Hình sự hóa dân sự khiến dân bị giam oan 7 tháng
Từ một vụ án dân sự, vị chủ tọa phiên tòa đã chuyển hồ sơ để điều tra hình sự rồi trực tiếp xét xử, gây oan sai cho 2 người dân
Ngày 16-12, chị Nguyễn Thị Thi (con ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng, ngụ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết sau gần 3 tháng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cha mẹ chị do không chứng minh được phạm tội, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành xin lỗi, bồi thường.
Hình sự hóa quan hệ dân sự
Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, vợ chồng ông Võ đã sang nhượng cho 2 bà Đoàn Thị Huệ và Vũ Thị Hằng 400m2 đất ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức với giá 100 triệu đồng. Trong hợp đồng viết tay thể hiện: "Tôi đã nhận đủ số tiền trên và giao lại sổ và đất cho cô Hằng và cô Huệ toàn quyền sử dụng". Sau đó, bà Hằng chuyển nhượng lại phần đất của mình cho bà Huệ.
Đến năm 2016, bà Huệ yêu cầu vợ chồng ông Võ ra UBND xã Quảng Tâm ký thủ tục sang tên cho ông Nguyễn Văn Cương. Vì cho rằng không hề mua bán gì với ông Cương nên 2 vợ chồng ông Võ không ký.
Năm 2017, bà Hằng và bà Huệ đã khởi kiện dân sự về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi thụ lý vụ án dân sự, ông Phạm Văn Quân, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức cho rằng, vợ chồng ông Võ có dấu hiệu phạm tội hình sự nên đã ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, chuyển cho Công an huyện Tuy Đức điều tra.
Ngày 11-4-2018, Công an huyện Tuy Đức ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ, bà Thưởng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ông Võ bị bắt tạm giam từ ngày 16-4-2018 đến ngày 16-11-2018 thì được bảo lãnh, cho tại ngoại.
Tháng 10-2018, TAND huyện Tuy Đức đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Võ 2 năm tù, bà Thưởng 2 năm tù treo.
Không chứng minh được có tội
Sau khi vợ chồng ông Võ kháng cáo kêu oan, ngày 4-1-2019, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa phúc thẩm và nhận định bà Hằng và bà Huệ không yêu cầu các bị cáo trả lại số 100 triệu đồng, bản án sơ thẩm cũng không buộc trả lại. Bản án sơ thẩm nhận định các bị cáo chiếm đoạt 100 triệu đồng nhưng lại giao quyền sử dụng đất cho bị hại là mâu thuẫn. Như vậy số tiền 100 triệu đồng không phải là đối tượng, mục đích hướng tới của tội phạm nên cáo trạng và bản án sơ thẩm lấy số tiền này để xem xét cấu thành tội phạm định khung hình phạt là không có căn cứ.
Bên cạnh đó, các bị cáo đã giao đất trên thực tế cùng sổ đỏ cho bà Hằng, bà Huệ. Thực tế, bà Huệ đã quản lý, sử dụng diện tích này như múc đất, sản ủi đất. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Huệ cũng xác nhận bà là người quản lý, sử dụng diện tích đất từ lúc chuyển nhượng cho đến nay, không có ai tranh chấp. Do đó, việc cấp sơ thẩm cho rằng các bị cáo có hành vi chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng là chưa có căn cứ. HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tuy nhiên, đến ngày 21-9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Võ, bà Thưởng với lý do hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm.
Thẩm phán "ôm sô"!
Theo bản án phúc thẩm, thẩm phán Phạm Văn Quân được giao giải quyết vụ án dân sự, sau đó ban hành quyết định chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT vì cho rằng có dấu hiệu phạm tội. Khi giải quyết vụ án hình sự này, các bị cáo và người bào chữa đã yêu cầu thay đổi thẩm phán với lý do Thẩm phán Quân "không vô tư trong khi làm nhiệm vụ" là có căn cứ. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm không chấp nhận là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.