Hồ Chí Minh với việc xây dựng nhà nước Việt Nam hợp pháp, hợp hiến

ThS. NGUYỄN VĂN ĐỨC (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề xuất và cùng Trung ương Đảng lập ra Chính phủ lâm thời để lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Việc tổ chức Tổng tuyển cử thành công và công bố Hiến pháp, các pháp lệnh là bước quyết định sự ra đời của Nhà nước ta theo thông lệ quốc tế, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Với phong cách ngoại giao tài tình của Người, Trung Quốc, Liên Xô và hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thắng lợi đó khẳng định Nhà nước ta ra đời là hợp pháp, hợp hiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp. Bài viết phân tích tư tưởng của Hồ Chí Minh với việc xây dựng Nhà nước Việt Nam hợp pháp, hợp hiến.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

1. Đặt vấn đề

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc, Người còn là nhà thực tiễn vĩ đại. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn luôn tìm cách đưa lý luận vào thực tiễn để đem lại hiệu quả cao cho hoạt động. Các hoạt động trong thực tiễn và phong cách của Hồ Chí Minh giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của Người. Theo đó, tìm hiểu “Hồ Chí Minh với việc xây dựng Nhà nước Việt Nam hợp pháp, hợp hiến” là tìm hiểu chuỗi những hoạt động sôi nổi của Người để xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành một Nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

2. Tổ chức xây dựng Nhà nước Việt Nam hợp pháp, hợp hiến 2.1. Xây dựng tiền đề quan trọng để Nhà nước Việt Nam ra đời hợp pháp, hợp hiến

Vào đầu tháng 8/1945, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đang đến gần, Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng. Với tinh thần khẩn trương, tranh thủ thời gian, Người chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu ở các địa phương về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng.

Khoảng ngày 10/8/1945, khi bàn với một số đồng chí về công việc chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng mà Thường vụ Trung ương chưa quyết định ngày, Hồ Chí Minh nói: “Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài Hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”1.

Theo đề nghị của Người, ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được khai mạc tại Tân Trào. Hội nghị đã khẳng định: Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Do tình hình thay đổi rất mau chóng nên ngày 15/8/1945, khi biết tin Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Hồ Chí Minh đã đề nghị kết thúc Hội nghị sớm để các đại biểu về ngay các địa phương, kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. Như vậy, Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng là tiền đề đầu tiên làm cơ sở cho việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam.

Tiếp theo đó, Quốc dân đại hội được tổ chức tại Tân Trào, từ ngày 16 đến ngày 18/8/1945. Thành phần của Quốc dân đại hội bao gồm các đại biểu Bắc, Trung, Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Quốc dân đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, nên quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Về chức năng, Ủy ban này cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một Chính phủ chính thức. Về nhiệm vụ, Ủy ban này thay mặt quốc dân giao thiệp với các nước ngoài và duy trì mọi công việc trong nước. Về tổ chức, Ủy ban giải phóng có một Ban Thường trực gồm 5 ủy viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đây là tiền đề thứ hai. Tiền đề này thể hiện đúng “ý Đảng, lòng dân” cho nên ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” để công bố với quốc dân, đồng bào về quyết định trên và kêu gọi nhân dân: “Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước. Như vậy thì Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do”2.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã chứng minh những nhận định, đề nghị của Hồ Chí Minh là chính xác. Và, đó là những tiền đề quan trọng để Nhà nước Việt Nam ra đời hợp pháp.

2.2. Tổ chức xây dựng Nhà nước Việt Nam theo đúng thông lệ của một nhà nước pháp quyền hiện đại

Sau cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ lâm thời cần được mở rộng hơn nữa với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước, nhân sĩ tiến bộ; đồng thời sớm công bố danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời. Theo đó, nhiều thành viên trong Chính phủ là cán bộ Việt Minh đã tự nguyện nhường chỗ cho những người không phải Việt Minh. Đây là một cử chỉ đẹp tuyệt vời vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở nước ta và thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp theo, lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời được cử hành. Đây là sự khẳng định tính hợp pháp về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam.

Ngay sáng hôm sau, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước Hội đồng Chính phủ, Người trình bày Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có nhiệm vụ: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,…”3.

Thứ nhất, về việc tổ chức Tổng tuyển cử

Ngày 16/10/1945, Hội đồng Chính phủ thông qua Sắc lệnh về thể lệ Tổng tuyển cử, định ngày Tổng tuyển cử là chủ nhật, ngày 23/12/1945 và thông qua số lượng đại biểu cho từng địa phương. Để chuẩn bị, Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 19 cuộc họp bàn về Tổng tuyển cử trước khi nó diễn ra, bên cạnh nhiều nội dung khác cũng đang cần được giải quyết. Ngoài ra, Người còn có nhiều hoạt động phục vụ cho Tổng tuyển cử, như: gặp gỡ nói chuyện với thanh niên, gửi thư cho thiếu nhi, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia bầu cử, họp với đại diện các đảng phái, đặc biệt là việc tiếp và nhận lời đề nghị của đại diện Bộ Tư lệnh Trung Hoa tại Việt Nam.

Được sự đồng ý của Hội đồng Chính phủ, ngày 18/12/1945, Người ký Sắc lệnh số 76, về việc hoãn ngày Tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam đến ngày 6/1/1946. Nhằm hạn chế hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời có một số phần tử trong Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội tham gia, với điều kiện: phải tổ chức tốt cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang và sẽ từ chức khi triệu tập Quốc hội. Ngày 1/1/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời ra mắt tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên bố chính sách của Chính phủ Liên hiệp lâm thời về đối nội, đối ngoại.

Như chúng ta đều biết, mặc dù “thù trong, giặc ngoài” tìm mọi cách để ngăn cản nhưng Tổng tuyển cử vẫn được tổ chức thành công tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một Quốc hội dân chủ, tiến bộ.

Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng khai mạc tại Hà Nội. Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là thực dân Pháp và hạn chế những hành động phá hoại của bọn phản động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội cho phép 70 đại biểu của các đảng phái tham gia Quốc hội không qua bầu cử (20 người của Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, 50 người của Việt Nam Quốc dân đảng). Quốc hội nhất trí đề nghị đó và bầu Người làm Chủ tịch Chính phủ kháng chiến và giao nhiệm vụ tổ chức Chính phủ mới - Chính phủ kháng chiến. Quốc hội đã bầu Ban Thường trực, Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp, Kháng chiến ủy viên hội và Đoàn Cố vấn tối cao.

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946, tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ủy nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một Chính phủ mới, một Chính phủ không có bọn phản động tham gia. Sau khi Chính phủ mới được thành lập, Người tuyên bố trước Quốc hội rằng: “Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam Bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia”4.

Thứ hai, là việc triển khai xây dựng Hiến pháp:

Ngày 20/9/2045, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đệ trình Quốc hội. Ngày 31/10/1945, Người dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về bản dự thảo Hiến pháp đã được Hội đồng xem xét. Sau đó, Hội đồng Chính phủ có 3 cuộc họp bàn tiếp về bản dự thảo Hiến Pháp và dịch ra tiếng Pháp để đăng báo La République.

Song, sự hoạt động có hiệu quả của Chính phủ trên thực tế mới là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nó. Vì vậy, để điều hành đất nước, kể từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành “xác lập cơ sở pháp lý và những nguyên tắc dân chủ của chính quyền nhân dân; chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ký hơn 200 Sắc lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước, các bộ và Ủy ban hành chính các cấp, về tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân...”5.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Quốc hội đã thảo luận một cách dân chủ bản dự thảo Hiến pháp do Ủy ban dự thảo Hiến pháp trình bày. Ngày 9/11/1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tất cả những hoạt động trên đã khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xây dựng theo đúng thông lệ của một Nhà nước pháp quyền hiện đại, có Hiến pháp và pháp luật để quản lý xã hội.

2.3. Tiến hành các hoạt động ngoại giao để các nước công nhận Nhà nước Việt Nam

Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi điện, thư, lời kêu gọi các nước đồng minh với mong muốn được họ công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, song không được đáp ứng. Vì thế, trong buổi mít tinh của nhân dân Thủ đô trước Nhà hát thành phố, ngày 7/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Hiệp định Sơ bộ 6-3, rằng:

“Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng 8 năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật”6.

Nhận lời mời của Cao Ủy Pháp Đácgiăngliơ, ngày 24/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy trên tuần dương hạm Êmin Béctanh, đậu trên vịnh Hạ Long, nhưng chỉ thống nhất được việc phái đoàn Việt Nam lên đường sang Pháp đàm phán chính thức tại Pari vào ngày 31/5/1946.

Chuyến đi thăm chính thức nước Pháp nhân dịp Hội nghị Phôngtennơblô của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nét nổi bật trong những hoạt động ngoại giao của Người thời kỳ này, nhằm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và thiện chí hòa bình của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Và, để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Người ký với Pháp bản Tạm ước 14/9/1946.

Do phải cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà nên đầu năm 1950, Người mới có chuyến công du bí mật sang thăm Trung Quốc và Liên Xô. Đây là chuyến công du lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì đó là bước đi ngoại giao quan trọng thu hút sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN đối với cách mạng Việt Nam. Chuyến đi đã mang lại kết quả vô cùng to lớn: Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ngày 18/1/1950; tiếp theo là Liên Xô, ngày 30/1/1950; Triều Tiên, ngày 31/1/1959; trong tháng 2/1950, hàng loạt các nước XHCN đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

Có thể khẳng định rằng, những hoạt động ngoại giao của Người thành công đã mở ra một thời kỳ mới cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

3. Kết luận

Ngay từ lúc tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến xây dựng một nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Khi được giao trọng trách đứng đầu Nhà nước thì Người có điều kiện để biến sự quan tâm ấy trở thành hiện thực. Bằng những hoạt động sôi nổi, phong phú, đầy tài trí của mình, Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để cập bến vinh quang.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Việt Nam hợp pháp, hợp hiến mãi mãi là định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ cùng với Nhà nước kiểu mới ở nước ta.

Tiếp bước theo Người, các thế hệ người Việt Nam đã, đang và sẽ góp công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Nhà nước Việt Nam XHCN cũng như đất nước tươi đẹp này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

1 Nguyễn Lương Bằng (2004), Gặp Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Bác Hồ ở Tân Trào, Nxb Chính trị quốc gia - Bảo tàng Tân Trào - ATK, Hà Nội, tr.11.

2 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.596.

3 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.4, Sđd, tr.7.

4 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.4, Sđd, tr.481.

5 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, (2016), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.VI.

6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, (2016), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.3, Sđd, tr.149.

PRESIDENT HO CHI MINH WITH THE ISSUE OF BUILDING A CONSTITUTIONAL AND LEGITIMATE STATE OF VIETNAM

Master. NGUYEN VAN DUC

Van Lang University

ABSTRACT:

In order to build the law-governed state of Vietnam, President Ho Chi Minh proposed and together with the Central Committee of the Communist Party of Vietnam set up a provisional government to lead Vietnamese people to take power. The successful organization of the general election, the announcement of the Constitution and ordinances were decisive steps to the birth of the Government of Vietnam in accordance with international practices and manage the society of Vietnam by the constitution and laws. Thanks to his ingenious diplomatic approach, China, the Soviet Union and a series of socialist countries recognized and established diplomatic relations with Vietnam. This victory affirmed that the Government of Vietnam is legitimate and constitutional. This article analyzes Ho Chi Minh's thought with the building of a constitutional and legitimate state of Vietnam.

Keywords: President Ho Chi Minh, state legitimacy, constitutionality.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ho-chi-minh-voi-viec-xay-dung-nha-nuoc-viet-nam-hop-phap-hop-hien-67037.htm