Hồ Chí Minh - Nâng niu tất cả chỉ quên mình
Tháng 5 hoa sen nở, cũng là sinh nhật Bác. Hôm nay chúng tôi lại về thăm quê Người, lần nào cũng vậy, nhìn những hàng dâm bụt, rặng tre, chậm rãi bước qua mái nhà tranh vách nứa - nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời, tôi lại trực trào nước mắt.
Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) là dịp để hậu thế nhớ ơn Người, thắp nén tâm hương gửi đến Người - vị Cha già dân tộc, bậc vĩ nhân mà mỗi khi nhắc đến, hàng triệu con dân đất Việt đều thổn thức.
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Nẻo về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) dịp này là nẻo về nguồn cội. Nơi ấy có làng Sen, Hoàng Trù, có Lò rèn cố Điền, nhà cụ Vương Thúc Quý, giếng Cốc hay cây đa làng gắn với kỉ niệm Bác về thăm quê năm 1957 và năm 1961. Nắng mùa hạ bỏng rát, từng vạt sen đang khoe hồng sắc thắm như xoa dịu đi những cơn gió Lào heo hắt thổi. Những nụ sen chúm chím, dường như đợi đúng ngày 19/5 mới chịu bung ra. Chậm rãi đi giữa hàng dâm bụt tại làng Sen mới cảm hết được một làng quê Việt đã quy tụ thu nhỏ nơi đây. Một Hồ Chí Minh được kết tinh bởi sự giản dị, mộc mạc, từ những câu dân ca; có lẽ đây chính là mạch nguồn, cái nôi nuôi dưỡng Người bằng những phong vị từ văn hóa dân gian đến với văn hóa bác học.
Ngày 9/12/1961 sau hơn 50 năm xa cách về thăm quê lần thứ hai, Bác Hồ mới có dịp thăm lại ngôi nhà nơi người cất tiếng khóc chào đời và sống những năm đầu ấu thơ. Vì năm 1957 khi lần đầu về Nam Đàn, Bác chỉ mới thăm quê nội vì đường sang quê ngoại chưa được sửa chữa và đến năm 1959 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ty Văn hóa Nghệ An đã khôi phục lại căn nhà này trên nền đất cũ để làm di tích lưu niệm. Người làng Chùa kể lại rằng: Khi về thăm nhà, Bác đi từ gian này đến gian kia.
Bác dừng lại giây lát trước chiếc án thư để một đôi tràng kỷ nơi xưa cụ Hoàng Xuân Đường ngồi giảng sách. Bác bùi ngùi nhìn chiếc gường thấp, nơi người mẹ thân yêu thường ôm Bác vào lòng. Bác nhìn cái rương đựng lương thực có cái lỗ nhỏ mà ngày ấu thơ Bác và anh cả Khiêm thường thò ngón tay trỏ vào ngoáy ngoáy. Bồi hồi Bác nói: “Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn...”. Sau đó Bác ra ngồi xổm trước thềm nhà thân mật nói chuyện với bà con làng Chùa. Bất ngờ bác gặp lại ông Nguyễn Thuyên, người bạn câu cá ngày nhỏ, Bác nhắc lại kỷ niệm một lần đi câu, bè bạn giật lưỡi câu rách vành tai. Khi nghe bạn thưa Chủ tịch, Bác thân mật bảo: “Cứ gọi tôi là Cung như ngày trước”.
“Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn, không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do” (Trích từ sách: Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện).
Từ làng Sen
“Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát/ Hương đóa Sen thanh bạch Hồ Chí Minh”.
Người làng Sen không thể nào quên được câu nói rưng rưng của Bác khi Người đứng trước bàn thờ của mẹ: “Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre không có chân, mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng giá vào hai bên cột đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa trên trải bằng chiếc chiếu mộc”.
Gian thứ nhất ông Nguyễn Sinh Sắc kê một bộ phản gỗ được ngã từ cây đa làng làm nơi tiếp khách. Khách của ông thường là những người bạn hữu khoa bảng, những chiến sỹ yêu nước đương thời như: Phan Bội Chau, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn... Cậu bé nguyễn Sinh Cung thường được làm công việc tiếp nước, hầu trà cho các cụ.
Qua những buổi lắng nghe các cụ xướng họa, bình văn, đàm đạo thời cuộc, cậu nhận thức về truyền thống lịch sử văn hóa, về nỗi thống khổ nước mất nhà tan như một dòng chảy tự nhiên ngấm dần vào tâm hồn Nguyễn Sinh Cung, để từ đó cậu sớm nảy nở ý chí cứu nước cứu dân. Gian thứ ba là gian buồng nơi nghỉ ngơi của người con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh. Gian thứ tư là nơi nghỉ và đọc sách của ông Nguyễn Sinh Sắc, gian thứ năm là nơi nghỉ của hai anh em Nguyễn Sinh khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Ngoài ra còn có ngôi nhà ngang ba gian là nơi nấu ăn của gia đình Bác. Nội trợ là chị cả Thanh, còn cậu bé Cung thì gánh nước ở giếng Cốc về giúp chị thổi cơm.
Dân làng Chùa còn nhớ kỳ thi Hương khoa Giáp Ngọ (1894) lúc cậu bé Nguyễn Sinh Cung đang cùng bè bạn câu cá bên hồ sen thơm ngát là lúc tin ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân trường Nghệ lan nhanh về làng Chùa. Cậu hớn hở chạy ra đồng tìm mẹ báo tin. Bà Hoàng Thị Loan vẫn bình thản cấy hết đám ruộng. Bà vui vẻ nói với mọi người: “Ông Nghè, ông Cống cũng sống về ăn”. Nói vậy thôi nhưng bà thoăn thoắt làm xong dắt tay cậu bé Cung về sớm lo nấu nước chè xanh, rang mẻ lạc thơm giòn để đãi bà con làng xóm đến chung vui.
Gian nhà thứ hai là gian buồng nơi nghỉ ngơi của bà Hoàng Thị Loan. Ở đây có kê một chiếc giường tre nhỏ đơn sơ và tấm vải màn nhuộm nâu do bà tự dệt lấy. Chính tại ngôi nhà nhỏ này bà đã sinh ra ba người con: Năm 1884 là đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh hiệu là Bạch Liên, năm 1888 sinh con trai thứ là Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt).
Và một sáng bình minh năm Canh Dần (1890) khi mặt trời tháng 5 bắt đầu hắt những tia sáng bình minh rực đỏ chân trời dãy núi Đại Huệ và hương sen thơm ngát từ bàu sen ùa về, người con thứ ba Nguyễn Sinh Cung mà dân địa phương thường gọi là Nguyễn Sinh Côông (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cất tiếng khóc chào đời. Ở đây còn lưu giữ chiếc rương gỗ, món quà hồi môn bà ngoại cho bà Hoàng Thị Loan ngày đi lấy chồng để đựng gạo và các vật dụng quý.
Hồ Chí Minh sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam bị đô hộ mà còn là một hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất.
“Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi"
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ho-chi-minh-nang-niu-tat-ca-chi-quen-minh-a2397.html