Hộ chiếu điện tử: Giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 12-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật này.
Tạo điều kiện cho công dân nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia
Tờ trình của Chính phủ cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...
Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Quan điểm xây dựng luật nhằm: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, do hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có liên quan đến một số quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, như Công ước về quyền con người, các hiệp định, thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước và một số đạo luật có liên quan, nên đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hộ chiếu điện tử - giải pháp tăng cường, bảo đảm an ninh, an toàn
Bày tỏ sự đồng tình với tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, dự thảo Luật có nhiều điểm mới hướng tới phục vụ và tạo điều kiện cho người dân, cụ thể hóa được các quyền tự do đi lại của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013.
Một trong những điểm mới là quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử và kiểm soát nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động, phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay.
Đánh giá cao dự thảo luật đã có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân, đơn giản hóa các thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu, loại bỏ quy định rườm rà, dễ gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng hộ chiếu có gắn chip điện tử ngoài lưu trữ thông tin cá nhân như họ tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính… còn lưu trữ thông tin sinh trắc học để xác nhận danh tính của người sử dụng hộ chiếu như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dấu vân tay...
Toàn bộ dữ liệu thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc của người sử dụng hộ chiếu được lưu trữ trong thẻ sẽ được mã hóa, ký số để bảo đảm an toàn xác thực và bảo mật theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng.
Cùng quan điểm, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho biết, hiện nay đã có trên 120 quốc gia đã sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử. Tại khu vực Đông Nam Á còn Việt Nam và Myanmar chưa sản xuất và sử dụng hộ chiếu điện tử.
Đại biểu Hà Thị Lan nhấn mạnh, nội dung quy định về hộ chiếu điện tử và kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động trong dự thảo Luật là cần thiết, góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc sản xuất, phát hành loại hộ chiếu này, qua đó đồng thời nâng tầm giá trị của cuốn hộ chiếu Việt Nam và áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc kiểm soát xuất nhập cảnh.
Theo đại biểu Hà Thị Lan, mục đích của việc phát hành hộ chiếu điện tử nhằm làm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả.
Đại biểu nêu thực tế, hiện nay, đa phần các nước trên thế giới có tình trạng gia tăng sử dụng hộ chiếu và các loại giấy tờ xuất nhập cảnh giả để hoạt động vi phạm pháp luật như buôn lậu, di cư bất hợp pháp…
Do đó, việc phát hành hộ chiếu điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường, bảo đảm an ninh, an toàn. Việc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng giúp cho công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu nhanh hơn, chính xác hơn khi áp dụng việc kiểm soát bằng cổng kiểm soát tự động.
Việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động cũng sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm được thời gian xếp hàng, tránh tình trạng ùn ứ tại các cửa kiểm soát, các cổng đi lại như hiện nay.
Về quy định công dân đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử hoặc hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử, đại biểu Hà Thị Lan, quy định này đã đảm bảo quyền tự do lựa chọn của công dân và phù hợp với thói quen, sở thích và điều kiện kinh tế của từng người.
Tuy nhiên, để người dân hiểu rõ và sử dụng tiện ích của hộ chiếu điện tử, đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Đồng tình với đại biểu Hà Thị Lan, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, so với một số nước chất lượng cuốn hộ chiếu của Việt Nam “còn thấp, chưa phải là cuốn hộ chiếu đẹp, chất lượng cao, hộ chiếu có giá trị 10 năm, nhưng 3 năm đã hỏng, màng bảo vệ an ninh bị bong, giấy có thể bị rách”.
Để có hộ chiếu đẹp, xứng tầm tài sản quốc gia, ngang tầm các nước trong khu vực, đại biểu đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để cung cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất, phát hành hộ chiếu điện tử.
Quản lý chặt chẽ hộ chiếu ngoại giao, công vụ
Về các trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao và cấp hộ chiếu công vụ, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) ủng hộ phương án quy định cụ thể các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ trong luật nhưng đề xuất cần rà soát lại các chức danh, chức vụ nhằm đảm bảo tính chính xác và sự cần thiết; nghiên cứu bổ sung các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao như người làm công tác cơ yếu hoặc một số chức danh lãnh đạo của tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…
Cùng quan điểm với đại biểu Vũ Xuân Hùng, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát lại các đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sắp xếp lại nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, sao cho ngắn gọn, khoa học, tránh trùng lặp với các chức danh, tránh chồng chéo để phát sinh lạm quyền.
Cũng góp ý về quy định này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, trong dự thảo Luật, các quy định liên quan trình tự, thủ tục, các loại giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh quy định khá đầy đủ nhưng đối với quy định về quản lý, sử dụng còn thiếu, nhất là các quy định về sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị cần tăng cường thêm các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao.