Hiu hắt quê hương của cõi lòng...

Ta dù khinh bạc cuộc đời đến mấy, thì những ngày cận Tết như thế này vẫn bị lay động. Ta không nhà, không gia đình thì lẽ ra ta cứ an nhiên. Nhưng không, ta là con người chứ nào phải thú hoang trong rừng. Mà con thú cũng còn nhớ hang, con chim còn nhớ tổ mỗi khi rừng thay lá, đổi mùa, mưa tuôn, nắng hắt. Huống hồ là ta.

Hỡi những kẻ sống kiếp giang hồ kiêu bạc, đừng bảo ta chỉ biết trời đất, vũ trụ, sông hồ... Đô thị lớn Sài Gòn những ngày áp Tết đang như thành phố “bỏ hoang” bởi những dòng người mưu sinh đã quay về quê quán để đoàn viên. Các người ở lại và tự hào kiêu hãnh đi, cả thành phố dành cả cho các người đó. Tha hồ ru rú trong các gian phòng, gác xép, căn hộ hoặc độc diễn trên các đường phố, trong các hàng quán trống không...

Ở phố núi đây, bao mùa rồi, cứ đến độ thế này, ta thấy mình rất chơi vơi. Đà Lạt trữ tình và thơ mộng thì lúc này nó còn trữ tình và thơ mộng hơn. Mà khi thơ mộng hơn nữa thì ta thấy mình hình như quá sức chịu đựng. Sự thơ mộng bỗng dưng thành tàn bạo. Sự thơ mộng bỗng dưng thành “kẻ thù”.

Sự kiêu bạc cũng cần phải có đám đông thì nó mới có “đất” sống để kiêu bạc. Mà càng giang hồ thì càng mong manh, bởi giang hồ là “người đi qua nhiều sông núi”; là kẻ có trái tim nhạy cảm trước đất trời, mùa màng, tiết khí. Ta đã cày nát các quán cà phê ở phố núi. Quán càng thâm niên lại càng thậm mùi ký ức. Ký ức càng dày nội tâm quán và nội tâm khách thì càng tầng chất những hoang vu.

Quán rượu thì không đủ để uống bởi chủ các quán rượu cũng lo về “hang” và vì không đủ lãi để phục vụ mỗi một khách độc thân. Uống giữa rừng thông thì càng mênh mông quá. Ôm đờn hát một mình thì không đủ nhạc cho một trái tim đang đầy gió lộng. Hát làm sao đây khi “Người đi một mình đồi núi nghiêng xuống/ Người đi một mình vực sâu gọi tên”(*).

Nên ta cộng ấm với đống lửa của mấy ngài chạy xe ôm ở ngã ba Trại Hầm, mấy bác xà ích ở hồ Xuân Hương những đêm như thế. Ta đốt hoang vu bằng chuyện bao giờ xứ Đà Lạt hết sương, cái linga loài ngựa sao vô địch các giống loài, chuyện tương lai của vũ trụ, chuyện Mỹ - Tàu và Nga ai sẽ lãnh đạo nhân loại nay mai. Ta nướng những câu thơ của Lâm Anh: “Vào những buổi lòng người như quán trọ/ Áo chàm phơi cũng sợ nắng cường toan/ Ta cắm trong lòng một bông hoa vạn thọ/ Để tin rằng mình đang ở quê hương” như đang nướng thời gian và tuổi người.

*

Cảm giác “thiếu quê hương” là những lúc thế này dù “quê hương vật chất” vẫn ở đây, vẫn ở đó, vẫn ở kia... Mà sao không muốn về. Cái tâm trí con người có gì đó diệu kỳ, đang ở giữa con người mà cảm giác như “không có người”, đang giữa tiệc tùng mà cũng thấy đói thiếu, đang ở hội hè mà cũng thấy lẻ loi, đang ở quê hương mà như không có quê hương để về...

Người là loài động vật yếu đuối nhất mà. Hay là khi trở về với cái chính mình, cái bên trong, thì sự chơi vơi sẽ trỗi lên. Bởi thấy tới cùng thì hạnh phúc là cái bẫy của bất hạnh; niềm vui là cái bẫy của nỗi buồn; mùa Xuân là cái bẫy của mùa Đông; đám đông là cái bẫy của cái riêng tư...

Hãy làm kẻ độc thân đi, để cảm nhận tràn đầy về cái “cõi hồn” trong mình, trong tư cách một sinh vật giữa muôn loài. Chạy trốn nó là đang sợ hãi khi phải cần tìm nơi nương tựa. Nó phải đủ chênh vênh mới thấy cái “ta là ai” trong tấm thân và tâm hồn bé bỏng xuất hiện một số năm trên đời rồi đều chung cuộc (“ra đi”).

Vợ cũng không thấu hết cái bên trong của chồng. Chồng cũng không thấu hết cái bên trong của vợ. Và con cái cũng thế. Mỗi “ta” là một “tiểu vũ trụ”, và cái “riêng” chiếm chín phần mười cái tưởng như “chung”. Thoát xác ra, ai mà chẳng có hồi giật mình: “ta là ai?”, “ta đang ở đâu?”. Là ắt thấy nỗi cô đơn, thấy thiếu “quê hương”. Cái “riêng”, cái ngã, cái bản thể, ấy là “quê hương” đó. Tâm hồn của mỗi người chính là “quê hương” của họ; cái “quê hương” thật nhất, đậm đà, da diết nhất...

*

Vì sao con người hay “tám chuyện”? Đơn giản vì con người không chịu được sự lẻ loi. Con người cần tương tác, tiếp khí, tiếp hơi, tiếp năng lượng, tiếp dòng sống. Khi tương tác nhiều, con người hay quên tâm hồn mình, cõi riêng, nội tâm. Con người từ đó thành loài nhiều chuyện nhất.

Người là loài sống tính bầy đàn cao nhất, và cần bầy đàn. Những tiếng thét gào trong cõi tâm ấy chỉ khi “một mình”, đối diện với chính mình thì mình mới nhận ra. Trang Facebook của bạn không ai xem, comment, bạn sẽ biết mùi. Điện thoại của bạn suốt một tuần không ai nhắn tin, gọi, bạn sẽ biết mùi. Khi bạn nằm trong bệnh viện một mình không ai chăm sóc, bạn sẽ thấm đòn cô đơn. Thử giữa Tết thế này đi, mà không có bầy đàn, người thân, bạn hữu, tiệc tùng, hội hè, rượu bia, quần áo và những chuyến “phượt” thì bạn sẽ biết thân, biết phận!

Tiết Tết, mùa Xuân, ta dám chắc là cái mùa khắc nghiệt nhất của cái “tôi”, phần “hồn”, cõi lòng. Thấy người ta sum vầy bạn sẽ thèm. Càng sum vầy bạn càng thấy cần “cõi riêng”, “nhớ mình”. Cái mùa của ý giác. Cái mùa của phản tư. Cái mùa của tỉnh thức. Cái mùa bất cứ tâm hồn nào máu lạnh đến mấy cũng trở nên mong manh, hay đang thiền hành thế nào cũng có khắc lao xao.

Như đã nói, kể cả đám độc thân, lữ thứ, giang hồ. Cái thời khắc giữa đất trời mà người ta hay chúc riêng nhau là vì vậy. Là người ta đang vì cái “quê hương” riêng bên trong của kẻ đó đấy.

Con người ta yêu bản thân mình nhất, là vì cái “quê hương”, cái phần “cõi hồn” trong xác thân vật lý của họ. Vì yêu cái quê hương đó, mà họ phải yêu cái “quê hương vật chất”- không gian sống, cái cần để “quê hương cõi lòng” mình tồn tại; cộng với một phần trách nhiệm cho những người máu mủ, thân yêu, cộng đồng, cùng vạn vật, ký ức, kỷ niệm gắn bó xung quanh. Quyết liệt bảo vệ quê hương vật chất - không gian sinh tồn, là đang bảo vệ “quê hương” linh hồn của mình.

*

Ta lấy ta để “thử nghiệm” mình.

Kinh khiếp lắm!

May mà ta ở núi, va vào rừng thông và sự thơ mộng. Chứ những kẻ độc thân ở Sài Gòn chắc va vào... bê tông. Nên những kẻ chuẩn bị thành giang hồ, chọn đường độc thân, ta khuyên nên đi tìm “hang”, thiết lập một gia đình, cần có hang (nhà) và cần “tám chuyện”. Chơi trò “hành xác”, “hành tâm” không phải là thông minh.

Thi thoảng có năm ba người là được rồi, cho đời thêm sắc màu, mùi vị. Cõi ta bà phải là tùm lum thế, cõi dục phàm là phải bề bộn, mới vui, cho dù vui là đang chuẩn bị cho buồn, tưng bừng là đang chuẩn bị cho quạnh quẽ, trống vắng. Nên làm người chớ dại mà tuyên bố: “Ta không phải kẻ cô đơn”. Và nhớ tránh làm điều xấu, ác, tham tàn, nhẫn tâm, thất đức ngay hiện tại đi, bởi nó sẽ “đánh” bạn tơi tả vì sự dằn vặt ngàn tấn khi cô đơn bên trong trở về hoặc ray rứt lúc cuối đời đó.

Làm Người, là vinh dự, bởi tính thượng đẳng của một loài. Loài thượng đẳng là loài nhiều đau khổ nhất, vì của hồi môn của thượng đẳng là sự phức tạp trong những nhu cầu, mà tâm hồn và tinh thần là món nợ tạo hóa. Các loài khác chỉ cần thân xác, chăm lo cái vỏ thân sinh học và vật lý.

Thân phận con người, và “quê hương” của họ hiu hắt như một câu thơ...

Nguyễn Hàng Tình

___________

(*) Ca từ của Trịnh Công Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hiu-hat-que-huong-cua-coi-long-22249.html