Hình phạt nào cho người đánh bài, xóc đĩa ăn tiền dịp Tết Nguyên đán?
Đánh bài, xóc đĩa, đá gà ăn tiền… là những trò vui 'độc hại' gây ra hậu quả khó lường, thậm chí là bị xử lý hình sự.
Những thú vui “độc hại”
Hành vi đánh bạc trái phép tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Ảnh minh họa
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè lại có thời gian nghỉ xả hơi và gặp gỡ, tụ họp cùng nhau. Đây cũng là khoảng thời gian mà việc giải trí được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên thay vì những thú vui lành mạnh, nhiều người lại lựa chọn những trò vui “độc hại” gây hậu quả khó lường như đánh tá lả, đánh chắn, đánh bài tam cúc, xóc đĩa, đá gà… ăn tiền. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, người tổ chức hoặc người tham gia chơi đều có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự và đối mặt với án phạt tù.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, những thú vui kể trên như đánh bài, xóc đĩa, đá gà, rút đũa, ném tiêu đổi thưởng… sử dụng tiền để quy ước ăn thua, không được cơ quan chức năng cấp phép tổ chức, hoạt động đều được coi là hành vi “Đánh bạc”, bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi đánh bạc trái phép tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cụ thể, người tham gia đánh bạc trái phép với hiện vật, số tiền có giá trị 5 triệu đồng trở xuống, thì có thể bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng đến 20 triệu đồng, luật sư Giáp cho hay. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể tịch thu tang vật hoặc đình chỉ giấy phép hoạt động với các cơ sở tổ chức các “thú vui chơi” ăn tiền ngày Tết này theo quy định tại Điều 28 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa.
Theo luật sư Giáp, đối với những trường hợp người tham gia đánh bạc trái phép với hiện vật, số tiền có giá trị 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng mà đã bị xử phạt hành chính thì người chơi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Đánh bạc” theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù giam.
Về phần người tổ chức cuộc “sát phạt” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” với khung hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù giam theo Điều 322 bộ luật nói trên.
“Người dân không nên tham gia đánh bạc ăn tiền dưới mọi hình thức vào dịp Tết Nguyên đán bởi đây là hành vi phạm pháp. Đừng để một phút chơi vui nhưng khiến bản thân “tiền mất, tật mang” những ngày Tết”, luật sư Giáp khuyến cáo.
Đốt pháo mừng Tết đến
Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho hay, việc người dân tự ý sử dụng những loại pháo hoa chui, đặc biệt là pháo nổ không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng vào ngày Tết là điều cấm kị bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người sử dụng pháo sẽ bị phạt hành chính hoặc truy tố hình sự.
Đối với cá nhân có hành vi đốt pháp hoa, pháo nổ, chất cháy nổ khác có thể bị xử lý hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ảnh minh họa
Theo luật sư Giáp, cá nhân có hành vi đốt pháo hoa trái phép có thể bị phạt hành chính với mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng và mức phạt hành chính cao nhất là 40 triệu đồng, theo Điều 11 Nghị định quy định mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm của Chính phủ (Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Đối với cá nhân có hành vi đốt pháp hoa, pháo nổ, chất cháy nổ khác có thể bị xử lý hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự. Mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù giam.