Hồ Chí Minh với quan điểm 'Nước lấy dân làm gốc'
Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền từ tay đế quốc, thực dân và trở thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người trong điều kiện nhân dân làm chủ vận mệnh của mình.
Đảng cầm quyền nhưng điều quyết định là nhân dân, phải là người làm chủ. “Nước lấy dân làm gốc”, dân có một vai trò, sức mạnh to lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Dễ mười lần không dân cũng chịu
khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
"Nước lấy dân làm gốc” vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bí quyết thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị. Theo Người, “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”, có dân chủ thì dân mới tin, mới dám nói, mới có sự sáng tạo, do đó mới tạo nên động lực. Người cho rằng:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Do vậy, phải thực hiện một nền dân chủ của nhân dân, đảm bảo lợi ích chính đáng của dân, dân chủ thực sự cho dân. Đồng thời cũng phải đề ra quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng cho mỗi người dân, làm rõ trách nhiệm của mỗi người dân phải sống và hành động theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Với quan điểm “Nước lấy dân làm gốc", Hồ Chí Minh luôn xem mình là công bộc của dân. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện quan liêu, xa dân, coi thường dân, thói tham ô, lãng phí, đặt biệt là thói kiêu ngạo “quan cách mạng”, “không tin dân” để dẫn đến chỗ “dân không tin” làm hại đến uy tín của Đảng. Người luôn nhắc nhở “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người phê phán những cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ: Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng..”
Với quan điểm “lấy dân làm gốc”, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm sóc lo đến cuộc sống của nhân dân. Cả cuộc đời Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi nước nhà mới giành được độc lập, Người nêu rõ quan điểm: “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được no, mặc đủ”. Trong Di chúc, Người vẫn đau đáu nỗi lòng và chăm lo cuộc sống của nhân dân. Người đã để lại những lời căn dặn tỉ mỉ về những việc cần làm đối với nhân dân.
Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh mang đậm tinh thần nhân văn, kết tinh chủ nghĩa yêu nước cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng này của Người tiếp tục được Đảng ta kế thừa trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay. Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã có “những bước phát triển vượt bậc, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều mặt” (Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011). Một trong những nguyên nhân đem lại những thành tựu đó chính là Đảng ta luôn thống nhất quan điểm “Nước lấy dân làm gốc”, từ đó động viên và phát huy được sức mạnh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tích cực tham gia xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.