Hình thành và phát triển đô thị theo hướng ''văn minh và thân thiện''

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các cấp độ quy hoạch theo quy định. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo điều hành của cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, mở ra những triển vọng mới, thúc đẩy sự hình thành và phát triển diện mạo các đô thị của tỉnh trong thời gian tới theo hướng 'văn minh và thân thiện'.

Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang

Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang

Theo Sở Xây dựng, đến nay Lâm Đồng có 15 đơn vị hành chính được công nhận cấp đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I; 1 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các cấp độ quy hoạch theo quy định như: Quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch cấp vùng (Đà Lạt và vùng phụ cận, Bảo Lộc và vùng phụ cận), quy hoạch cấp huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và thiết kế đô thị với tổng số 305 đồ án quy hoạch được phê duyệt và đang được các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện, làm cơ sở phục vụ đắc lực cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt trên 75% và dự kiến cuối năm 2020 đạt 90%. Tất cả các đô thị đã được ban hành quy định lộ giới và các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đối với nhà ở và công trình riêng lẻ. Đây là kết quả của sự chỉ đạo điều hành của cấp ủy đảng và chính quyền các đô thị, mở ra những triển vọng mới, thúc đẩy sự hình thành và phát triển diện mạo các đô thị của tỉnh trong thời gian tới theo hướng “văn minh và thân thiện”.

Để đạt được những kết quả trên, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Xây dựng đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm và đạt kết quả cao. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Xây dựng đã tập trung phối hợp với các địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch. Về cơ bản, công tác lập và tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo thực hiện đúng định hướng và các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các đô thị đã được quy hoạch mở rộng đến ranh giới hành chính đô thị; việc mở rộng không gian đô thị đã tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất xây dựng đô thị phù hợp định hướng phát triển lâu dài và theo kế hoạch phát triển cho từng năm, từng giai đoạn, phù hợp tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 kế hoạch lập quy hoạch cho từng giai đoạn trung hạn, nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương triển khai công tác quy hoạch với tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng. Việc UBND tỉnh ban hành các kế hoạch lập quy hoạch cho từng giai đoạn vừa qua là một giải pháp đã được Bộ Xây dựng đánh giá cao.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế, hội thảo trong nước về các chuyên đề quy hoạch, kiến trúc; đồng thời đã tăng cường công tác phản biện của các hội nghề nghiệp chuyên ngành, của toàn bộ người dân trong vùng quy hoạch. Vì vậy công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao vai trò của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của Lâm Đồng thời gian qua.

Mặt khác, về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị là một trong các chương trình trọng tâm của các cấp ủy địa phương. Qua đó, các đô thị đang dần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị đã được công nhận; chất lượng đô thị được nâng lên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng phụ cận. Và tính đến nay, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 37,5% vào năm 2016 lên đến 40,2% năm 2020.

Cũng trong thời gian qua, các đô thị được tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, đã quan tâm phát triển giao thông vành đai đô thị để tạo điều kiện kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại và hướng đến mở rộng không gian đô thị; hệ thống giao thông nội thị không ngừng được cải tạo nâng cấp đồng bộ. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 990 tuyến đường giao thông đô thị với tổng chiều dài khoảng 1.041 km. Các tuyến đường này về cơ bản đã được đầu tư đồng bộ với tỷ lệ nhựa hóa tăng từ 80% năm 2015 lên trên 85% năm 2020, nâng mật độ đường giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt từ 7 - 10 km/km2.

Các đô thị đang dần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị đã được công nhận. Ảnh: Thụy Trang

Các đô thị đang dần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị đã được công nhận. Ảnh: Thụy Trang

Tương tự, các đô thị cũng không ngừng nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch cho cư dân đô thị, chính vì vậy tỷ lệ người dân được cấp nước đã đạt 70,5% nhu cầu sử dụng, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 70%. Hệ thống thoát nước của các đô thị cơ bản đáp ứng được yêu cầu thoát nước nên không có tình trạng ngập úng đô thị trên diện rộng mà chỉ ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp.

Riêng đối với việc quản lý chất thải rắn đô thị còn hạn chế trong điều kiện lượng rác thải tăng nhanh và ngày càng cao do tốc độ đô thị hóa. Lượng rác thải tăng từ 420 tấn/ngày lên 785 tấn/ngày trong vòng 5 năm (2015-2020) nhưng các cơ sở xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, công tác thu gom rác thải rắn đô thị vẫn đảm bảo yêu cầu và đạt chỉ tiêu với trên 90% lượng rác được thu gom.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị đã được quan tâm, đầu tư; việc quy hoạch đã được thực hiện đồng bộ theo quy hoạch chung xây dựng các đô thị, quy hoạch xã nông thôn mới; cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy đã đặt ra.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, mặc dù công tác quy hoạch đã được quan tâm triển khai trong thời gian qua nhưng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tại các đô thị chưa cao, tình trạng xây dựng không phép trong các khu vực quy hoạch còn diễn ra phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định trong phát triển đô thị cũng như quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện nhưng còn thiếu đồng bộ; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chậm đầu tư, nâng cấp nên ngày càng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Việc xã hội hóa đầu tư các dịch vụ công ích tuy đã tranh thủ được nguồn vốn ngoài ngân sách nhưng đã bộc lộ những vấn đề bất cập trong quản lý, vận hành mà cụ thể là vấn đề xử lý rác thải đã xảy ra tại hai thành phố của tỉnh trong thời gian qua...

Theo đó, để giải quyết những tồn tại trên đây, Sở Xây dựng đề ra các nhiệm vụ trong thời gian tới, trọng tâm là tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kịp thời giải quyết những bất cập, vướng mắc, nhằm đảm bảo công tác quy hoạch, phục vụ tốt việc hoạch định các chính sách, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và trong dài hạn. Quản lý tốt việc phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Lâm Đồng bền vững, có kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, có bản sắc kiến trúc đô thị riêng, có môi trường sống chất lượng tốt và có tính cạnh tranh cao, phát triển theo mô hình đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, bền vững, đảm bảo yêu cầu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời đặt ra giải pháp thực hiện cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị; quản lý quy hoạch, quản lý đô thị phải được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện; xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202011/hinh-thanh-va-phat-trien-do-thi-theo-huong-van-minh-va-than-thien-3028913/