Hình tượng 'ông Hổ' trong đình, miếu Tây Ninh

Sách Đình Nam bộ xưa và nay của Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (Nxb Đồng Nai, năm 1999) có mục viết về Sơn Quân, còn gọi là thần Hổ. Đấy là: 'Đất Nam bộ vốn là rừng rậm có nhiều thú dữ, trong số đó có chúa sơn lâm thường hay gây hại cho mọi người. Do đó, tín ngưỡng thờ phượng thần Hổ nhằm mục đích tạo niềm tin cho người đi khai hoang…'.

Hổ ở tấm bình phong đình Phước Trạch

Đất Tây Ninh lại từng có rừng già Quang Hóa mênh mông bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ, nay là các huyện Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên… là nơi chúa sơn lâm sinh sống. Sách Đại Nam thực lục chép: “Rừng Quang Hóa gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm".

Dấu ấn về tục thờ hổ còn khá nhiều tại các đình miếu dân gian. Ở các ngôi miếu, thường có gắn nhiều tượng hổ. Còn tại các ngôi đình, thường có vẽ hình hay đắp nổi dạng phù điêu hình tượng hổ, ngay sau tấm bình phong mà phía trước có bàn thờ thần Nông. Thần ở đây thực chất là tiên Nông, là ông thầy dạy dân cày cấy đời trước, cũng là thần nông nghiệp.

Hình tượng hổ ở các đình miếu Tây Ninh, mỗi nơi mỗi khác, nhưng đều rất sinh động và đa dạng theo trí tưởng tượng của các nghệ sĩ nông dân. Ở đình Long Chữ, hổ cho ta một cảm giác như trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Đôi mắt hổ buồn một nỗi thẳm sâu như thể nhớ rừng. Hổ lại dữ dằn múa vuốt, nhe nanh như ở tấm bình phong đình Phước Trạch. Ở đây, còn có một thần hổ nữa được vẽ ngay ở mặt tiền đình. Thần này là hổ trắng trong dáng điệu hiền lành, ung dung bước.

Phần lớn các bức tranh, phù điêu vẽ hổ ở các ngôi đình còn lại đều miêu tả hổ trong dáng vẻ khi thì dạo chơi dưới bóng tùng (đình trung Cẩm Giang); lúc lại nằm xoài trên bãi cỏ, mắt mở to nhìn ngơ ngác (đình Cẩm An). Có ông hổ lại như một người già, nheo mắt nhìn xa ngái phía sông trôi (đình Trường Tây).

Thành công nhất, có lẽ là hai bức phù điêu ở đình Thạnh Đức và đình Thái Bình. Bình phong bàn thờ thần Nông đình Thạnh Đức là nguyên khối đá xanh (granite), kích thước 1 x 1,2m, mặt ngoài là tạc phù điêu hình ông hổ dưới cây tùng. “Ông” hiền lành như một chú mèo con, mắt tròn ngơ ngác. Cái đuôi quẫy lên tạo một bố cục đẹp. Các đường nét họa hình được cách điệu cao, với 2 màu sắc đen, vàng. Phù điêu hổ ở đình Thái Bình chỉ đắp bằng xi măng, ốp các mảnh gốm sứ một màu men nâu vàng nhưng cũng được tạo hình đẹp trong một bố cục chặt chẽ. Để tạo được một “ông Hổ” vừa hiên ngang vừa giản dị, lột tả được đúng chân dung chúa sơn lâm một thời oanh liệt chưa xa.

Năm Nhâm Dần vừa tới. Nhìn lại các hình tượng hổ, cũng coi như một nén tâm hương tưởng nhớ các nghệ sĩ dân gian. Họ đã tạo nên các hình tượng nghệ thuật của một thời khai hoang mở đất. Những “ông Hổ” vẫn sắc sảo và sống động, dù thời gian và mưa nắng quá trăm năm.

NGUYỄN

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hinh-tuong-ong-ho-trong-dinh-mieu-tay-ninh-a141838.html