HLV Thể dục dụng cụ Trương Minh Sang: 'Phấn đấu giành vé vào chơi vòng chung kết tại Olympic Tokyo 2020'
Đêm 18/7, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật Bản tham dự Olympic Tokyo 2020. Trong tổng số 18 VĐV, Thể dục dụng cụ (TDDC) có sự góp mặt của 2 VĐV là Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, HLV trưởng TDDC Quốc gia Trương Minh Sang cho biết, mọi sự chuẩn bị của TDDC đã hoàn tất và sẵn sàng chinh phục thử thách tại Olympic Tokyo 2020.
Lần đầu tiên TDDC có 2 VĐV nam tham dự Olympic, ông có thể cho biết đội đang có sự chuẩn bị như thế nào?
- Ở Olympic Tokyo 2020 lần này tôi cùng với 2 VĐV là Lê Thanh Tùng ở nội dung nhảy chống và Đinh Phương Thành ở nội dung xà kép.
Đây là lần đầu tiên TDDC nam có 2 VĐV nam cùng tham gia Olympic. Trước đó chúng ta cũng đã có nhiều VĐV TDDC tham dự Olympic như: Ngân Thương, Hà Thanh, Phước Hưng… nhưng TDDC nam đây mới là lần đầu tiền 2 VĐV nam cùng thi đấu trong một kỳ Olympic. Các VĐV cũng đang chuẩn bị rất tốt khi đã có được lịch tập luyện và thi đấu tại Tokyo sắp tới, tôi cùng toàn đội đã sẵn sàng tham dự Thế vận hội. Trong thời gian vừa qua, 2 VĐV này cũng đã chuẩn bị về thể lực, bài thi đấu và tập trung thật tốt cho 2 nội dung thế mạnh. Tuy nhiên có 1 chút trục trặc nhỏ về cổ chân của Thanh Tùng bị đau lại, BHL đang điều chỉnh, có những giải pháp tốt nhất để làm sao VĐV này kịp thời thi đấu tốt tại Olympic để đảm bảo bài thi.
Ông có đánh giá như thế nào về 2 VĐV tranh tài tại Olympic Toyko 2020?
- Qua theo sát các vật động viên trong tập luyện, tôi thấy mỗi VĐV đều có một thế mạnh riêng, nếu như Lê Thành Tùng có khả năng bộc phát sức mạnh cũng như độ nhạy bén trong động tác thì Đinh Phương Thành có tâm lý thi đấu khá tốt, độ ổn định động tác, sự điềm tĩnh trong lúc thi bài. Ngoài ra, Thanh Tùng rất nhạy bén, nhanh nhẹn, thi đấu cũng đã đạt thành tích tốt, còn Phương Thành thì có thế mạnh là sự trầm tĩnh, điều chỉnh nhịp nhàng trong từng động tác. Phải nói rằng, Thanh Tùng thì tốc độ còn Phương Thành thì nhịp điệu, mỗi người một thế mạnh riêng, đó là điểm khác biệt. Ở nội dung sở trường của cả 2 khá phù hợp với tính cách của 2 bạn. Môn nhảy ngựa cần tốc độ, nhanh còn xà kép ngoài độ khó còn cần sự nhịp nhàng, nhịp điệu, điều chỉnh động tác trong bài thi. Tính cách 2 bạn cũng khác nhau, người sôi nổi, người trầm hơn. Nói về độ gan lì là 2 bạn như nhau nhưng để về độ điềm tĩnh trong lúc thi bài thì Phương Thành có sự điềm tĩnh hơn so với Thanh Tùng.
Hai năm vừa qua chúng ta cũng như nước bạn chịu ảnh hưởng của Covid -19, điều này ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch của đội cũng như các VĐV?
- Thời điểm đầu tiên bùng dịch ở Việt Nam vào đầu 2020, nhưng các VĐV cũng cần tập trung tập các kỹ thuật cơ bản khá là tốt. Tuy nhiên sau 1 năm không thi đấu cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến các VĐV là cảm xúc và cảm giác thi đấu. Việc được tham gia thi đấu thường xuyên sẽ tạo được cảm xúc, tinh thần thi đấu, được quan sát, cọ sát, được nhìn thấy đối thủ. Bên cạnh đó còn nhìn thấy được những động tác, bài vở của mình đang ở mức nào, ở đâu. Nhưng năm nay đã sang năm thứ 2 đại dịch diễn biến phức tạp, các VĐV chỉ tập luyện trong nước cũng có cái tốt khi trau chuốt được về kĩ thuật, động tác nhưng nếu kéo dài quá lâu sẽ gây cảm giác thờ ơ cho các VĐV. Vì có nhiều giải đấu đã chuẩn bị rất sẵn sàng lại thông báo hủy vào giờ chót do dịch khiến các VĐV bị hụt hẫng. Điều đó tạo thành thói quen, tạo ra suy nghĩ: “Không biết giải này có tổ chức hay không? Biết đâu lại giống mấy giải trước lại hủy thì sao?”.
Trong thời kì dịch bệnh, BHL thấy được điều này ở VĐV nên cũng thường xuyên điều chỉnh tâm lí tập luyện, tư tưởng cho các VĐV. Đây là điều khá quan trọng vì không thể để các VĐV có thói quen xấu, không cố hết sức chuẩn bị cho giải đấu.
Mục tiêu của TDDC Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020?
- Với vai trò là HLV của bộ môn TDDC, việc được tham gia thi đấu tại Olympic là điều tuyệt vời. TDDC Việt Nam có 2 VĐV nằm trong 98 VĐV nam mạnh nhất của thể thao thế giới được tham dự. Từ trước tới nay đội TDDC chưa bao giờ lọt được vào chung kết, với giải vô địch Thế giới năm 2019 Thanh Tùng đã lọt vào chung kết và đứng vị trí thứ 5 nhưng Olympic thì chưa. Mong muốn của BHL cũng như các VĐV là phải làm thật tốt, hết khả năng để đạt kết quả tốt nhất. Nếu để cạnh tranh thì trình độ Olympic khá cao, không giống như các giải đấu trước đây nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng vì mục tiêu cao nhất là vào chung kết rồi tính thêm bước nữa. Dù vậy chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế, muốn được kết quả tốt phải từng bước, từng bước cố gắng vượt qua được vòng loại, đó là mong muốn đầu tiên.
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam cũng phải lùi, ông có nhận định gì?
- Việc SEA Games hoãn lại vào thời điểm này theo tôi thấy là nên làm, vì với tình hình dịch bệnh căng thẳng, nếu vừa thi đấu vừa lo sợ cũng không an toàn. Đó là tình hình chung của đất nước, của thế giới, đây không chỉ còn là vấn đề thành tích mà còn là vấn đề sức khỏe, sự an toàn của đất nước. Nếu chúng ta “cố đấm ăn xôi” cũng không nên, điều này là điều chính đáng, VĐV cũng hiểu được điều này. BHL cũng thường xuyên nói chuyện, điều chỉnh tâm lí, tư tưởng để VĐV hiểu được vấn đề. Dù không thể thi đấu SEA Games trong năm nay cũng khá buồn nhưng thôi rời sang năm sau, đó là tình hình chung nên VĐV cũng cảm thấy thoải mái. Ảnh hưởng thì có ảnh hưởng nhưng các HLV cũng đã có tác động nhất định để VĐV vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Các bài tập cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với các VĐV trong giai đoạn này.
Nhìn chung TDDC Việt Nam đã có những thành tích trong khu vực, nhưng để cải thiện hơn nữa thì điều gì cần phải thay đổi?
- Những năm gần đây Chính phủ rất quan tâm đến đội tuyển. Hai năm vừa qua các HLV, VĐV từ ĐTQG đến các địa phương đều có thay đổi về chế độ. Điều này là sự quan tâm của nhà nước đối với ngành Thể thao nói chung, là động lực giúp cho các VĐV ngày càng cố gắng hơn. Theo tôi, nếu muốn phát triển phải có sự đầu tư, việc nâng cao dinh dưỡng hay tiền công tập luyện là điều giúp VĐV yên tâm trong quá trình tập luyện và thi đấu. Tình hình kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn, dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng nhưng các VĐV vẫn được đảm bảo về chế độ dinh dưỡng, chỗ ăn ở, yên tâm cho VĐV tập luyện chuẩn bị cho thi đấu. Về cơ sở vật chất, mỗi thời điểm cần có sự thay đổi, thêm dụng cụ mới. BHL đã đề cập trong báo cáo kế hoạch hàng năm, những dụng cụ cần thiết phải thay đổi đã được đề cập, vừa rồi cũng đã đăng kí một số dụng cụ mới và đang chờ dụng cụ về để các VĐV tập luyện. Dụng cụ là thứ cần phải thay mới sau một thời gian sử dụng nhất định để không ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của các VĐV.