HLV Trịnh Văn Trí: Mối cơ duyên bất ngờ với quyền Anh và câu chuyện chạm tới đỉnh cao cùng cậu học trò đầu tiên

Đến năm 26 tuổi, Trịnh Văn Trí vẫn còn miệt mài với công việc kinh doanh. Có lẽ anh sẽ chẳng thể trở thành người dẫn đường cho Trần Văn Thảo giành được chiếc đai vô địch WBC nếu không có cú đấm đau điếng ngày hôm ấy…

Đến lúc này khi đã gắn bó hơn 10 năm với boxing, có lẽ HLV Trịnh Văn Trí cũng bất ngờ với lựa chọn của mình. Thời điểm nào là quá muộn để chinh phục đam mê? Mỗi người sẽ có một câu trả lời rất khác nhau. Nhưng với anh Trí, chẳng bao giờ là quá muộn.

Câu chuyện từ một tay mơ trở thành người dìu dắt nhà vô địch châu Á cùng hàng loạt thế hệ võ sĩ quyền Anh khác. Tất cả hiện lại trong đầu anh Trí giống như một thước phim vậy, vui có, buồn có, nước mắt có, mồ hồi và cả máu cũng có nhưng tuyệt nhiên anh không hối hận một chút nào!

Ngày trẻ, Trịnh Văn Trí cũng không nghĩ bản thân sẽ làm một công việc liên quan tới thể thao. Anh có một cuộc sống khá thoải mái, sáng phụ giúp gia đình công việc kinh doanh, lâu lâu thì lại làm vài trận bóng để thỏa niềm đam mê với bộ môn túc cầu.

"Bình yên đến lạ" là cụm từ mô tả đúng nhất về anh khi đó. Tuy nhiên, vòng quay tưởng chừng vô tận ấy đã thay đổi, bắt đầu bằng một cuộc xô xát trên sân bóng. Đó là kỷ niệm buồn mà anh Trí không muốn nhắc lại. Chỉ biết rằng kể từ đây anh chẳng còn chơi bóng với những người bạn của mình nữa.

"Mình thì không thích ngồi một chỗ đâu! Thích bay nhảy, làm một thứ gì đó cho thoải mái chân tay", anh Trí tự nói về bản thân. Mất đi cái thú được ra sân cùng anh em vào mỗi dịp cuối tuần, tất nhiên anh chàng sinh năm 1985 chẳng thể ngồi yên. Tìm đến võ thuật lúc này là một lựa chọn không thể tuyệt vời hơn, vừa giúp anh lấp đầy quãng thời gian rảnh, vừa mang lại một sức khỏe tốt, chẳng khác nào "một mũi tên trúng luôn hai cái đích".

Muốn học võ thì phải đến võ đường. Nhưng trải nghiệm lần đầu mãi võ của anh Trí chẳng khác gì cơn ác mộng. Cú đấm chết điếng đến nay anh vẫn chưa thể quên.

"Mình ghi danh vào lớp. Hôm đầu tiên, võ sư chỉ cho học qua loa về mặt kỹ thuật. Đến buổi thứ 2, không ngờ mình bị bắt phải giao đấu. Mình trước khi tới chỗ đó chưa từng học võ ở đâu cả và thế là dính ngay cú thụi cực mạnh vào bụng. Mình đành đi vào nhà vệ sinh, ôm bụng đau đớn trong suốt nửa tiếng. Cách dạy đó không ổn một chút nào cả. Rồi đi đỏ mắt, mình cũng không thể tìm được nơi tập luyện nào ưng ý. Chẳng nơi nào đem lại cho mình cảm giác yên tâm".

Lúc này, một ý tưởng cực táo bạo đã lóe lên trong đầu của anh Trí: Tại sao mình không sáng tạo ra mô hình tập luyện lý tưởng để tất cả có thể học theo. Như câu nói nổi tiếng của bậc thầy kinh doanh Jim Rohn: "Những ý tưởng có thể khiến cuộc đời bạn thay đổi mãi mãi. Thứ bạn cần đôi khi chỉ là mở lòng để tiếp nhận ý tưởng ấy".

Năm 26 tuổi, chàng thanh niên Trịnh Văn Trí đã nảy ra một ý tưởng táo bạo và quyết theo đuổi nó trước khi dấn thân vào con đường thể thao. Cái cách anh gắn bó với võ thuật tình cờ và ngẫu nhiên đến như thế.

"Nhiều người cứ nghĩ mình là con nhà nòi, tập luyện thể thao từ bé nhưng đâu phải vậy. Câu chuyện của mình là vậy đó", anh Trí cười xòa.

Sau quãng thời gian ngắn thành công với phòng tập nhỏ mang tên MMA Fitness, anh Trịnh Văn Trí quyết định bắt tay vào một dự án cực khủng mang tên Saigon Sports Club (SSC) hồi năm 2011.

Nhớ lại, Trí thừa nhận sức mạnh lớn nhất để anh cho ra đời SSC chỉ là lòng khát khao và niềm đam mê. Cha mẹ tất nhiên không muốn con trai mình vất vả nhưng sự quyết tâm của anh đã thuyết phục tất cả. Rồi đến khi cả gia đình sang Mỹ định cư, cũng chỉ mình anh ở lại với những ấp ủ của riêng mình.

Nhưng trong kinh doanh, chỉ quyết tâm thôi nhiều lúc là chưa đủ...

Đã dự tính kỹ lưỡng nhưng anh Trí không ngờ khoản chi phí lại đội lên cao tới vậy. Cũng phải, xây dựng cơ sở vật chất trên một mảnh đất rộng vài nghìn m2 đâu phải một câu chuyện dễ dàng. Chưa kể, còn chi phí thuê HLV nước ngoài, máy móc, giáo trình, thứ gì cũng tiêu đến tiền cả.

Thế rồi, anh Trí phải bán luôn cả nhà cả xe lấy tiền đầu tư rồi chui luôn vào SSC ăn ngủ sinh hoạt. Anh Trí tự nhận mình vốn chẳng phải siêu nhân nhưng gần như đã phải chống lại "cả thế giới" trong thời điểm đó. Cơn stress cũng kéo tới nhiều hơn, dai dẳng và khó chịu.

Ý nghĩ bỏ cuộc thì cũng đã xuất hiện. Một lần, anh Trí lo lắng quá nằm một mình tại SSC mãi chẳng ngủ được, thức thâu luôn đêm. Sáng hôm sau, ánh nắng ngày mới bỗng rọi đến, soi sáng cả khu tập luyện còn đang ngổn ngang. Khoảnh khắc ấy, anh Trí hiểu bản thân không thể dừng lại.

"Bình minh thật đẹp. Đúng vậy mọi thứ vẫn chưa kết thúc đâu. Mình còn cố được, phải tiếp tục chứ. Cứ cố nốt đêm nay thôi". Và cứ thế, hàng đêm, anh Trí lại tự động viên mình bằng một câu đơn giản như vậy. Thế mà, thấm thoát cũng được 2 năm…

Đến năm 2013, anh Trịnh Văn Trí quyết định nhượng lại SSC cho một người bạn, âu cũng là một quyết định mang tính bắt buộc. "Cho đi SSC mình cũng buồn lắm nhưng mình còn có vợ có con. Thêm nữa, mình biết người anh này có thể giúp SSC đi lên và vươn tầm hơn nữa", anh Trí ngậm ngùi.

Không còn nắm SSC trong tay nhưng anh Trí vẫn còn gắn bó cùng phòng tập này đến tận năm 2018 với vai trò của một quản lý. Nếu chỉ có thế thì chúng ta sẽ chẳng biết tới một HLV Trịnh Văn Trí đầy tài năng như hiện tại. Mọi thứ lại thay đổi sau một cú twist khác, xét về mặt thể chất, còn đau hơn cả cú đấm vào bụng ngày nào. Anh bị gãy chân! Nguyên nhân xuất phát từ một tai nạn trong phòng tập…

Với một con người thích xê dịch như anh Trí, quãng thời gian ngồi một chỗ ấy chẳng khác nào cực hình. Vậy mà chẳng ngờ quãng nghỉ đó lại mang đến cho anh Trí rất nhiều điều.

Ngày nọ, anh Trí đến phòng tập trên chiếc xe lăn và quyết định dành một ngày để quan sát kỹ từng học viên. Người anh chú ý nhất là võ sĩ trẻ nhỏ thó lại sở hữu tiềm năng rất lớn mang tên Trần Văn Thảo. "Hay đấy nhưng kỹ thuật thì lại có nhiều chỗ chưa chuẩn", anh nghĩ.

"Anh sau này khỏi chân thì sẽ dạy lại cho chú thật chuẩn", anh tuyên bố với cậu em sinh năm 1992. Nói là làm, anh Trí ngày đêm hệ thống lại những kiến thức đã ghi chép qua hàng trăm giờ nghiên cứu sách vở cùng trải nghiệm thực tiễn. Ngày có thể tự mình đứng dậy cũng là lúc giáo trình ấy được hoàn thành. Rủi ro thì có đấy nhưng Trần Văn Thảo vẫn quyết theo chân người đàn anh.

Và đó cũng là thời điểm anh Trịnh Văn Trí chính thức trở thành một người thầy và Trần Văn Thảo là cậu học trò đầu tiên.

"Thứ mình thích nhất ở Thảo đó là cậu ấy luôn có tinh thần học hỏi, sẵn sàng thừa nhận cái thiếu, mặt chưa tốt để tiến lên", HLV Trịnh Văn Trí chia sẻ. Trò giỏi lại gặp đúng thầy, Trần Văn Thảo thăng tiến nhanh như diều gặp gió.

Chỉ sau 2 năm dưới bàn tay chỉ dạy của người đàn anh, Trần Văn Thảo đã tạo địa chấn với chiến thắng trước George Lumoly và giành được chiếc đai WBC châu Á lịch sử. Thời khắc vinh quang ấy, hai thầy trò chìm đắm trong niềm vui sướng tột cùng. Mất hàng tấn công sức đó, phải bỏ cả tiền túi đem chuông đi đánh xứ người đó, nhưng đổi lại có được thành công vang đội như thế, âu thì cũng đáng!

Kỳ tích mang tên Trần Văn Thảo đã giúp anh Trí tự tin hơn rất nhiều về khả năng truyền dạy và giáo án của bản thân. Đó là lúc anh nhận ra bản thân không thể dừng lại bởi làng boxing Việt Nam đâu chỉ có vậy, cần nhiều hơn những Trần Văn Thảo nữa.

Trong một lần trả lời trước truyền thông, nhà vô địch MMA thế giới Martin Nguyễn thừa nhận võ sĩ Việt có tố chất không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Cái thiếu chỉ là cơ hội, cơ hội để phát triển, cơ hội để cọ xát và cơ hội để tỏa sáng.

Nói riêng về boxing tại Đông Nam Á này, Philippines có huyền thoại không thể chối cãi Manny Pacquiao. Thái Lan sở hữu báu vật Wanheng Menayothin với thành tích 54 trận toàn thắng, khiến "Độc cô cầu bại" Floyd Mayweather cũng phải hít cả khói.

Cũng như Martin Nguyễn, anh Trịnh Văn Trí cũng tin rằng tiềm năng của những tay đấm Việt là rất lớn nhưng lại chưa được khai phá một cách hiệu quả. Suy nghĩ ấy khiến anh lại tiếp tục phải hành động, tiếp tục dấn thân như bao lần khác trong quá khứ.

Anh rời công việc trong mơ tại SSC và lập ra Trigger Boxing năm 2018, nơi chỉ chuyên về quyền Anh với giáo trình được chính HLV 35 tuổi soạn ra, chứa đựng đầy tâm huyết và thách thức.

"Mình quyết định chia thành 10 cấp độ khác nhau. Người mới bắt đầu thì chơi ở mức độ 1. Các võ sĩ thì tùy khả năng sẽ chơi từ mức độ 3 trở lên. Mình hy vọng có thể đào tạo ra một võ sĩ ở cấp độ 10, tức giành được đai vô địch thế giới cũng như có ảnh hưởng lớn tới làng boxing nước nhà", anh Trí Trịnh vừa gạt đi những giọt mồ hôi vừa nói.

Con người thì chẳng ai biết trước tương lai nhưng có một điều chắc chắn rằng: Thành quả chỉ đến với ai dám nghĩ và dám làm. Anh Trí cũng là một trong số đó, đã chấp nhận dấn thân vào những công việc gần như không tưởng, vượt qua khó khăn lẫn thử thách cực đại để có được ngày hôm nay.

Và HLV Trịnh Văn Trí hy vọng rằng những mầm non của mình sẽ nhanh chóng cứng cáp để chạm tới các chiến công mới cho làng quyền Anh Việt Nam. Lúc đó, anh chắc chắn sẽ là người tự hào nhất...

"Mình cùng các anh em đang huấn luyện khoảng 400 học viên. Mình mong rằng trong một tới hai năm nữa, nhiều người trong số này sẽ tỏa sáng và mang về vinh quang cho dân tộc".

Khởi đầu muộn không cho phép Trịnh Văn Trí theo đuổi con đường trở thành một võ sĩ. Nhưng thế cũng chẳng sao, anh chấp nhận lùi về phía sau, gửi lại ánh hào quang cho các học trò, Trần Văn Thảo là người đầu tiên và có lẽ cũng không phải cái tên cuối cùng.

Tiến Thành - Design: Riverside

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hlv-trinh-van-tri-moi-co-duyen-bat-ngo-voi-quyen-anh-va-cau-chuyen-cham-toi-dinh-cao-cung-cau-hoc-tro-dau-tien-4020203814042454.htm