Hình thành hệ sinh thái cho nhiếp ảnh

Tôn vinh các tác phẩm ảnh chụp người thật, việc thật, tạo dựng môi trường cho hoạt động nhiếp ảnh, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số, nhiếp ảnh Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng và bền vững.

Đề cao tính xác thực của tác phẩm

Tại hội thảo “Nhiếp ảnh Việt Nam - 50 năm phát triển cùng đất nước” chiều 18.11, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lưu Quang Phổ đặt vấn đề: Cần định hướng như thế nào để thu hút người xem tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm... ảnh?

"Nhiều người phải lên vùng cao chụp ruộng bậc thang, vào miền Tây chụp hoa súng. Vì đẹp, người ta phải thuê mẫu đi đứng, nói cười. Vì đẹp, người ta phải dùng phần mềm chỉnh sửa, thậm chí tải hình ảnh trên mạng để ghép vào ảnh của mình. Vì đẹp, người ta phải dàn dựng cảnh trẻ em học bài, bộ đội luyện tập, công an điều tra... Những bức ảnh như vậy không thỏa mãn công chúng bởi họ xem nhiều thành quen và có lẽ đã chán rồi".

 Hội thảo “Nhiếp ảnh Việt Nam - 50 năm phát triển cùng đất nước” chiều 18.11. Ảnh: BTC

Hội thảo “Nhiếp ảnh Việt Nam - 50 năm phát triển cùng đất nước” chiều 18.11. Ảnh: BTC

Theo nghệ sĩ, giá trị gốc của nhiếp ảnh là tính tài liệu, là hiện thực được đóng khung trong góc nhìn của nhà nhiếp ảnh. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta đã dàn dựng cảnh như điện ảnh hoặc sân khấu để có những bức ảnh mô tả hiện thực nhưng lại gọi nó là hiện thực. Về bản chất, đó là một hiện thực được làm giả mà lâu nay được chấp nhận với danh nghĩa ảnh nghệ thuật.

Nghệ sĩ Lưu Quang Phổ cho rằng, đây là lý do nhiếp ảnh bị cho là nhàm chán nhiều năm qua. "Mâu thuẫn này nếu là thực thì cần được xử lý rốt ráo. Cần phải có định nghĩa đầy đủ về giá trị của các tác phẩm nhiếp ảnh, gắn với nội dung và cách thức mà người ta tạo ra nó".

Tại hội thảo, ý kiến của nhiều nhà nhiếp ảnh cũng cho thấy, những bức ảnh chụp người thật, việc thật, có nội dung rõ ràng phải được tôn vinh ở mức cao, trong khi vẫn chấp nhận những thể loại, phương pháp, trường phái sáng tác khác trong nhiếp ảnh.

Bên cạnh đó, nhiếp ảnh Việt đang thiếu đi một mảng quan trọng là phản ánh mặt trái của đời sống xã hội. Trong các triển lãm, người xem không thấy được cảnh nghèo khó để chia sẻ, không thấy những vi phạm, sai trái để phẫn nộ và đấu tranh...

Tạo môi trường cho hoạt động nhiếp ảnh

ThS. Phan Thị Phương Hiền, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cũng phản ánh thực tế, nước ta chưa có môi trường hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Chúng ta đã có nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng chưa có các thiết chế chuyên nghiệp để sưu tầm, giới thiệu, trưng bày, mua bán tác phẩm nghệ thuật. Các thiết chế đó là gallery chuyên nghiệp, bảo tàng nghệ thuật... từ quy mô nhỏ đến toàn quốc.

“Thực tế ở nước ta hầu như không có gallery nào trưng bày, giới thiệu tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh; trong khi ở các nước khác trên thế giới điều này là hiển nhiên. Nhiếp ảnh tồn tại và phát triển bình đẳng với hội họa, điêu khắc, video art.

Hệ sinh thái cho nhiếp ảnh cũng hình thành rõ nét với nghệ sĩ, gallery, giám tuyển, nhà sưu tập, nhà phê bình, công chúng…”, bà Phương Hiền cho hay.

 Cần tôn vinh những bức ảnh chụp người thật, việc thật, có nội dung rõ ràng. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Cần tôn vinh những bức ảnh chụp người thật, việc thật, có nội dung rõ ràng. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Muốn nhiếp ảnh phát triển, muốn tạo dựng vòng khép kín giữa sản xuất hình ảnh, tiêu thụ sản phẩm và đóng góp xã hội mà thực chất là xây dựng nền công nghiệp nhiếp ảnh trong môi trường kỹ thuật số, theo nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng, bắt buộc nhiếp ảnh Việt Nam mà trực tiếp là đội ngũ những người cầm máy phải bám sát tiến bộ công nghệ, khoa học kỹ thuật để hòa nhập trong môi trường công nghệ kỹ thuật số do nhà nước đầu tư phát triển. Việc tự cá nhân trang bị máy móc kỹ thuật và nâng cao trình độ làm chủ các phần mềm xử lý ảnh nay là AI, chứng tỏ nhiếp ảnh Việt Nam luôn bám sát công nghệ kỹ thuật thế giới.

Nhiếp ảnh là ngành nghệ thuật không đứng một mình mà dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội cả nước. Ông Dũng cho biết, tại thời điểm hiện nay, nhiếp ảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển cao độ với ba điểm chú ý lớn: Đội ngũ cầm máy phát triển mạnh mẽ với trang bị kỹ thuật cùng khả năng cao làm chủ công nghệ; hạ tầng kỹ thuật công nghệ kỹ thuật - môi trường cho nhiếp ảnh đang được xây dựng, sắp được hoàn thiện, phát triển, bao gồm mạng truyền dữ liệu tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu quốc gia và các công ty công nghệ phần mềm; nền kinh tế công nghiệp, văn hóa, xã hội - thị trường chủ yếu tiêu thụ sản phẩm nhiếp ảnh đang phát triển mạnh mẽ.

"Tận dụng tốt nguồn đầu tư của cá nhân những người cầm máy và đầu tư hạ tầng kỹ thuật số của nhà nước, cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc làm chủ kiến thức công nghệ, nhiếp ảnh Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng và bền vững", ông Dũng khẳng định.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hinh-thanh-he-sinh-thai-cho-nhiep-anh-post396729.html