Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợn để bán dù giá lợn hơi liên tục tăng
Khảo sát tại các địa phương của Đồng Nai như huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Trảng Bom cho thấy, thời điểm này, hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợn để bán.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khoảng 10 ngày qua, giá lợn hơi tại Đồng Nai liên tục tăng, ngày 16/4, giá lợn hơi được thương lái thu mua trên địa bàn với giá 90.000 đồng/kg. Do giá lợn hơi tăng cao nên các trang trại, hộ chăn nuôi chỉ xuất bán lợn trọng lượng lớn, mỗi con trên 100 kg. Với giá bán 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con lợn bán ra người nuôi thu lãi khoảng 3 triệu đồng. Giá lợn tăng giúp các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi thu lợi lớn, trong khi đó hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợn để bán.
Khảo sát của phóng viên tại các địa phương của Đồng Nai như huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Trảng Bom cho thấy, thời điểm này, hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợn để bán. Nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải bỏ trống chuồng trại, không dám tái đàn. Hiện nay, Đồng Nai đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ muốn tiếp tục chăn nuôi lợn, nhưng do giá con giống lên cao (mỗi con lợn giống trọng lượng 7 - 8 kg có giá khoảng 2,5 triệu đồng), người chăn nuôi thiếu vốn.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi tăng cao như hiện nay là do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong thời gian dịch tả lợn châu Phi bùng phát, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề, phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn. Tổng đàn lợn của Đồng Nai hiện nay là hơn 2 triệu con, trong đó, hơn 95% thuộc về các doanh nghiệp, trang trại lớn.
Ông Vinh cho biết, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang làm việc với doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn nhằm vận động, kêu gọi doanh nghiệp, trang trại giảm giá lợn hơi; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh việc tái đàn hiệu quả, an toàn dịch bệnh để khi nguồn cung tăng, theo quy luật thị trường, giá lợn hơi sẽ giảm. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phần lớn họ nuôi lợn trong khu dân cư, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường nên Đồng Nai không khuyến khích tái đàn.
Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết thành các tổ hợp tác, tổ hợp tác để cùng xây chuồng trại, chăn nuôi ở những khu vực xa dân cư.
Đồng Nai được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của nước ta. Lợn của Đồng Nai ngoài phục vụ nhu cầu trong tỉnh còn cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.