Hình thành thị trường năng lượng hiện đại bằng đào tạo nhân lực liên ngành
Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số ngày càng tăng tốc, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành yếu tố sống còn, quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.

Nhân lực kỹ năng số ngành năng lượng hiện vẫn còn hạn chế.
Cơ hội vàng nhưng thách thức không nhỏ
Đây không chỉ là câu chuyện của kỹ thuật và công nghệ, mà còn là bài toán chiến lược gắn liền với mô hình đào tạo, cơ chế thị trường và tầm nhìn dài hạn. Chỉ khi có nền tảng nhân lực vững chắc, ngành năng lượng Việt Nam mới có thể “đi trước một bước”, vững vàng vượt qua các thách thức về an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
TS. Nguyễn Đạt Minh, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh: “Đào tạo là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Không thể có thị trường năng lượng hiện đại nếu thiếu lực lượng nhân sự có kỹ năng số, hiểu biết thị trường và khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới”.
Theo TS. Minh, các xu hướng như AI, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), blockchain và tự động hóa đang thay đổi cách ngành năng lượng được quản lý, vận hành và phát triển. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy nhân lực hiện có vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng: chương trình đào tạo chưa cập nhật công nghệ mới, thiếu gắn kết doanh nghiệp - nhà trường, đội ngũ giảng viên còn yếu kỹ năng số.
Để giải bài toán nhân lực, TS. Nguyễn Đạt Minh đề xuất chiến lược đào tạo nhân lực theo hướng liên ngành, tích hợp công nghệ và gắn chặt với nhu cầu thực tế. Kỹ sư ngành năng lượng hiện đại phải giỏi không chỉ kỹ thuật điện mà còn phải biết lập trình, phân tích dữ liệu, hiểu rõ thị trường và vận hành hệ thống thông minh.
Một trong những điểm nhấn của chiến lược là đào tạo kết hợp năng lượng với các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điều khiển - tự động hóa và kinh tế thị trường. Mô hình học thông qua dự án, thực tập tại doanh nghiệp và tham gia giải quyết bài toán thực tiễn sẽ giúp sinh viên không chỉ “biết” mà còn “làm được” - một yêu cầu quan trọng trong thị trường năng lượng cạnh tranh.
Ngoài ra, ông Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và đổi mới phương pháp đào tạo thông qua các chương trình hợp tác như Horizon Europe, Grid Modernization Lab của Mỹ, và áp dụng công cụ đào tạo hiện đại như E-learning, VR/AR, AI vào giảng dạy.

TS. Nguyễn Đạt Minh, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực
Nhân lực trẻ - đòn bẩy cho khởi nghiệp năng lượng
Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư và khởi nghiệp, ông Phạm Anh Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Quỹ BestB Capital, nhìn nhận: “Việt Nam có lực lượng kỹ sư trẻ, năng động, tiếp cận tốt công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, IoT, dữ liệu lớn. Đây là lợi thế chiến lược để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp năng lượng sạch”.
Theo ông Cường, trong bối cảnh chuyển đổi xanh và mục tiêu Net Zero, Việt Nam đang có cơ hội lớn để xây dựng thị trường năng lượng mới - nơi không chỉ các tập đoàn lớn mà cả startup và các nhóm kỹ sư trẻ có thể đóng vai trò trung tâm. Các mô hình như Alternō (cung cấp “pin cát” lưu trữ nhiệt), SmartSolar (điện mặt trời mái nhà), hay Selex Motors (xe máy điện đổi pin nhanh) là minh chứng rõ ràng cho khả năng làm chủ công nghệ và thương mại hóa hiệu quả của người trẻ Việt.
“Khởi nghiệp trong ngành năng lượng không chỉ là cơ hội đầu tư mà còn là giải pháp căn cơ cho phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng, nếu có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp - đặc biệt là sandbox cho thử nghiệm mô hình kinh doanh mới - thì lực lượng kỹ sư trẻ sẽ tạo ra những đột phá quan trọng”, ông Cường chia sẻ.
Để hiện thực hóa chiến lược nhân lực và phát triển hệ sinh thái năng lượng bền vững, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Quỹ BestB Capital đề xuất mô hình “Energy Innovation Partnership” - gắn kết chặt chẽ giữa 4 trụ cột: Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà khoa học - Nhà startup. Theo đó, cần thiết lập nền tảng để startup và kỹ sư trẻ được tiếp cận vốn đầu tư sớm, nhận tư vấn mô hình kinh doanh, kết nối với doanh nghiệp lớn và viện nghiên cứu để tăng tốc thử nghiệm và thương mại hóa giải pháp.
Phát triển nhân lực cho ngành năng lượng không còn là lựa chọn, mà là bắt buộc nếu Việt Nam muốn chủ động bước vào kỷ nguyên năng lượng xanh, thông minh và bền vững. Đó không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục hay doanh nghiệp, mà là bài toán quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, chiến lược dài hạn và cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các bên.