HLV Kiatisak sẽ biến Công Phượng thành tiền đạo hay nhất V-League?
Dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak, Công Phượng hứa hẹn có mùa giải 2021 bùng nổ nhất sự nghiệp.
Khi mùa giải 2020 vừa khép lại, CLB TP.HCM đã ngồi vào bàn đàm phán với bầu Đức. Đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng muốn gia hạn thời gian mượn Nguyễn Công Phượng thêm một năm, nhưng bầu Đức từ chối. Tiền đạo sinh năm 1995 phải trở về.
Lời đề nghị của CLB TP.HCM cho thấy sự trân trọng dành cho đóng góp của Công Phượng. Ở chiều ngược lại, bầu Đức dứt khoát mang "con cưng" trở về để HAGL đá một mùa giải ra trò dưới sự dẫn dắt của Kiatisak Senamuang. Giá trị của Công Phượng đã ghi nhận. Được Kiatisak rèn giũa, tiền đạo xứ Nghệ sẽ thăng hoa?
Đẳng cấp của Công Phượng
Ở V-League 2020, Công Phượng ghi 6 bàn, kiến tạo 3 lần trong 12 trận ra sân cho CLB TP.HCM. Trung bình cứ 100 phút, cầu thủ sinh năm 1995 lại đặt dấu giầy vào 1 bàn thắng của đội nhà (ghi bàn hoặc kiến tạo).
Đó là hiệu suất đáng nể, nếu xét trên hai yếu tố: Công Phượng đá mùa đầu cho CLB TP.HCM, và đội bóng này liên tục thay đổi nhân sự tấn công. HLV Chung Hae Seong đã sử dụng luân phiên 8 tiền đạo ngoại tính từ tháng 1 đến tháng 10/2020, nhưng vị trí của Công Phượng và bất khả xâm phạm.
Công Phượng là một trong ba tiền đạo ngoại được HLV Park Hang Seo ca ngợi là giỏi nhất Việt Nam hiện nay, bên cạnh Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh.
Xét về tầm ảnh hưởng, Công Phượng còn ấn tượng hơn hai người đàn em rất nhiều. Thống kê cho thấy hết lượt đi mùa trước, CLB TP.HCM không thể thắng ở những trận Công Phượng không ghi bàn.
Video: Công Phượng đột phá ghi bàn vào lưới Nam Định
Khi tiền đạo này vắng mặt 6/7 trận lượt về vì chấn thương ngón chân, CLB TP.HCM chỉ thắng hai lần, trước HAGL và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Ở V-League, Công Phượng là tiền đạo nội hiếm hoi không bị lu mờ bởi các chân sút ngoại. Giai đoạn ba tháng đầu mùa, cầu thủ gốc Đô Lương còn kết hợp ăn ý với Amido Balde để tạo thành bộ đôi tấn công giúp CLB TP.HCM đứng nhóm đầu bảng xếp hạng.
Hiệu suất 0,5 bàn/trận của Công Phượng tốt hơn nhiều so với Tiến Linh (0,28 bàn/trận), Đức Chinh (0,29 bàn/trận) hay Nguyễn Văn Quyết (0,25 bàn/trận).
Tất nhiên, bàn thắng không nói lên tất cả. Dù trung bình 4 trận mới ghi 1 bàn, Văn Quyết vẫn đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất V-League. Cầu thủ có rất nhiều cách để tạo dấu ấn lên lối chơi, nhưng không thể phủ nhận, việc Công Phượng ghi bàn đều đặn cho thấy tiền đạo này ngày càng sắc bén.
Mùa giải 2018, một năm trước khi xuất ngoại sang Incheon United, Công Phượng ghi 12 bàn sau 24 trận, chỉ về sau Tiến Linh ở trên bảng xếp hạng thành tích vua phá lưới nội. Hai mùa giải thi đấu gần nhất ở V-League, Công Phượng có tổng cộng 18 bàn sau 36 trận. Không tiền đạo Việt Nam nào sở hữu con số tốt hơn.
Kiatisak giúp Công Phượng thăng hoa?
Càng đáng ngợi khen hơn cho Công Phượng, khi cầu thủ này tỏa sáng dù CLB TP.HCM không có hàng tiền vệ mạnh. Không ít trong số các bàn thắng của tiền đạo xứ Nghệ đến theo dạng "tự làm tự ăn", đơn cử như những pha solo thành bàn vào lưới CLB Viettel (CLB TP.HCM thắng 3-0) hay Nam Định (CLB TP.HCM thắng 5-1).
Ngoài việc chịu khó dứt điểm, quyết đoán hơn trong vòng cấm, Công Phượng vẫn giữ được chất kỹ thuật và ngẫu hứng trong lối chơi. Tính nghệ sỹ của cầu thủ này, khi được huấn luyện bởi một chiến lược gia cũng từng chơi bóng nghệ sỹ như Kiatisak, sẽ tạo nên sự cộng hưởng đáng chờ đợi.
HLV Kiatisak cũng có duyên khi huấn luyện các cầu thủ tấn công, điển hình là trường hợp của Teerasil Dangda hay Chanathip Songkrasin.
Kiatisak không phải người nhào nặn nên Dangda, chân sút ra mắt ĐTQG vào năm 2007 dưới thời HLV Charnwit Polcheewin, nhưng ông tạo ra bệ phóng tốt, với điểm tựa là hàng tiền vệ sáng tạo, để Dangda có kỳ AFF Cup 2016 rực rỡ với 6 bàn thắng (giành ngôi vị vua phá lưới).
Hai năm cuối dưới thời Kiatisak, Dangda ghi 13 bàn, trở thành mũi công lợi hại của Thái Lan, dù trước đó tiền đạo này đóng góp hạn chế do thi đấu ở Tây Ban Nha trong màu áo Almeria.
Trong khi đó, Chanathip Songkrasin cũng trưởng thành vượt bậc dưới sự dẫn dắt của "Zico Thái" khi được giao vai trò sáng tạo ở hàng tiền vệ. Sau bốn năm được Kiatisak huấn luyện, Chanathip sang Nhật Bản đá cho Consadole Sapporo và lọt vào đội hình tiêu biểu.
Một tiền đạo "chân gỗ" của Thái Lan là Siroch Chatthong cũng được Kiatisak sử dụng hợp lý, khi chân sút này ghi 3 bàn tại AFF Cup 2016, thi đấu đặc biệt ấn tượng ở vai trò tiền đạo làm tường. Sau khi Kiatisak rời đi, Dangda chỉ ghi 5 bàn trong 3 năm, còn Chatthong không có thêm pha lập công nào.
Thái Lan của Kiatisak ghi 29 bàn trong 12 trận tại hai kỳ AFF Cup mà họ lên ngôi vô địch, trung bình 2,4 bàn/trận. Tại SEA Games, Thái Lan ghi 34 bàn trong hai năm giành huy chương vàng sau 13 trận, trung bình 2,6 bàn/trận.
Nhìn chung, các đội bóng của Kiatisak dẫn dắt luôn có thiên hướng tấn công. Có thể tin "Sắc" sẽ nhào nặn HAGL thi đấu theo phong cách này.
Có thêm cơ hội chạm bóng trong vòng cấm, được dẫn dắt bởi người thầy có tư tưởng phóng khoáng, lại có những kỹ năng dứt điểm được cải thiện và thi đấu cạnh những đồng đội ăn ý như Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường hay Nguyễn Tuấn Anh, Công Phượng đang có bệ phóng tốt hơn so với những tiền đạo nội như Tiến Linh, Đức Chinh hay Hồ Tuấn Tài.
Dù vậy, hạn chế trong cách đá của Công Phượng là tốn bóng, cần được dồn nhiều bóng để thể hiện tầm ảnh hưởng. Cải thiện được điểm yếu và lấy lại cảm giác thi đấu sau bốn tháng điều trị chấn thương, Công Phượng sẽ là mối đe dọa với mọi hàng thủ ở V-League.