HLV Shin Tae-yong bị kêu gọi từ chức và nỗi đau của đội tuyển Indonesia

Hành trình của đội tuyển Indonesia tại AFF Cup 2024 chính thức khép lại chỉ sau bốn trận đấu khi đội bóng xứ Vạn đảo thua đau Philippines 0-1 trên sân nhà Manahan trong cuộc quyết đấu khiến HLV Shin Tae-yong bị kêu gọi từ chức.

Bàn thắng duy nhất của Philippines được ghi do công của Bjorn Kristensen từ chấm phạt đền ở phút thứ 63. Thất bại này buộc đội tuyển Indonesia phải dừng bước tại giải đấu. Dưới sự dẫn dắt của HLV Shin Tae-yong, đội tuyển Indonesia kết thúc ở vị trí thứ ba bảng B với 4 điểm.

Hai tấm vé vào bán kết từ bảng đấu này thuộc về Việt Nam (10 điểm) và Philippines (6 điểm). Thất bại lần này gợi nhớ đến ký ức buồn năm 2018 khi đội tuyển Indonesia, dưới sự dẫn dắt của HLV Bima Sakti, cũng phải dừng chân ngay tại vòng bảng sau khi đứng thứ tư. Cũng cần biết sau 15 mùa tổ chức, bóng đá Indonesia chưa từng vô địch AFF Cup bên cạnh sáu lần giành ngôi á quân.

Yếu huyệt của học trò Shin Tae-yong

Sau thất bại mùa này, nhiều ý kiến từ người hâm mộ yêu cầu sa thải Shin Tae-yong. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng không công bằng khi đổ lỗi hoàn toàn cho HLV. Chuyên gia bóng đá quốc gia, ông Aris Budi Sulistyo, nhận định rằng thất bại ở AFF Cup 2024 không chỉ là bài học cho HLV mà còn cho cả các cầu thủ và Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI).

 Đội trưởng Ferrari bị thẻ đỏ trong trận tiếp Philippines khiến chủ nhà Indonesia thua cuộc. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Đội trưởng Ferrari bị thẻ đỏ trong trận tiếp Philippines khiến chủ nhà Indonesia thua cuộc. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

“Đây là bài học không chỉ dành riêng cho HLV, mà còn cho mọi thành phần, từ cầu thủ đến những người làm công tác quản lý”, ông Aris chia sẻ với Bola, “Chúng ta phải nhận thức rằng các đội tuyển khác đã tiến bộ đáng kể khi họ đều có thể đánh bại đội tuyển Indonesia”. Aris cũng chỉ ra rằng các đối thủ đã tận dụng được điểm yếu của đội tuyển Indonesia, vốn sở hữu nhiều cầu thủ trẻ. Điển hình là việc các cầu thủ dễ dàng bị khiêu khích dẫn đến mất bình tĩnh và phải nhận thẻ đỏ.

Theo đó, hai chiếc thẻ đỏ của Marselino Ferdinan trong trận gặp Lào và của Muhammad Ferarri trong trận đấu với Philippines là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu kinh nghiệm và dễ dàng bị cuốn vào cảm xúc. “Lối chơi của đội tuyển Indonesia đã bị các đối thủ bắt bài. Ví dụ, chúng ta dễ dàng bị khiêu khích, mất bình tĩnh, và dẫn đến thẻ đỏ”, Aris nhận xét, “Bên cạnh đó, các bàn thua của đội cũng đến từ việc cầu thủ nóng vội, không giữ được bình tĩnh trong những tình huống quan trọng. Đây là điều rất đáng tiếc”.

Chuyên gia Aris còn nhấn mạnh rằng các cầu thủ nội cần học hỏi nhiều từ các cầu thủ gốc Indonesia trong đội hình, như Maarten Paes, Jay Idzes, Calvin Verdonk, Thom Haye, và Ragnar Oratmangoen. Những cầu thủ này được đánh giá cao về sự chín chắn và bình tĩnh trên sân. “Đây là bài học lớn, không chỉ cho thất bại tại AFF Cup lần này. Thành thật mà nói, các cầu thủ cần học hỏi từ những đồng đội gốc Indonesia, những người đã thể hiện sự điềm tĩnh. Không phải để đổ lỗi, mà là để rút kinh nghiệm”, ông Aris nhấn mạnh.

 Bóng đá Indonesia sa sút khi chỉ hòa Lào 3-3 cũng trên sân nhà. Ảnh: AP.

Bóng đá Indonesia sa sút khi chỉ hòa Lào 3-3 cũng trên sân nhà. Ảnh: AP.

Lỗi thuộc về ai?

HLV Shin Tae-yong đang nhận sự chú ý rất lớn sau thất bại của đội tuyển Indonesia tại AFF Cup 2024, dù thầy trò ông đang góp mặt ở vòng loại thứ ba World Cup 2026. Trong những ngày qua, dư luận Indonesia đang sục sôi trước thất bại của đội tuyển. Đội bóng Garuda đã không thể giành vé vào bán kết, khiến nhiều ý kiến tranh cãi nổ ra về vai trò của HLV Shin Tae-yong.

Tuy nhiên, một thực tế cần được nhìn nhận là đội hình mà Indonesia tham dự giải năm nay không phải là mạnh nhất, với phần lớn cầu thủ dưới 22 tuổi. Về vấn đề này, Quản lý đội tuyển quốc gia Sumardji cho rằng thất bại tại AFF Cup không nên là lý do để đổ lỗi hoàn toàn cho HLV Shin Tae-yong.

Ông Sumardji nhấn mạnh rằng chỉ khi đội tuyển tiếp tục không thành công tại vòng loại World Cup 2026 thì mới cần xem xét lại vai trò của vị chiến lược gia người Hàn Quốc. “Trừ khi ông ấy không thành công ở vòng loại World Cup 2026, còn lại hãy để mọi thứ tiếp tục”, Sumardji trả lời phỏng vấn Nusantara TV.

 HLV Shin Tae-yong bị kêu gọi từ chức sau khi Indonesia dừng chân ở vòng bảng AFF Cup 2024 nhưng các chuyên gia đánh giá lỗi không thuộc về ông. Ảnh: AP.

HLV Shin Tae-yong bị kêu gọi từ chức sau khi Indonesia dừng chân ở vòng bảng AFF Cup 2024 nhưng các chuyên gia đánh giá lỗi không thuộc về ông. Ảnh: AP.

Không phải lời kêu gọi Shin Tae-yong từ chức, mà ông Sumardji đánh giá toàn diện với khẳng định rằng nếu phong trào này lan rộng chỉ vì thất bại tại AFF Cup 2024, thì đó chính là một cách nhìn nhận sai lầm. Ông cho biết HLV Shin Tae-yong sẽ được PSSI đánh giá kỹ lưỡng, nhưng trọng tâm sẽ không đặt vào vấn đề hợp đồng, chủ yếu là các yếu tố chuyên môn như chiến thuật và cách triệu tập cầu thủ. “Việc đánh giá sẽ tập trung vào chiến thuật, các quyết định chiến lược, cách triệu tập cầu thủ, và những khía cạnh khác. Chủ tịch PSSI Erick Thohir cũng đã nhấn mạnh điều này với tôi”, ông Sumardji nói thêm.

Một trong những yếu tố khiến Indonesia không đặt nặng mục tiêu tại AFF Cup 2024 là đội hình quá trẻ, được PSSI tung ra nhằm tạo cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Sumardji nhấn mạnh rằng từ trước giải đấu, đội tuyển Indonesia đã không có mục tiêu rõ ràng tại sân chơi này. Ông nhiều lần khẳng định đây không phải là giai đoạn để đội tuyển chịu áp lực quá lớn: Ngay từ đầu, chúng ta đã không đặt ra mục tiêu cao tại AFF Cup 2024. Đội hình tham dự giải lần này mang tính thử nghiệm, và điều đó cần được hiểu rõ”.

Trong bối cảnh đội tuyển Indonesia đang trong giai đoạn chuyển giao và định hướng tương lai, HLV Shin Tae-yong tiếp tục được kỳ vọng sẽ tập trung vào các chiến dịch dài hạn như vòng loại World Cup 2026, nơi Garuda hy vọng sẽ đạt được những bước tiến lớn.

NGỌC ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/hlv-shin-tae-yong-bi-keu-goi-tu-chuc-va-noi-dau-cua-doi-tuyen-indonesia-post826773.html