Hở

Hở - là không kín, nhưng cũng không phải mở toang. Còn gì mà nói nữa. Nhưng ngẫm, thấy cái trạng thái ở giữa kín (đóng) và mở (hết cỡ) này nó gợi nên muôn vàn cảnh huống sống động, nó như một cõi nhân gian giữa cái sinh và tử.

***

Đi đường, nếu không phải mùa lạnh, thường thấy những khoảng da thịt nhìn thoáng qua là trắng. Lấp ló thập thò hẹn hò tò mò giữa phần chót cùng gấu áo và trên cùng cạp quần. Nghe đâu mốt này là thứ du nhập, ở nơi nó ra đời, khoảng hở nó mênh mông bao la cao xa hoan ca hơn nhiều. Nghĩa là, nó đã được Việt hóa.

Nhưng, thật ra nó mới chỉ được “gái tân thời” Việt hóa thôi. Phần đàn bà còn lại (không mặc thế nhưng vẫn nhìn) thì không tiêu hóa được. Họ đồng thanh (căm tức, khinh bỉ) chỉ trích: Hở hang! (Lưu ý, trong trường hợp này chưa có cái hang nào bị hở cả).

Phần đàn ông, nhìn và chẳng nói gì...

Trong cái sự hở ấy, thật ra nó cũng rất ý nhị: phần lưng bao giờ cũng nhiều hơn. Một khoảnh lưng hở - cứ nhìn đi, anh chẳng phải đối diện với cái nhìn lại của chủ nhân. Trong khi một khoảnh bụng hở - nhìn vào đó là có nguy cơ đối với những cái diện, phần hấp dẫn tăng lên nhưng nguy hiểm cũng tăng theo. Lại có nguy cơ phải đối thoại.

Hai cô tâm sự:

Minh họa: Đỗ Phấn

Minh họa: Đỗ Phấn

- Lão ấy đúng là dê già, mình mặc cái bộ này là cứ nhìn chòng chọc vào...

- Ừ, nhưng tao nghe mày, mặc kiểu này mà chẳng ép phê gì lão ở nhà cả, chỉ béo bọn choai choai trên đường.

Thế mới biết cái hở chẳng vô tình. Khoảng nào, đến đâu, thậm chí lúc nào đều có ý.

Cái hở còn có tính thời đại: Xưa, phụ nữ ăn mặc rất kín, chỉ để hở khuôn mặt và hai bàn tay. Nay, bịt kín mặt, để hở một số chỗ.

***

Một câu thành ngữ cổ: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Ăn và nói: Ăn thì từ lúc ti mẹ cũng là ăn rồi. Nói thì cứ bập bẹ, rồi 3 tuổi là bi bô, biết nói. Để đạt độ thượng thừa tất nhiên khó bàn. Nhưng để dùng thì thế là cũng xong.

Gói: Cái này bắt đầu gay đây, bản chất của gói là giữ lại, giấu kín. Để tồn tại, để thu vén, vơ vét, vơ váo, vơ vào cho có những cái của mình, hầu mong đua tranh với thiên hạ - phải học gói. Cả một gia tộc, một làng, một vương triều, một quốc gia, một chủ nghĩa, một tín ngưỡng - để tồn tại, người ta bảo ban dạy dỗ nhau gói vào, giữ lại, giấu đi.

Những bí quyết. Lộ ra để chúng nó biết, chúng nó cũng làm được như mình à?

Những bí mật. Lộ ra còn hơn chết người. Hình ảnh bấy lâu lung linh lẫm liệt lừng lững thoắt cái thành leo lét lê lết lưng lửng. Cái gọi là thanh danh bại hoại. Dù cho hình ảnh có “người” hơn.

Nhiều lắm, những cái không thể lộ (bất khả lậu – bệnh lậu là bệnh kín, không muốn ai biết). Nên phải gói. Gói kín.

Nhưng gói còn là trói. Gói kín, cẩn thận thiếu ánh sáng, thiếu không khí. Nhẹ thì suy dinh dưỡng, cớm, mù dở. Nặng thì ngạt thở. Toi.

Nên mới phải học mở. Mở ra mới ăn, mới nói, rồi gói gì thì gói sau.

Mà mở, ấy cởi trói, là hở. Nên hở là lành mạnh. Là giao tiếp, là ánh sáng, là không khí.

Một câu châm ngôn có Phật tính: Mọi việc nên cởi, không nên buộc.

***

Giới trẻ hiện có câu: tính ông/ anh/ chị/ cô/ thằng... ấy rất âu pần (open), hay rất cờ lâu (close). Thứ ngôn ngữ thời computer, có lẽ bật ra từ việc hàng ngày phải open/close hàng chục file. “Dịch” ra, nó là thoáng, cởi mở, thân thiện; và ngược lại là khó hiểu, khó gần, khó chơi. Với tôi, các khái niệm trên không cực đoan như các từ gốc mà nó mượn, nó là sự phân biệt tinh tế giữa sự hở ít và hở nhiều mà thôi. (Ở đây, đương nhiên, không bàn đến quần áo).

Cái đáng bàn ở đây là âu pần được tán dương hơn cờ lâu. Xưa kia, sự kín đáo – nhất là với nữ giới – được đánh giá cao. Nhưng ngày nay, chuẩn mực đã thay đổi.

Khi cả một quốc gia, một xã hội mở cửa, muốn hay không, từng cá nhân cũng phải âu pần.

Qua rồi cái thời luộc con gà xong không dám chặt mà phải dùng kéo cắt.

Qua rồi cái thời có miếng vải ca rô Tiệp (xã hội chủ nghĩa anh em hẳn hoi) cũng phải đem nhuộm ra màu xin xỉn mới dám may cho con.

Tất cả đi đứng ngồi nói năng cười khóc như nhau. Qua rồi.

Người ta bắt đầu thấy những nhóm và những cá nhân khác nhau. Những gì trước đây phải gò/ co/ ép lại, nay duỗi/ dãn/ nở tung.

***

Có một thứ/ loại/ giống người, bao giờ cũng muốn (bị, phải) bộc/ phát/ thổ/ bại lộ con người mình ra. Đó là văn nghệ sĩ.

Khi tôi viết những dòng thơ đầu tiên, tôi giấu chúng đi. Đó là hành động bản năng, giống loài mèo.

Mãi rồi, nhờ bạn bè và những người đi trước cùng giới khuyến khích (thúc đẩy, dụ dỗ), tôi mới dám nghĩ đến việc đăng chúng.

Cũng vui, cũng ảo tưởng. Rồi một ngày đẹp trời, mới nhận ra: Hầu như những gì kín đáo của mình đều bị phô ra trước bàn dân thiên hạ (ở đây, là người có đọc tôi).

Không phải chuyện quyết không khai hai đồng chí trong đống rơm, cũng không phải tôi trần thuật đời mình (là VIP đâu, mà dám?!), nhưng dù muốn hay không, tôi cũng phải viết về: Trước hết, những gì tôi biết, mắt nhìn thấy, tai nghe thấy, mũi ngửi thấy, tay sờ thấy; Sau đó, những gì chưa hẳn tôi đã được/ phải trực tiếp trải nghiệm, nhưng là cái tôi quan tâm, tôi thả ý nghĩ, suy tư và trí tưởng tượng vào đó (1).

Quan trọng hơn, tôi đã để hở (lộ thiên) thái độ của mình với cuộc sống này. Những gì tôi yêu - ghét, tôn trọng - khinh bỉ, thương cảm - căm thù... và ... đều hiện ra ngoài trang giấy.

Ấy là, kể cả khi tôi đã đọc “Độ không của lối viết” (2).

Nhiều nhà văn trong đó có tôi đều ý thức được cái “độ không” này. Và thường dặn nhau, nôm na: Hay ho gì cái việc nhảy bổ ra đứng giữa độc giả và trang giấy!

Nhưng trang giấy chẳng phải bức tường (gạch, thép, chì...) che kín nhà văn. Người đọc vẫn nhận ra anh (chị) ta.

Ở thái độ.

Người ta yêu nhau, ghét nhau, là bạn hay là thù, quan trọng ở cái thái độ.

Để dễ sống, dễ xoay xở, dễ biến màu, đa số phải che kín thái độ thật của mình. Họ trưng bày ra những thái độ lờ lợ, lững lờ, lưng lửng. Có những người đạt độ cao thủ: họ chẳng có thái độ gì. Họ không quan tâm đến chuyện kín hay hở. Bên trong bộ quần áo, chẳng có cái gì cả.

***

Hở - vốn là một từ có hàm nghĩa không đẹp.

Người dại hở…, người khôn xấu hổ.

Nhưng hỡi ơi, đời này ai chẳng hở. Cái phải nghĩ đến muôn đời là hở đến độ nào mà thôi.

(1) Tôi nghĩ là nhà văn, nhà thơ nói chung đều thế. Trừ loại “bồi bút”.

(2) Writing’s Degree Zero (1953), Barthes, Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998)

Phạm Lê Nhiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ho-post1501458.tpo