Hình thành 'sếu đầu đàn' cho giai đoạn tăng trưởng mới
Nhiệm vụ hình thành các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quy mô lớn đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với nhiều mục tiêu phát triển cao hơn, hướng đến phát triển nhanh và bền vững
Nhiệm vụ hình thành các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quy mô lớn đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với nhiều mục tiêu phát triển cao hơn, hướng đến phát triển nhanh và bền vững
Do đó, dự thảo Ðề án phát triển DN nhà nước (DNNN) quy mô lớn do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) soạn thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các nhà nghiên cứu chính sách. DN được lựa chọn là một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong sáu ngành, lĩnh vực quan trọng, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt đối với nền kinh tế. Bao gồm: Năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, công nghiệp. Tiêu chí lựa chọn đối với DN là có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản hoặc có kết quả tài chính ổn định; có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường nước ngoài; có hệ thống quản trị tốt; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế… Cùng với đó, Bộ KH và ÐT xây dựng Ðề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển tương xứng với tiềm năng, thật sự trở thành động lực quan trọng của đất nước.
Trong thực tiễn, quá trình thực thi chính sách công nghiệp cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia không thể thiếu vắng mục tiêu tạo dựng DN "sếu đầu đàn" để dẫn dắt lực lượng DN, thúc đẩy phát triển công nghiệp hiện đại nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung. Tại Việt Nam, cơ cấu DN được cho là bất thường so với các nền kinh tế hiện đại trong khu vực, do lực lượng DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn trong khi thiếu vắng những DN quy mô lớn và vừa. Ðặc biệt trong khu vực KTTN, DN vừa và lớn chỉ chiếm 6,3% trong tổng số hơn 800 nghìn DN đang hoạt động, lợi nhuận cao của các DN này đang bù đắp cho khoản thua lỗ của DN siêu nhỏ. Những năm gần đây, số lượng các DN lớn đã có sự gia tăng nhưng phần lớn là DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản và được hình thành trong một giai đoạn tích lũy ngắn, chủ yếu dựa vào vốn tự có và chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước.
Để hình thành "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế, vấn đề lớn cần phải giải quyết vẫn là cơ chế nào để DNNN tối đa hóa nguồn lực đang nắm giữ. Ðồng thời phân bổ hiệu quả nguồn lực để DN tư nhân được tiếp cận bình đẳng, công bằng các nguồn lực đất đai, tín dụng... "Sếu đầu đàn" có thể là DNNN và cũng có thể là những tập đoàn kinh tế tư nhân. Muốn hình thành những con "sếu đầu đàn", việc quan trọng là phải có cơ chế, chính sách riêng để DN có khả năng lớn mạnh, trở thành lực lượng dẫn dắt, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo lập được cơ chế giám sát hiệu quả tại các DNNN được lựa chọn. Bài học sâu sắc từ quá trình hình thành và phát triển các tập đoàn, tổng công ty 90 - 91 trước đây vẫn còn nguyên giá trị.