Hitler từng muốn ám sát lãnh tụ phe Đồng Minh

Adofl Hitler đã cử một đội lính SS bí mật lặn lội tiến về hội nghị thượng đỉnh tại Tehran để sẵn sàng chờ cơ hội ám sát 'Ba ông lớn'. Phần gay cấn của cuộc chiến giữa các điệp viên ở Tehran không thua kém gì những cảnh diễn ra trong bộ phim 'Tehran-1943'.

Ngày 28 tháng 11 năm 1943, ba vị nguyên thủ của Mỹ, Anh và Liên Xô đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Tehran, thủ đô của Iran và đưa ra “Tuyên bố Tehran” nổi tiếng thế giới.

Ngoài “Tuyên bố Tehran” ra thế giới không biết những gì đã xảy ra ở Tehran năm đó, nhưng gần đây các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ rằng hai tháng trước khi “Ba ông lớn” gặp nhau, Hitler đã nhận được thông tin chính xác từ điệp viên “Chuột chũi” được cài trong Đại sứ quán Anh ở Ankara.

Adofl Hitler đã cử một đội lính SS bí mật lặn lội tiến về Tehran để sẵn sàng chờ cơ hội ám sát “Ba ông lớn”. Phần gay cấn của cuộc chiến giữa các điệp viên ở Tehran không thua kém gì những cảnh diễn ra trong bộ phim “Tehran-1943”.

“Chuột chũi” gửi một bức điện mật vào đêm khuya

Một ngày tháng 9 năm 1943, Tướng Friedrich Kanaris, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Đức Quốc xã nhận được một bức điện mật từ thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ gửi về.

Mặc dù đã rất khuya nhưng Tướng Kanaris vẫn thấy cần phải báo tin tức quan trọng của bức điện cho Hitler, quốc trưởng Đức Quốc xã ngay lập tức. Đây là bức điện bí mật được gửi bởi “Chuột chũi” được cài trong Đại sứ quán Anh ở Ankara, một điệp viên kép có mật danh “Cicero”.

Hitler.

Hitler.

Nội dung bức điện chỉ vẻn vẹn có một dòng: “Ngày 29 tháng 11, Stalin, Roosevelt và Churchill sẽ có một cuộc họp bí mật tại Tehran, thủ đô của Iran”.

Điều gì đã xảy ra ở thủ đô Tehran của Iran trong những ngày tới? Ngoại trừ “Tuyên bố Tehran” nổi tiếng của “Ba ông lớn” gồm Mỹ, Anh và Liên Xô đưa ra, không có nhiều thông tin về cuộc gặp bí mật này.

Tuy nhiên, ông Maxim Baranov, một quan chức của Đại sứ quán Nga tại Tehran đã nói với các phóng viên rằng khi Hitler nhận được bức điện mật của “Chuột chũi”, ông ta đã ngay lập tức sắp xếp một kế hoạch để ám sát “Ba ông lớn”. Cuộc chiến gián điệp giữa Mỹ, Xô, Anh và Đức cũng khốc liệt và đẫm máu như được mô tả trong bộ phim “Tehran-1943”. Ông Baranov đã đưa các phóng viên đến thăm tòa nhà của Đại sứ quán Nga tại Iran và chỉ cho họ biết một trong những căn phòng là nơi “Ba ông lớn” đã gặp nhau.

Gián điệp Đức Quốc xã lũ lượt đột nhập vào Tehran

Theo các nguồn tin, sau khi biết được thông tin do “Chuột chũi” cung cấp, Hitler đã ngay lập tức giao cho trưởng nhóm phá hoại SS thân tín của mình là Otto Skolceni phụ trách vụ ám sát ở Tehran. Lúc bấy giờ Skolceni là một nhân vật huyền thoại ở Đức, mùa hè năm 1943 hắn nổi tiếng khi dẫn một đội lính dù giải cứu thành công nhà độc tài Ý Mussolini bị bắt và đưa ông ta đến gặp Hitler.

Sau khi nhận được lệnh của cấp trên, Skolzeni lập tức cử hai đội phá hoại SS đến Iran để thực hiện nhiệm vụ ám sát “Ba ông lớn”.

Kế hoạch ám sát này được gọi là “Hành động nhảy xa”: Một đội cảm tử của Đức Quốc xã xâm nhập vào khu vực của bộ tộc Kasikeskie thân Đức ở Iran bằng đường không; một đội cảm tử khác cải trang thành các thương nhân buôn trà xâm nhập vào Iran từ phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi đến Tehran, các đội viên của đội cảm tử Đức Quốc xã ẩn náu trong một số biệt thự ở ngoại ô Tehran và gửi thông tin chi tiết về các hoạt động của họ ở Tehran tới Berlin qua vô tuyến điện.

Sau khi xâm nhập được vào Iran, các điệp viên của Đức Quốc xã đều cải trang thành người dân địa phương, mặc áo choàng và trùm đầu bằng khăn Ảrập truyền thống. Một số thậm chí có thể nói thông thạo tiếng Ba Tư và tiếng Ảrập. Mục đích là làm nổ tung Đại sứ quán Liên Xô.

Âm mưu mua chuộc linh mục bị lộ

Theo lời khai của một điệp viên Đức Quốc xã bị cơ quan tình báo Liên Xô bắt vào năm đó: “Biệt đội Đức Quốc xã” ban đầu dự định bí mật lẻn vào Đại sứ quán Liên Xô theo các cống rãnh thoát nước để thực hiện các vụ ám sát và phá hoại nhưng khi đến hiện trường, họ phát hiện ra rằng các cửa cống rãnh của một số Đại sứ quán cũng được binh lính bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Nguyên soái Stalin.

Nguyên soái Stalin.

Kế này không được thì nghĩ kế khác, gián điệp Đức Quốc xã đã nghĩ ra kế hoạch mua chuộc một mục sư lớn tuổi thường xuyên lui tới Đại sứ quán Liên Xô để ban đêm vào đó chôn 5 tấn thuốc nổ dưới tòa nhà đại sứ quán.

Theo nhà sử học Mohamed Yakmati của Iran thì vị linh mục lớn tuổi này là người từ thời Sa hoàng Nga, điệp viên Đức Quốc xã biết rằng ông không thích chính quyền Stalin nên đã đưa ra mức giá 50.000 bảng Anh nhằm mua chuộc ông, 50.000 bảng Anh là một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó, đủ để một người sống thoải mái cả đời.

Điều mà các điệp viên Đức Quốc xã không ngờ là mặc dù vị linh mục này không ưa gì Stalin nhưng khi biết được âm mưu của Đức Quốc xã, ông đã đến Đại sứ quán Liên Xô nói rõ mọi chuyện. Hai gián điệp của Đức Quốc xã đã bị bắt ngay lập tức và vài ngày sau “họ bị các vệ sĩ Liên Xô bắn chết khi đang cố gắng trốn thoát”. Các tài liệu liên quan đến vụ việc này vẫn chưa được giải mã.

Cuộc phục kích xe của Tổng thống Roosevelt bị thất bại

Đại sứ quán Anh tại Tehran nằm gần Đại sứ quán Liên Xô, còn Đại sứ quán Mỹ cách đó vài km. Trước cuộc họp “Ba ông lớn” vài ngày, dù nhiều điệp viên Đức Quốc xã lần lượt bị bắt nhưng vẫn có một số “con cá lọt lưới” tiếp tục tham gia vào các hoạt động ám sát bí mật.

Nguyên soái Stalin, Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill gặp nhau tại Tehran Iran ngày 28 tháng 11 năm 1943.

Nguyên soái Stalin, Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill gặp nhau tại Tehran Iran ngày 28 tháng 11 năm 1943.

Một nhóm gián điệp của Đức Quốc xã đã chọn địa điểm bắn tốt nhất trên con đường duy nhất từ Đại sứ quán Anh đến Đại sứ quán Liên Xô là mai phục chờ đoàn xe của Tổng thống Mỹ Roosevelt đi ngang qua.

Kế hoạch đưa ra đầu tiên là một nhóm bắn thủng lốp xe để một nhóm khác dùng súng máy bắn vào xe của ông Roosevelt. Các điệp viên của Đức Quốc xã thậm chí còn “dự đoán” thời gian cần thiết để ám sát Tổng thống Mỹ Roosevelt là 5 phút 9 giây nhưng điều bọn chúng không ngờ là ông Roosevelt đã không cho chúng cơ hội như vậy, sau khi thăm Đại sứ quán Liên Xô ông đã ở lại đó không trở về sứ quán Mỹ.

Các điệp viên Đức Quốc xã lại chuyển mục tiêu vào Thủ tướng Anh Churchill nhưng cũng không tìm được cơ hội.

Chiếc máy bay chở thuốc nổ đến Tehran quá muộn

Theo các nguồn tin, hầu hết các điệp viên Đức Quốc xã xâm nhập được vào Tehran đều bị bắt hoặc bị giết bởi các đặc vụ của Đồng minh.

Ông Alex Schmitt, người làm việc cho phái đoàn thương mại Đức tại Istanbul kể lại rằng để có thể ám sát “Ba ông lớn” ở Tehran, lực lượng SS của Đức Quốc xã đã lên kế hoạch sử dụng những thủ đoạn không thể tưởng tượng được.

Khi tổng chỉ huy Skolceni của “Chiến dịch nhảy xa” thấy rằng tất cả các điệp viên SS được cử đến Tehran đều bị bắt, ông ta nảy ra ý định đánh bom Đại sứ quán Liên Xô bằng một chiếc máy bay hạng nhẹ chở đầy chất nổ.

Skolceni dễ dàng tìm được một phi công Đức Quốc xã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ “cảm tử” này nhưng viên phi công này rõ ràng đã quá thất vọng đối với nguyên thủ Quốc gia và không biết vì sao lại “bỏ lỡ” thời gian lên đường, khi máy bay đến nơi thì đã là đầu tháng 12, lúc này tất cả các cuộc họp đã kết thúc và “Ba ông lớn” đã rời Tehran về nước.

Hồ sơ tuyệt mật còn chưa được công khai

Theo các nguồn tin, mặc dù các điệp viên của Mỹ, Anh, Liên Xô và Đức đã phát động cuộc chiến gián điệp sinh tử đẫm máu ở Iran vào thời điểm đó nhưng vị vua trẻ của Iran lại có thiện cảm với Hitler, đây là một trong những lý do mà các gián điệp Đức Quốc xã có thể dễ dàng vào được Tehran.

Tuy nhiên, trước cuộc gặp mặt của “Ba ông lớn”, các Đại sứ Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và các nước đồng minh khác đã có một cuộc gặp bí mật với vị vua trong cung điện của Quốc vương Iran và gửi cho ông ta một tín hiệu rất rõ ràng: Nếu có bất cứ điều gì bất trắc trong cuộc họp của “Ba ông lớn” thì Hoàng gia Iran lập tức bị phế truất và Iran sẽ trở thành một nước cộng hòa. Sau khi nghe được lời cảnh báo này, nhà vua Iran ngay lập tức cắt đứt mọi quan hệ với Berlin.

Trên thực tế, có bao nhiêu điệp viên Đức đã hoạt động ở Tehran trong thời gian “Ba ông lớn” gặp nhau vẫn còn là một bí ẩn. Cơ quan tình báo Liên Xô cũ ước tính rằng con số này là khoảng 1.000. Tình tiết về cuộc chiến gián điệp đẫm máu ở Tehran có thể sẽ trở thành bí mật muôn thuở bởi cho đến nay ngay cả các nhà sử học cũng không biết nhiều về những gì đã xảy ra ở thủ đô Iran năm đó.

Cơ quan lưu trữ Quốc gia Vương quốc Anh sẽ không thể tiết lộ các tài liệu lưu trữ bí mật của “Tuyên bố Tehran” theo quy định của pháp luật, nói một cách khác, sự thật của cuộc chiến gián điệp Tehran cuối cùng cũng sẽ lộ diện và mọi người sẽ phải chờ đợi.

Hội nghị Tehran

Từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 1943, ba vị nguyên thủ của chính phủ Liên Xô, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã tổ chức một cuộc họp Quốc tế tại Tehran, thủ đô của Iran. Những người tham gia có Stalin, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, Tổng thống Roosevelt của Hoa Kỳ và Thủ tướng Churchill của Vương quốc Anh cùng với các Bộ trưởng ngoại giao và chuyên gia tư vấn.

Nguyên soái Stalin, Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill gặp nhau tại Yalta Nga ngày mùng 9 tháng 2 năm 1945.

Nguyên soái Stalin, Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill gặp nhau tại Yalta Nga ngày mùng 9 tháng 2 năm 1945.

Hội nghị bí mật đã ký “Thỏa thuận chung về Tehran của ba nước Liên Xô, Mỹ và Anh” đồng thời đưa ra “Tuyên bố Tehran” sau cuộc hội nghị. “Tuyên bố Tehran” tuyên bố rằng ba nước quyết tâm hợp tác trong chiến tranh và hòa bình sau chiến tranh, ba nước đã đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh về quy mô và thời gian của các hoạt động quân sự từ phía đông, tây và nam trong cuộc chiến chống phát xít,

Hội nghị Tehran là một hội nghị Quốc tế vô cùng quan trọng trong lịch sử thế chiến thứ II, nó có vai trò và ảnh hưởng to lớn trong cuộc chiến chống phát xít. Đây là biểu tượng quan trọng của sự đoàn kết và sức mạnh của liên minh chống phát xít và là nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của Thế chiến thứ II.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/hitler-tung-muon-am-sat-lanh-tu-phe-dong-minh-614298/