng dẫn người dân từ các tầng di chuyển xuống đất để thoát nạn.
Theo lời khai của Vũ, chị N.T.L, SN 1981, chủ căn hộ bị cháy là bạn gái anh ta. Tháng 4/2022, Vũ từ Đồng Nai ra Hà Nội sống với chị L tại căn hộ này. Quá trình sống chung, giữa 2 người nảy sinh mâu thuẫn.
Tối 25/9, chị L đi chơi và Vũ gọi điện thoại nhưng chị nói không về. Thấy vậy, Vũ đốt tủ quần áo, định quay clip gửi cho bạn gái với hy vọng chị L sẽ lo lắng mà quay về. Điều không may khi đốt tủ quần áo, ngọn lửa bùng phát dữ dội và nhanh chóng lan ra cả phòng ngủ của căn hộ chung cư. Cột khói đen được ghi nhận đã bốc lên nhiều tầng phía trên của chung cư. Thấy sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát, Vũ sợ hãi chạy ra ngoài hô hoán và gọi điện cầu cứu Cảnh sát PCCC báo cháy.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH CA quận Nam Từ Liêm, phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC & CNCH - KV2 CA TP Hà Nội và Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CA quận Tây Hồ đã tới hiện trường khống chế đám cháy.
Trong quá trình lực lượng chức năng dập lửa, toàn bộ cư dân tại chung cư tái định cư NOCT đã thoát ra ngoài an toàn nên không có thiệt hại nào về người. Đám cháy ngay sau đó cũng được dập tắt nhanh chóng.
Qua điều tra xác định, kẻ gây ra vụ hỏa hoạn trên là Nguyễn Đình Hoàn Vũ nên đã thực hiện tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý quy định của pháp luật.
Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi đốt, phá tài sản của người khác là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Hình phạt dành cho Nguyễn Đình Hoàn Vũ sẽ phụ thuộc vào động cơ và mức độ thiệt hại gây ra. CQĐT sẽ xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, tiến hành trưng cầu giám định, định giá tài sản để xác định giá trị thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc hỏa hoạn này có khả năng dẫn đến chết người, nghi phạm nhận thức được điều đó nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Theo luật sư Nguyên, hành vi của Vũ đã phạm phải có thể bị xử phạt theo Điều 178 BLHS 2015, quy định về tội "Hủy hoại tài sản". Tùy vào giá trị tài sản bị thiệt hại sau vụ cháy sẽ có các mức xử phạt khác nhau. Trường hợp giá trị tài sản thiệt hại dưới 2 triệu đồng sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phá hoại tài sản. Điều này có nghĩa là mức độ xử lý không phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị tài sản là bao nhiêu.
Luật sư Nguyên viện dẫn, khung hình phạt thấp nhất theo điều luật này là bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu giá trị thiệt hại về tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
Trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp dưới đây, thì vẫn bị xử phạt: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.
Khung hình phạt thứ 2 cho tội này bị phạt tù 2-7 năm nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá 50-200 triệu đồng; tài sản là bảo vật quốc gia; dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; để che giấu tội phạm khác; vì lý do công vụ của người bị hại; tái phạm nguy hiểm.
Khung hình phạt thứ 3, phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù 5-10 năm. Khung hình phạt nặng nhất cho tội này có thể bị xử phạt 10-20 năm tù nếu phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Ngoài ra nghi phạm phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại với tài sản mà hình đã phá hủy.