Hình thức và nội dung kiểm tra học kỳ 1 không gây áp lực cho học sinh

Các trường phổ thông trên địa bàn TP đã và đang tổ chức kiểm tra học kỳ 1 theo hai hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tương ứng với thực tiễn triển khai công tác dạy và học của từng đối tượng học sinh. Hầu hết giáo viên, học sinh và phụ huynh cho biết, bài kiểm tra học kỳ 1 không gây áp lực gì, kể cả với học sinh lớp 1.

Học sinh được ôn tập kỹ trước khi kiểm tra

Theo khung kế hoạch, chương trình năm học, các trường học trên địa bàn TP đang học ở tuần 16 với nội dung chủ yếu là ôn tập kiến thức để chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1, dự kiến sẽ được triển khai ở tuần 17, 18. Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Quất, quận Long Biên chia sẻ: Trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ 1 với các môn như Tin học, tiếng Anh và đang tích cực ôn tập các môn Toán, Tiếng Việt để tiến hành kiểm tra học kỳ 1, dự kiến vào tuần sau. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh học trực tuyến từ đầu năm học đến nay và phương thức kiểm tra với học sinh khối 3, 4, 5 là trực tuyến. Với học sinh ba khối này, các em đã làm quen với hình thức kiểm tra trực tuyến từ năm học trước; mặt khác thực hiện các thao tác thường xuyên trên máy tính, điện thoại nên chắc chắn sẽ không gặp trở ngại khi triển khai. Còn với học sinh khối 1- lớp đầu cấp và khối 2- học sinh triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trường sẽ xin ý kiến phụ huynh về phương thức kiểm tra, sau đó xây dựng phương án trình Phòng GD&ĐT xem xét, quyết định.

 Học sinh được ôn tập, củng cố kiến thức trước khi kiểm tra học kỳ 1

Học sinh được ôn tập, củng cố kiến thức trước khi kiểm tra học kỳ 1

Được biết, thực hiện theo đúng công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhiều trường học trên địa bàn TP đã xây dựng đề cương môn học, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; dạy bổ sung những nội dung còn thiếu kết hợp với việc ôn tập, củng cố nội dung kiến thức với các nhóm đối tượng bị hạn chế điều kiện học trực tuyến hoặc những trường hợp bị lỗi mạng, nghẽn mạng, xây dựng ma trận đề. Nội dung kiểm tra được đảm bảo đúng quy định, không kiểm tra vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình; không kiểm tra những nội dung giảm tải, hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; bài thực hành, thí nghiệm.

Nhìn chung, các trường đều có hình thức kiểm tra linh hoạt, nội dung đi vào trọng tâm, tổ chức ôn tập kỹ cho học sinh theo đề cương. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng triển khai cho học sinh làm bài kiểm tra thử để các em làm quen lại một lần nữa với cách thức làm bài; đồng thời cũng giúp nhà trường chủ động có phương án xử lý với các sự cố có thể xảy ra.

Các khối “đặc thù” kiểm tra thế nào?

Ngoài 2 khối cuối cấp là lớp 9 và lớp 12, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 cũng có những điểm được các nhà trường đặc biệt lưu ý trong kiểm tra, đánh giá học kỳ 1.

Cụ thể, từ ngày 8/11, học sinh lớp 9 huyện Ba Vì được đi học trực tiếp. Từ ngày 22/11, học sinh lớp 9 các huyện, thị xã khác đến trường và từ 6/12, học sinh lớp 12 ở các địa bàn vùng xanh được đến lớp học trực tiếp theo hình thức luân phiên. Nắm bắt cơ hội đó, hình thức kiểm tra học kỳ trực tiếp cũng được các trường thực hiện với học sinh lớp 9 và lớp 12, đảm bảo phù hợp với tình hình dạy- học thực tiễn.

 Với các trường tổ chức kiểm tra trực tiếp cho khối 9 và 12, ngoài thực hiện đúng quy định về kiểm tra, đánh giá, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch

Với các trường tổ chức kiểm tra trực tiếp cho khối 9 và 12, ngoài thực hiện đúng quy định về kiểm tra, đánh giá, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch

“Lớp 9 của trường được đến lớp học trực tiếp từ 22/11. Từ đó đến nay, cả thầy và trò đều tích cực tận dụng “thời cơ vàng” để học kiến thức mới, củng cố kiến thức cũ; cốt yếu giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của chương trình. Việc học và ôn trực tiếp rất thuận lợi; thầy cô có thể dễ dàng nhận định mức độ tiếp thu của từng đối tượng học sinh; từ đó có ôn luyện tập trung vào nội dung các em còn thiếu hụt”- Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, (huyện Gia Lâm) Vũ Thị Lan Anh cho biết.

Chương trình GDPT 2018 với lớp 6 có các môn tích hợp gồm: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử- Địa lý và Nghệ thuật, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn đề thi đảm bảo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra.

“Riêng với học sinh khối 1, khối 2, trường tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh về hình thức, thời gian kiểm tra, sau đó báo cáo phòng GD&ĐT xin chỉ đạo. Trước mắt nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh trong công tác phối hợp với nhà trường để các con làm bài kiểm tra trong điều kiện tốt nhất. Với khối 1, hiện nhà trường vẫn bố trí thời gian học buổi tối để cha mẹ, người thân kèm cặp. Sau 3 tháng học trực tuyến, các con đều đã quen với thao tác trên máy tính nên dù kiểm tra theo hình thức nào thì học sinh cũng sẽ tự tin trên cơ sở hướng dẫn của cha mẹ và giáo viên chủ nhiệm về cách thức làm bài”- Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Quất Nguyễn Thị Phượng cho hay.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, các nhà trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị và văn bản hướng dẫn của Sở. Đối với học sinh lớp 1, cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để có biện pháp hỗ trợ tối đa, không gây áp lực cho các em. Nếu tổ chức kiểm tra trực tuyến, các nhà trường cần rà soát thiết bị học tập của học sinh. Còn với các thức kiểm tra trực tiếp, các đơn vị phải thực hiện đúng quy định về kiểm tra, đánh giá và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nam Du

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hinh-thuc-va-noi-dung-kiem-tra-hoc-ky-1-khong-gay-ap-luc-cho-hoc-sinh-444555.html