Hình thành cơ chế hợp tác, liên kết mạnh mẽ trong xúc tiến thương mại vùng
Để tăng tính liên kết trong xúc tiến thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ Công Thương cho rằng, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, lâu dài.
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả.
Rào cản về cơ cấu tổ chức, nguồn lực xúc tiến thương mại
Chia sẻ về công tác xúc tiến thương mại của Vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian qua tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng, sáng 5/6, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nền kinh tế thế giới năm 2024 đang có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh các hoạt động giao thương hàng hóa quốc tế.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang gia tăng về tần suất cũng như quy mô thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở ra nhiều lựa chọn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng tham gia quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác giao thương quốc tế, từ các sự kiện đa ngành cho tới những sự kiện chuyên ngành sâu, hẹp với đủ dạng hình thức, nội dung xúc tiến.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: "Dù tính liên kết trong công tác xúc tiến thương mại của vùng Đồng bằng sông Hồng đã được cải thiện, song việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng còn gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là hạn chế về cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện".
Cụ thể, ông Vũ Bá Phú chỉ ra, với 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có 3 mô hình trung tâm xúc tiến thương mại, thuộc các đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó trong việc bố trí địa điểm, dịch vụ thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, thường xuyên. Cùng đó, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức trong hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay trên địa bàn tỉnh, bà Vũ Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương trong việc tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng trong những năm qua, tỉnh Hải Dương cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Mặc dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, trong quá trình triển khai, hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại một số địa phương, trong đó có Hải Dương vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như, vai trò của các bên tham gia liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế; việc sản xuất nông sản theo hướng kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa phù hợp với thị trường vẫn còn một số bất cập; cơ chế, chính sách phát triển liên kết các vùng còn chưa đồng bộ, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.
Bên cạnh đó, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương được triển khai nhưng chưa mạnh; chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng. Không gian và địa bàn hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vung còn mang tính tự phát…
Hình thành mạng lưới liên kết xúc tiến thương mại
Để nâng cao hiệu quả liên kết trong xúc tiến thương mại, không lỡ nhịp các cơ hội thị trường quốc tế mới, ông Vũ Bá Phú cho rằng, doanh nghiệp của vùng rất cần sự hỗ trợ về đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả từ các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương trong vùng nói riêng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh bên ngoài vùng.
Đặc biệt, để tăng tính liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại của vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại kiến nghị cần thực hiện các giải pháp trọng tâm, lâu dài. Cụ thể, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình tổ chức để kiện toàn, thống nhất, ổn định bộ máy các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại từ vai trò, chức năng nhiệm vụ, mô hình quản lý, tổ chức, con người, năng lực chuyên môn nhằm tập trung đồng bộ các nguồn lực triển khai công tác xúc tiến thương mại hiệu quả.
Bộ Tài chính sớm xây dựng thông tư hướng dẫn địa phương về nguồn kinh phí thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, định mức chi, khoản chi, mục chi cụ thể để các địa phương có định hướng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tạo thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực từ ngân sách và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại nghiên cứu, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng và liên vùng; tích cực tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia.
Mục tiêu là vừa tránh chồng chéo, dàn trải; vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ xúc tiến thương mại tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung.
Cơ chế liên kết cần thiết phải mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ về thông tin mà còn cả các nghiệp vụ, hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể.
"Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng vươn ra thị trường thế giới" - lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Cùng với đó, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, các địa phương cần xây dựng chiến lược theo dài hạn trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu khả năng của doanh nghiệp, nguồn lực, chiến lược ưu tiên của mỗi địa phương, tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau để thâm nhập thị trường lẫn nhau, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương trong nước và xuất khẩu.
"Bộ Công Thương nói chung và Cục xúc tiến thương mại nói riêng luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tối đa trong khả năng có thể cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu, liên kết vùng, liên kết chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất nhập khẩu" - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói.