Hình thành thói quen đọc sách theo nhiều cách khác nhau
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, cùng lắng nghe những chia sẻ của những người có chung niềm đam mê và lan tỏa thói quen đọc sách.

Mỗi gia đình cần xây dựng không gian đọc cho con mình, để từ đó tạo được thói quen đọc ngay từ khi con còn nhỏ
Nhà thơ Đông Hà (giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế): Ba mẹ không cầm sách thì đừng đòi hỏi con đọc sách
Với tôi, việc đọc là thói quen. Thông thường tôi chia việc đọc rất cụ thể, hàng ngày sẽ dành khoảng thời gian nhất định để đọc sách vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, trong túi xách của tôi luôn có một cuốn sách nào đó và cứ rảnh rỗi là tôi dành thời gian cho sách.
Còn đọc sao cho hiệu quả, tôi chia theo nhu cầu của bản thân. Ví dụ trong giai đoạn cần thông tin để nghiên cứu, phục vụ công việc tôi sẽ chọn những cuốn sách có nhiều thông tin liên quan đến việc đó. Tuy nhiên, luôn có thêm sách giải trí để làm cho tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Tôi cũng cập nhật những cuốn sách phù hợp với xu hướng thời đại. Chính vì vậy, khi chọn sách sẽ không nhất thiết chọn theo nhu cầu, tính cách của mình. Chỉ khi mình chọn được đầu sách phong phú thì việc đọc sách mới hiệu quả.
Bây giờ người ta gọi là văn hóa đọc sách nhưng thực ra tôi nghĩ đó là thói quen sinh hoạt có lẽ đúng hơn. Khi mình đọc sách xong mình mới tạo ra văn hóa. Để có thói quen đọc sách trong gia đình, ba mẹ phải là người làm gương và tạo ra không gian đọc sách. Một gia đình mà phòng khách lớn bao nhiêu đi chăng nữa nhưng không có không gian đọc sách thì đừng đòi hỏi con mình đọc sách. Một gia đình mà ba mẹ không bao giờ cầm cuốn sách cũng đừng đòi hỏi con mình đọc sách.
TS. Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế): Phải biến kiến thức đọc được thành hành động và trải nghiệm
Việc đọc sách không thể chỉ dừng lại ở một vài quyển sách nổi tiếng, mà cần phải liên tục mở rộng kiến thức qua nhiều tác phẩm, công trình khác nhau. Một cuốn sách có thể chứa đựng một lượng thông tin hữu ích nhưng không thể có tất cả những gì chúng ta cần để hiểu đầy đủ về một vấn đề, một lĩnh vực. Chính vì vậy, việc đọc sách, giống như việc học hỏi từ nhiều nguồn, cần phải được tham chiếu, thực hiện kiên trì và lâu dài.
Trong thời đại số, nhiều người có thể không đồng tình với quan điểm rằng, đọc sách là con đường duy nhất để phát triển bản thân. Sách là một nguồn thông tin cực kỳ hữu ích, đa dạng, có chiều sâu nhưng nó chỉ là một phần của quá trình học hỏi. Ngoài sách, chúng ta còn có thể học từ những cuộc trò chuyện, từ việc nghe và nhìn, hoặc thậm chí từ những trải nghiệm thực tế. Tất cả đều là những nguồn học hỏi quý giá giúp chúng ta trưởng thành và mở rộng tầm hiểu biết. Đọc sách là một hành trình dài, là sự tích lũy tri thức không ngừng nghỉ và luôn luôn đổi mới. Đọc, hiểu và áp dụng kiến thức vào cuộc sống mới thực sự có giá trị.
Tuy nhiên, sách chỉ là một trong nhiều phương thức để học hỏi và phát triển bản thân. Sách có thể là một nguồn kiến thức vô tận và là một công cụ mạnh mẽ để phát triển bản thân, nhưng đọc sách không phải là tất cả. Quan trọng hơn là cách chúng ta áp dụng những gì đã học được vào cuộc sống. Vì vậy, đọc sách không phải là điều duy nhất, quan trọng là làm sao để biến những kiến thức đó thành hành động và trải nghiệm trong cuộc sống.
Trước những đổi thay của thời đại, cá nhân tôi vẫn cho rằng đọc sách vẫn là một công cụ quan trọng và không thể thay thế. Dù các phương tiện truyền thông hiện đại có những ưu điểm riêng, nhưng sách vẫn giữ vững giá trị của mình nhờ khả năng truyền tải thông tin sâu sắc và cô đọng. Để phát triển toàn diện, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa giữa sách và các phương tiện hiện đại để tiếp cận thông tin một cách hiệu quả nhất. Đây là chìa khóa quan trọng để chúng ta bước vào xã hội tri thức.

Ươm mầm đọc sách cho các em khi còn nhỏ để từ đó hình thành được thói quen sau này
Anh Huỳnh Anh Thuận (quận Thuận Hóa, TP. Huế): Hãy đọc bất kể ở đâu, khi nào, phương tiện gì
Tôi thường đọc rất nhiều thể loại sách từ tâm lý học, triết học, phát triển bản thân, lịch sử, hồi ký… Thời gian đọc sách chủ yếu trong khoảng 30 – 60 phút vào buổi sáng, buổi tối có thể đọc thêm tầm 30 – 45 phút là tối đa trước khi đi ngủ.
Đọc sách giống như 1 câu chuyện: Nhà sư giao cho học trò 1 chậu lấy nước nhưng có rất nhiều lỗ thủng và yêu cầu cậu gánh nước để đổ đầy bình mỗi ngày. Cậu học trò làm theo nhưng không cách nào đổ đầy. Cậu học trò hỏi tại sao thầy lại giao con đi lấy nước bằng chậu bị thủng? Vị sư phụ đáp: “Con hãy nhìn lại chậu con đi gánh nước xem, giờ nó đã hết bụi bẩn và sáng bóng hơn trước lần ta đưa chậu cho con chưa?”. Câu chuyện này khiến mình liên tưởng đến việc đọc, càng đọc càng thấy mình càng nhỏ bé, càng đọc thấy mình cần phải khiêm tốn, bởi quá nhiều kiến thức mới, quá nhiều người giỏi cần học.
Mình cũng suy nghĩ, hãy cứ đọc, đọc ở bất cứ đâu, càng đọc nhiều bạn sẽ thấy cuộc đời vui tươi và sống tích cực mỗi ngày. Đọc đơn giản là đọc, không cần cao siêu bởi vì như quy luật triết học “lượng đủ chất sẽ thay đổi”. Vậy nên, hãy cứ đọc bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ phương tiện nào…