Hình thức làm việc tối ưu cho người đi làm

Theo 2 nghiên cứu từ ĐH Simon Fraser, kết nối xã hội trong công việc có thể giúp ngừa tình trạng kiệt sức. Ngoài ra, hình thức làm việc linh hoạt là tối ưu dành cho người đi làm.

Hai nghiên cứu mới của Kiffer George Card, trợ lý giáo sư tại khoa Khoa học Sức khỏe, ĐH Simon Fraser, đăng trên Conversation đã chỉ ra tầm quan trọng của việc kết nối xã hội tại nơi làm việc.

Ngoài ra, 2 nghiên cứu này cũng lý giải nguyên nhân làm việc tại nhà có thể không phải là hình thức làm việc tối ưu. Thay vào đó, hình thức làm việc linh hoạt có thể ngăn ngừa tình trạng kiệt sức (burn-out) và cải thiện sức khỏe tâm lý.

Kiệt sức

Theo định nghĩa của Tổ chức phân loại bệnh Quốc tế, kiệt sức là kết quả của việc bị căng thẳng lâu dài tại nơi làm việc, bao gồm 3 triệu chứng: Suy kiệt về thể chất, chán nản với công việc, đồng nghiệp, hoài nghi về công việc và sự nghiệp.

 Kiệt sức là kết quả của việc bị căng thẳng lâu dài tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Unsplash.

Kiệt sức là kết quả của việc bị căng thẳng lâu dài tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Unsplash.

Khoảng 50% nhân viên và 53% quản lý trên thế giới kiệt sức do đại dịch Covid-19, theo nghiên cứu. Nhưng theo ông Card, kiệt sức không phải là hiện tượng mới nổi mà đã được nghiên cứu ít nhất từ cuối những năm 1970. Các nghiên cứu tập trung phân tích sự liên quan giữa kiệt sức và các điều kiện tại nơi làm việc như tiền lương, giờ làm, phương pháp quản lý và văn hóa công ty.

Do đó, để chữa kiệt sức cho nhân viên, lãnh đạo cần tái định hình môi trường làm việc và đào tạo lại những người quản lý tồi. Tuy nhiên, chừng này là chưa đủ. Con người mệt mỏi vì không thể tách rời bản thân khỏi công việc. Do đó, ông Card cho rằng kết nối xã hội tại văn phòng là nguyên nhân chính dẫn đến kiệt sức.

Trong quá trình tìm hiểu, các nhà nghiên cứu từ ĐH Simon Fraser đã tìm ra các yếu tố quan trọng nhất gây kiệt sức.

"Sau khi xem xét hàng loạt yếu tố có thể gây kiệt sức như khối lượng công việc, mức lương, văn hóa làm việc, đãi ngộ sau giờ và các yếu tố nhân khẩu học khác, chúng tôi nhận ra sự cô lập và thiếu hỗ trợ là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến kiệt sức. Những yếu tố này khiến con người kiệt sức nhiều hơn cả yếu tố sức khỏe thể chất và tài chính", ông Card viết.

Đánh đổi khi làm việc tại nhà

Hình thức làm việc tại nhà có thể khiến nhiều người kiệt sức vì cảm thấy bị cô lập nhưng không thể phủ nhận rằng làm việc tại nhà mang lại nhiều lợi ích.

 Làm việc tại nhà có nhiều lợi ích, tuy nhiên, nó khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập khỏi xã hội. Ảnh: Unsplash.

Làm việc tại nhà có nhiều lợi ích, tuy nhiên, nó khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập khỏi xã hội. Ảnh: Unsplash.

Làm việc tại nhà cho phép con người tiết kiệm thời gian di chuyển đến chỗ làm và có nhiều không gian để giải quyết việc nhà hoặc chợp mắt nhanh trong giờ giải lao. Điều này giúp con người có thêm thời gian và năng lượng hơn cho cuộc sống của mình.

Mặt khác, làm việc tại nhà đồng nghĩa với việc mất đi những cuộc tán gẫu hay cả những cuộc va chạm với đồng nghiệp, những yếu tố có tác động đáng ngạc nhiên tới sức khỏe một người.

Hơn nữa, nơi làm việc và trường học đóng vai trò quan trọng của đối với việc tìm kiếm và xây dựng tình bạn. Làm việc tại nhà hay học trực tuyến có thể gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần của con người. Hậu quả của việc này thậm chí còn tệ hơn ở những người làm những công việc giao tiếp với người khác nhưng giờ đây phải làm việc một mình ở nhà.

Hình thức linh hoạt là tốt nhất

Để hiểu hơn về tác động của việc làm việc tại nhà đối với sức khỏe tâm lý, các nhà nghiên cứu từ ĐH Simon Fraser đã thực hiện một nghiên cứu khác trên những cá nhân làm việc tại nhà, làm việc trực tiếp và làm việc linh hoạt.

Kết quả cho thấy chỉ 54% những người chỉ làm việc trực tiếp và 63% những người làm việc tại nhà có sức khỏe tâm lý tốt hoặc xuất sắc. Từ đây, các nhà nghiên cứu khẳng định làm việc tại nhà tốt hơn làm việc trực tiếp.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong cuộc khảo sát. 87% người làm việc linh hoạt có sức khỏe tâm thần tốt hoặc xuất sắc. Các nhà nghiên cứu từ đây kết luận so với 2 hình thức làm việc nói trên, hình thức làm việc linh hoạt là tốt nhất đối với nhân viên. Con số này cũng nhấn mạnh được tầm quan trọng của kết nối xã hội trong làm việc ở nghiên cứu trước.

Nói tóm lại, 2 nghiên cứu từ ĐH Simon Fraser cho thấy tầm quan trọng của kết nối xã hội. Các mối quan hệ xã hội có thể tạo nền tảng sức khỏe và hạnh phúc cho cuộc sống một người đi làm.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chứng minh làm việc linh hoạt là hình thức làm việc tốt nhất đối với người đi làm. Nó cho phép mọi người duy trì kết nối với đồng nghiệp đồng thời mang lại sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-thuc-lam-viec-toi-uu-cho-nguoi-di-lam-post1368810.html