HNX song toàn nhiệm vụ thường xuyên và đặc biệt
Năm 2023, dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến động vĩ mô trong nước, thế giới, song thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua thách thức và duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt và tăng tính minh bạch, kỷ cương. Đóng góp vào thành công chung của thị trường năm qua, HNX đã tập trung vận hành đa thị trường (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh) một cách an toàn, suôn sẻ, đặc biệt là hệ thống giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã cho 'quả ngọt' sau 'nỗ lực vượt thời gian'.
Vận hành an toàn, thông suốt đa thị trường
Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, năm 2023, mặc dù chịu nhiều biến động trong bối cảnh chung, song các thị trường giao dịch tại HNX gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) niêm yết, UPCoM, trái phiếu chính phủ (TPCP) và thị trường phái sinh có quy mô tiếp tục tăng trưởng và không ngừng được hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý.
Cụ thể, năm 2023, thị trường niêm yết tại HNX có 327 mã cổ phiếu và 68 mã TPDN với giá trị niêm yết đạt hơn 223,57 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 391,2 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 2.000 tỷ đồng/phiên. Thị trường UPCoM có 862 cổ phiếu với giá trị đăng ký giao dịch hơn 438 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa đạt 1.054 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân đạt 739,91 tỷ đồng/phiên.
Tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững hơn
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, việc xây dựng và tổ chức vận hành thị trường TPDN riêng lẻ đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan. Việc đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho NĐT, từ đó thúc đẩy tính thanh khoản, cũng như tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.
Trên thị trường TPCP, năm 2023, HNX đã tổ chức 220 đợt đấu thầu, huy động thành công 322.827 tỷ đồng. Lãi suất phát hành TPCP qua đấu thầu tại HNX có xu hướng giảm trên hầu hết các kỳ hạn, bình quân 3,21%, giảm 0,26% so với cuối năm 2022. Trên thứ cấp, quy mô niêm yết TPCP đạt gần 1,97 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2022, tương đương 20,64% GDP 2022.
Cũng trong năm qua, dù không quá sôi động song TTCK phái sinh tiếp tục thể hiện tốt vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, vừa là sản phẩm đầu tư hấp dẫn cho NĐT. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 235.316 hợp đồng/phiên; khối lượng hợp đồng mở (OI) cuối kỳ đạt 56.936 hợp đồng.
Năm vừa qua, cùng với việc vận hành hoạt động giao dịch luôn ổn định, suôn sẻ, an toàn, công tác giám sát giao dịch tại HNX được thực hiện một cách chủ động, liên tục, theo sát các biến động của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh, kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu vi phạm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, công tác giám sát việc nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) của DN và các tổ chức, cá nhân cũng được tăng cường, đặc biệt là giám sát CBTT về giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn… nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cùng với việc tích cực phối hợp triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới với các đơn vị, trong năm qua, hoạt động thúc đẩy quản trị công ty (QTCT) và CBTT minh bạch dành cho DN tiếp tục được triển khai và được đánh giá cao.
Vượt kỳ vọng với “nhiệm vụ đặc biệt”
Một điểm nhấn trên TTCK nói chung và hoạt động của HNX nói riêng trong năm qua là hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ đã chính thức vận hành từ ngày 19/7/2023, chỉ sau 9 tháng “chạy đua với thời gian” chuẩn bị. Có thể nói, đây là nhiệm vụ đặc biệt, ra đời trong bối cảnh đặc thù và kết quả đạt được là “vượt kỳ vọng”.
Theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trong thời hạn 9 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, hệ thống đăng ký, lưu ký trái phiếu và hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ phải chính thức vận hành; đồng thời, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo quy định tại Nghị định 65 và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, còn dư nợ phải đăng ký giao dịch. Đây là mốc thời gian được cho là một thách thức lớn bởi thông thường việc xây dựng, vận hành một hệ thống giao dịch thường mất rất nhiều thời gian.
Theo đại diện của HNX, để đạt được lộ trình đề ra là một áp lực rất lớn, tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ phải được xây dựng và đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường, HNX đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án xây dựng hệ thống một cách khẩn trương nhất. Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức vận hành tại HNX từ ngày 19/7/2023 là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển thị trường TPDN tại Việt Nam theo hướng minh bạch, lành mạnh, bền vững hơn.
Tính từ ngày 19/7 đến cuối năm 2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ có 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với giá trị 617.610 tỷ đồng và thanh khoản bình quân đạt 1.881 tỷ đồng/phiên.
Hệ thống giao dịch sau khi vận hành cũng đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường TPDN sơ cấp sôi động hơn. Một thống kê cho thấy, trong 6 tháng cuối năm, sau khi vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ, giá trị phát hành TPDN riêng lẻ đạt 221.931.900 tỷ đồng, tăng gấp 3,68 lần so với 6 tháng trước đó. Tổng dư nợ TPDN riêng lẻ đến hết ngày 31/12/2023 đạt 1.033.170 tỷ đồng và khối lượng mua lại trước hạn đạt 238.414 tỷ đồng.
Những số liệu về số lượng mã trái phiếu đăng ký giao dịch, thanh khoản, cũng như sự vận hành thông suốt, ổn định, an toàn của hệ thống giao dịch thứ cấp… là minh chứng hiệu quả hoạt động của thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ thời gian qua và tạo động lực cho các đơn vị tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới. Cùng với các giải pháp bình ổn và phát triển thị trường của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như sự hoàn thiện về các chính sách quy định và vận hành hạ tầng cơ sở sẽ là tín hiệu tích cực đánh dấu những mốc mới trong quá trình phát triển thị trường, là cơ sở quan trọng để phát triển thị trường thứ cấp cho TPDN riêng lẻ trong tương lai.
Nỗ lực lớn để hoàn thành 6 mục tiêu lớn cho năm 2024
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đối với nhiệm vụ phát triển, quản lý TTCK, HNX đặt ra quyết tâm và nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục vận hành ổn định các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, tạo được sự tin cậy và thu hút sự tham gia của NĐT trong và ngoài nước, đặc biệt là các NĐT tổ chức.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, bảo vệ NĐT và tính toàn vẹn của thị trường; tăng cường các hoạt động thúc đẩy QTCT, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng CBTT và QTCT.
Thứ ba, tăng cường hoạt động giám sát giao dịch, đặc biệt là công tác giám sát giao dịch bất thường trên thị trường cổ phiếu, thị trường phái sinh; tích cực phối hợp với UBCKNN trong việc phát hiện vi phạm, nâng cao hơn nữa tính công bằng và minh bạch trên thị trường.
Thứ tư, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trên thị trường phái sinh, để đa dạng hơn nữa sản phẩm.
Thứ năm, tăng cường công tác vận hành, giám sát và quản trị hệ thống công nghệ thông tin; tiếp tục phối hợp các đơn vị triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới theo tiến độ; tổ chức tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống sau khi hoạt động chính thức.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, nâng cao chất lượng và năng lực quản trị điều hành.