HLV Park Hang Seo chọn Văn Lâm hay Tấn Trường bắt chính ở tuyển Việt Nam?
Thủ môn là vị trí giúp HLV Park Hang Seo yên tâm nhất trong 3 năm qua, nhưng hiện tại, các thủ môn tuyển Việt Nam đều gặp vấn đề riêng.
Nếu tuyến hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo đều có đông đảo nhân sự để luân phiên cáng đáng nhiệm vụ, HLV Park Hang Seo sẽ phải lo lắng cho vị trí thủ môn.
Tuyển Việt Nam có nhiều "người gác đền" chất lượng, nhưng cả Bùi Tấn Trường, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Văn Phong hay Nguyễn Văn Toản đều để lại hoài nghi về mức độ tin cậy bởi nhiều lý do khác nhau.
Ở vị trí thủ môn, Văn Phong, Văn Hoàng, Văn Toản đang bắt cho những đội bóng thuộc nhóm cuối. Tấn Trường là thủ môn duy nhất đang bắt cho một đội bóng thuộc nửa trên, nhưng với Hà Nội FC, đứng thứ bảy không khác nào một thất bại.
Chọn những thủ thành của đội bóng đang gặp khó khăn, HLV Park lường trước viễn cảnh những cầu thủ này có thể mang tâm lý trĩu nặng ở CLB lên ĐTQG. Nhưng bù lại, ông nhận lại sự ổn định và đẳng cấp.
Văn Hoàng từng đồng hành với U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018, Văn Toản bắt tại SEA Games 30, Tấn Trường từng được triệu tập ở đợt tập trung tháng 11/2020. Văn Phong là cái tên mới duy nhất, nhưng khả năng bật bãi của thủ môn Sài Gòn FC là rất lớn.
HLV Park Hang Seo tin tưởng những cầu thủ đã quen thuộc với triết lý bóng đá của ông. Ông muốn sự ổn định, đặc biệt ở khâu phòng ngự. Mà trên khía cạnh này, không ai ổn định hơn Văn Lâm.
Thủ môn Việt kiều đã đồng hành của tuyển Việt Nam trong những giải lớn nhất, từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 đến vòng loại World Cup 2022. Anh giữ sạch lưới 10 trận xuyên suốt 3 giải này. Văn Lâm không chỉ là thủ môn giỏi. Anh còn là hiện thân cho sự chắc chắn của tuyến phòng ngự - điểm tựa nâng bước tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup.
Nên nhớ, các học trò của HLV Park Hang Seo chỉ thủng lưới nhiều hơn Nhật Bản. Cũng sau 5 trận ở vòng loại World Cup 2018, tuyển Việt Nam từng thủng lưới tới 7 lần. Từ 7 bàn thua xuống 1, đó là bước tiến khổng lồ của ĐTQG.
Đặc trưng của mọi hệ thống phòng ngự nằm ở tính ổn định, nơi mọi sự xáo trộn nhân sự dù là nhỏ nhất, sẽ dẫn tới hậu quả lớn, đặc biệt ở vị trí thủ môn.
Giá trị của Văn Lâm không chỉ nằm ở phản xạ, khả năng bắt bóng bổng, ra vào - điều chưa chắc Văn Lâm hay hơn Tấn Trường. Văn Lâm đáng tin cậy bởi uy dũng trước cầu môn với kinh nghiệm phong phú và khả năng chỉ huy phòng ngự. Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, Trần Đình Trọng đã quen với sự hiện diện của Lâm "tây" phía sau.
Nhưng, Văn Lâm đang thiếu tiêu chí quan trọng nhất của một thủ môn: cảm giác thi đấu. Trận đấu cuối cùng của thủ môn sinh năm 1993 đã diễn ra vào tháng 11/2020. 6 tháng qua, Văn Lâm chỉ tập chay.
Quá trình tập luyện của anh bị gián đoạn bởi những rắc rối pháp lý liên quan đến Muangthong United. Thời gian này, Văn Lâm chỉ có thể tập ở trung tâm tennis tại Thái Lan.
Sang Cerezo Osaka, Văn Lâm vắng mặt 3 trận liên tiếp. Cuộc so tài với Vissel Kobe, anh không được đăng ký thi đấu. Theo BLV Ngô Quang Tùng, việc ngồi ngoài quá lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các thủ môn.
"Bóng đá là môn thể thao đối kháng, nên cầu thủ phải được thi đấu. Tập luyện chỉ để duy trì, củng cố cho mình thôi, còn thước đo chính xác để đánh giá chất lượng và phong độ phải là thi đấu. Cầu thủ ở vị trí thủ môn, hay bất cứ vị trí nào khác, phải va chạm thực tế thì mới đánh giá được.
Nếu anh chỉ tập luyện, bảo là không cần thi đấu mà khi về đội tuyển quốc gia vẫn có thể bắt tốt, chuyện đó vẫn có thể xảy ra, nhưng chỉ là may mắn thôi. Nguy cơ rủi ro rất cao.
Khi HLV lựa chọn cầu thủ, nếu ông ta chọn một cầu thủ ít khi được thi đấu ở CLB đá chính cho đội tuyển, thì đấy chỉ là quyết định 'cực chẳng đã', hoặc HLV ấy có mối thân tình, ưu ái với cầu thủ", BLV Quang Tùng phân tích.
Tấn Trường là lựa chọn an toàn hơn. Cựu thủ môn Đồng Tháp ra sân 11/12 trận cho Hà Nội FC từ đầu mùa. Tấn Trường cũng có kinh nghiệm khi từng thi đấu tại U19, U23 và tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm trừ của Tấn Trường nằm ở sai lầm quá khứ. Không giống Văn Lâm, tâm lý của Tấn Trường bị đặt dấu hỏi lớn. 10 năm qua, anh không bắt thêm trận nào ở cấp độ quốc tế.
Áp lực của các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 sẽ rất lớn, mà với thủ môn, sai lầm đồng nghĩa với thủng lưới. 7 năm qua, hầu hết thất bại của các ĐTQG và U23 đều có "dấu ấn" thủ môn.
AFF Cup 2014 và 2016, Nguyên Mạnh đều sai lầm ở những trận bán kết lượt về. SEA Games 2017, lỗi ra vào của Phí Minh Long "tiễn" U22 Việt Nam về nhà từ vòng bảng. Giải U23 châu Á 2020, Bùi Tiến Dũng bắt hụt bóng, khiến U23 Việt Nam thua U23 Triều Tiên.
SEA Games 30, giải đấu U22 Việt Nam đoạt huy chương vàng, Tiến Dũng và Văn Toản cũng chia nhau mỗi người một sai lầm đáng trách.
Văn Lâm là thủ môn duy nhất HLV Park đang sở hữu chưa từng mắc sai sót nghiêm trọng nào. Được đào tạo ở Nga (học viện của Spartak và Dynamo Moscow), sau đó tập luyện dưới sự giám sát của các HLV quốc tế tại Muangthong và Cerezo Osaka, Văn Lâm được rèn luyện bản lĩnh và kỹ thuật rất kỹ lưỡng và bài bản.
Ngược lại, khi 100% các HLV thủ môn ở Việt Nam chưa có bằng cấp quốc tế (HLV thủ môn cần có bằng C tối thiểu, tương đương bằng B theo quy chuẩn của FIFA Pro) và huấn luyện chủ yếu theo kiểu lối mòn kinh nghiệm, các thủ môn Việt Nam khó rèn luyện độ lỳ tâm lý cùng kỹ thuật chuẩn chỉ để đứng vững ở các giải lớn.
Đó là lý do Văn Lâm vẫn tạo ra khoảng cách lớn với các thủ môn còn lại. Dù không bắt trong nửa năm qua, nhiều khả năng thủ môn Việt kiều vẫn là lựa chọn số 1.