Hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng miền, địa phương
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp du lịch cùng hỗ trợ phát triển thị trường, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới, tạo dựng bản sắc riêng theo vùng miền.
Đó là chỉ đạo của ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại đại hội Hiệp hội du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V (2022 – 2027) vào chiều 31/3..
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, nhiệm kỳ IV, Hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả và thành công về hoạt động đề xuất xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp; về hoạt động xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường du lịch; về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; những dự báo ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam; về công tác phát triển Hội viên, thực hiện các quy định, quy chế hoạt động của Hội. Đáng chú ý là sự tham gia, đóng góp ý kiến của Hiệp hội trong quá trình xây dựng Luật Du lịch năm 2017; tuyên truyền thực hiện Luật Du lịch 2017, các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan; ban hành Chương trình hành động của Hiệp hội thực hiện Nghị quyết 08 về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt, 4 kỳ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội gần đây được tổ chức thành công thu hút nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch trong và ngoài nước tham gia, có tác động tích cực đến hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối các địa phương và doanh nghiệp du lịch, Hội chợ VITM đã dần trở thành thương hiệu, có uy tín.
Bên cạnh đó, từ con số 3.200 hội viên tổ chức, doanh nghiệp vào năm 2017 tăng lên hơn gấp 3 lần với 10.520 hội viên doanh nghiệp và 15.130 hội viên cá nhân. Đây là những con số ấn tượng trong tổ chức hoạt động của Hiệp hội. Hiệp hội đã duy trì và phát triển 16 đơn vị trực thuộc, đã phát triển được 3 liên chi hội (liên chi hội hướng dẫn viên, liên chi hội đầu bếp, liên chi hội du lịch golf), 2 câu lạc bộ (câu lạc bộ du lịch cộng đồng, câu lạc bộ du lịch MICE), liên minh kích cầu du lịch nội địa. Điều này chứng tỏ vai trò và vị thế quan trọng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch, là cầu nối của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động du lịch trong suốt thời gian năm qua.
Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, ngành du lịch cần triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Từng bước phục hồi ngành du lịch theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; đẩy nhanh quá trình phát triển, tăng trưởng trở lại của du lịch Việt Nam trong điều kiện, tình hình mới để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; xúc tiến, quảng bá Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 130-135 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 17% vào GDP, tạo 8,5 triệu việc làm, đón được 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa vào năm 2030 như Chiến lược phát triển du lịch đã đề ra.
Để đạt được các mục tiêu đó, trong năm 2022-2023, ngành du lịch cần triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người lao động trong lĩnh vực du lịch, xây dựng cơ chế thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch quay trở lại làm việc; tăng cường đào tạo nhân lực du lịch để bù đắp số lượng lao động bị thiếu hụt do tác động của đại dịch COVID-19, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tăng cường truyền thông, xúc tiến, quảng bá và từng bước phục hồi thị trường du lịch, thiết lập hạ tầng, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Trong các năm tiếp theo 2024-2025, nhiệm vụ của ngành là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc sắc, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong phát triển du lịch, phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch.
Những việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ, giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch. Hiệp hội định hướng, hỗ trợ và liên kết các thành viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững trong phát triển du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia của Việt Nam.