Hình thành vùng cây ăn trái từ đất mía

Mang theo cây mía, tập quán canh tác truyền thống từ mảnh đất miền Trung nắng gió, nhưng nay, nhiều người dân xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên) đã tiến hành cải tạo vườn, chuyển đổi giống cây trồng hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Cây ăn trái mang lại thu nhập cao cho người dân xã Quảng Ngãi

Cây ăn trái mang lại thu nhập cao cho người dân xã Quảng Ngãi

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho biết, người Quảng Ngãi ở đây lâu nay vẫn gắn bó với cây mía truyền thống mang theo từ khi xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bắt kịp với xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong và ngoài tỉnh, người dân nơi đây đã và đang xây dựng những vườn cây ăn trái một cách quy mô, đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.

Số liệu thống kê của UBND xã, riêng trong năm 2021, người dân đã chủ động chuyển đổi vườn hộ, vườn tạp từ đất trồng mía, mì, các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây có giá trị kinh tế cao với diện tích khoảng 45 ha.

“Nhiều gia đình gắn bó với cây mía hàng chục năm nhưng chỉ cho mức thu nhập từ 50 - 70 triệu/ha. Nếu là trước đây, mức thu nhập này còn “tạm chấp nhận”, nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ là một sự lãng phí rất lớn bởi vùng đất này cũng được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp các loại trái cây có múi”, bà Hạnh cho biết thêm.

Mà để người dân thấy và tin thì theo Phó Chủ tịch UBND xã, phải có những mô hình mẫu, làm điểm để chứng minh. Cũng chính vì thế mà từ năm 2016, vườn bưởi của nông dân Huỳnh Văn Phú (Thôn 1) trở thành địa chỉ thường xuyên được người dân trên địa bàn lui tới để tham quan, học hỏi. Theo ông Huỳnh Văn Phú, sau một thời gian tìm tòi và được người quen hỗ trợ, ông tìm mua giống 350 cây bưởi da xanh về trồng trên diện tích 1 ha quanh nhà.

“Khi đó chẳng mấy ai ở xã thuần nông này chịu đầu tư hàng trăm triệu đồng để phá bỏ vườn cũ, cải tạo lại từ làm đất, làm rãnh thoát nước, hệ thống dẫn nước đến từng gốc cây… Nhưng trong khi xã hội ngày càng phát triển, chẳng nhẽ mình cứ mãi quanh quẩn với cây mì, cây mía, vất cả quanh năm mà nguồn thu chẳng đáng là bao”, ông Phú chia sẻ.

Không riêng gì xã Quảng Ngãi, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện nay đều có thế mạnh phát triển cây ăn trái. Nhìn qua nhìn lại, chỉ 2, 3 năm sau trên địa bàn xã Quảng Ngãi đã có rất nhiều gia đình tự động học hỏi, chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện kinh tế.

Chính vì thế mà năm 2019, Hợp tác xã Cây ăn trái xã Quảng Ngãi được lập nên, đến nay đã có 38 xã viên với tổng diện tích cây ăn trái là 84,3 ha, trong đó đa phần là bưởi da xanh với gần 30 ha, còn lại là cây ăn trái khác như: măng cụt, mít, chôm chôm, sầu riêng... Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng hỗ trợ người nông dân chứng nhận VietGAP đối với cây bưởi. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật canh tác.

Không chỉ người dân trên địa bàn nhận ra những tiềm năng, lợi thế của vùng đất này mà cả những người ở xa cũng tìm về đây. Như gia đình anh Võ Minh Trung là người ở Đồng Nai đã chọn nơi đây để phát triển cây quýt đường. Đến nay, vườn quýt gần 2 ha của anh ở Thôn 4 đang giai đoạn thu hoạch rộ, với năng suất ổn định 80 - 100 kg/cây/năm. Nhờ thu nhập cao từ cây quýt, anh Trung tiếp tục mua thêm một số diện tích đất trũng bên cạnh để mở rộng sản xuất.

“Ngày trước người dân chủ yếu trồng cây tràm. Vì là vùng trũng thấp nên ngay từ đầu mình phải đào rãnh thoát nước, chuẩn bị sẵn máy bơm nước để khỏi ngập trong mùa mưa. Lợi thế của mình là đã có kinh nghiệm trồng từ rất lâu. Nhưng quan trọng là mình hiểu mảnh đất nơi mình dừng chân, để có cách chăm sóc phù hợp”, anh Trung chia sẻ.

Hiện nay, cả anh Trung và các thành viên hợp tác xã đều mong muốn đến thời điểm thu hoạch có thể tìm kiếm được đầu mối tiêu thụ ổn định. Theo Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Văn Phú, chỉ khi đó người nông dân mới có thể an tâm, đồng thời có thể tính đến phương án liên kết, mở rộng diện tích trên địa bàn.

UBND xã Quảng Ngãi hằng năm cũng tăng cường, đôn đốc và chỉ đạo sát sao xuống từng địa bàn thôn, tổ chức cho Nhân dân chăm bón, thâm canh để tăng năng suất cây trồng, tận dụng các quỹ đất, trồng các loại cây thực phẩm ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức và sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân, nhằm mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/hinh-thanh-vung-cay-an-trai-tu-dat-mia-3082640/