Hình thành thói quen 'đã uống rượu bia thì không lái xe'

Tháng 6 vừa qua, ông N.Đ.C ở tiểu khu 3/2, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã bị Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an huyện Mộc Châu kiểm tra, xử phạt với hành vi không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn khi điều khiển xe máy. Đây là trường hợp 'đặc biệt' với nhiều lần gây tai nạn khi điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an huyện Mộc Châu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an huyện Mộc Châu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

Bà L.T.T vợ của ông C đã viết tâm thư đề nghị cảnh sát giao thông giữ xe của ông C để gia đình đỡ khổ và tránh gây tai họa cho người khác. Trong thư bà T kể: Từ năm 2014 đến nay, chồng bà là ông N.Đ.C liên tục bị tai nạn, gây tai nạn liên quan đến việc điều khiển xe máy sau khi đã sử dụng rượu, bia. Năm 2014, sau khi uống rượu, ông C lái xe máy do không làm chủ được đã đâm vào tường rào của tiểu khu, gẫy tay trái. Năm 2015, khi uống bia say, ông C vẫn lái xe máy, khi di chuyển đã đâm vào cột mốc tại dốc 75, bị thương nặng được các cảnh sát giao thông đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chứng nào tật ấy, năm 2020 ông C uống rượu say, lái xe máy đâm vào cầu ở xã Mường Sang, đầu đập vào thành cầu phải về Bệnh viện Việt Đức mổ. Năm 2022, tiếp tục lái xe máy trong tình trạng say rượu đâm vào thanh niên đi đường, gia đình phải đưa nạn nhân đi cấp cứu và chăm sóc ở bệnh viện... Dù vợ con đã can ngăn, khuyên bảo nhiều lần, ông C không hề thay đổi, thay vào đó là những lời chửi bới, đánh đập vợ con.

Đại úy Tạ Quang Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an huyện Mộc Châu, cho biết: Theo văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Lái xe sau khi sử dụng rượu, bia là hành vi nguy hiểm. Chất cồn có trong rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, làm mất khả năng tự chủ, giảm khả năng định hướng và điều khiển vận động, có thể gây tai nạn chết người. Chính vì thế, người dân không nên sử dụng rượu, bia trước khi lái xe, đã uống rượu bia thì không lái xe.

Thói quen sử dụng bia, rượu đã trở thành tập tục từ lâu của người dân. Tuy nhiên, đã uống bia, rượu rồi lại điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn, gián tiếp, hoặc trực tiếp gây nguy cơ tai nạn giao thông cho bản thân và cộng đồng.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để tăng tính răn đe, hạn chế thấp nhất người vi phạm; hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó có hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từ ngày 26/8-10/9, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã bố trí hàng trăm tổ tuần tra kiểm soát, với hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ tham gia; phát hiện 1.245 trường hợp vi phạm, phạt trên 3,6 tỷ đồng, tước 238 giấy phép lái xe, tạm giữ 768 phương tiện. Trong đó, 771 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, xử phạt hành chính trên 2,5 tỷ đồng.

Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhận thức của người dân đang có những chuyển biến tích cực, từng bước hình thành và chấp hành tốt quy định “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Anh Nguyễn Hoài Phương, phường Chiềng Sinh, Thành phố, chia sẻ: Việc bỏ rượu, bia là rất khó đối với nam giới, bởi vậy khi đi đã sử dụng bia rượu tôi sử dụng xe taxi, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng và chính bản thân mình.

Quyết liệt triển khai các giải pháp, nhằm từng bước giảm và tiến tới loại bỏ nguyên nhân tai nạn giao thông do uống rượu, bia là vô cùng cần thiết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt lực lượng chức năng, mỗi người dân cần thay đổi hành vi, xây dựng thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”, góp phần hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/an-toan-giao-thong/hinh-thanh-thoi-quen-da-uong-ruou-bia-thi-khong-lai-xe-fzzCbagHg.html