Hộ chiếu Síp: Chìa khóa đến thiên đường của giới siêu giàu, thân nhân khủng bố
Đơn vị Điều tra của Al Jazeera cho biết có tới hơn 500 công dân Trung Quốc và 350 người Ả Rập đã được nhận quốc tịch Síp sau khi đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Đối với những người dư dả tiền bạc, việc sở hữu quốc tịch Síp là rất hấp dẫn, vì có những lợi thế đi kèm như: quyền gửi tiền vào tài khoản ngân hàng châu Âu, quyền sống, làm việc và du lịch tự do không chỉ ở Síp mà trên tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, quyền du lịch miễn thị thực đến 176 quốc gia khác...
Trong số khoảng 2.500 người mua hộ chiếu Síp trong khoảng thời gian 2 năm từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019, có tới hơn 1.000 người Nga, hơn 500 người Trung Quốc và 350 người Ả Rập.
Trung Quốc
Theo Al Jazeera, những người giàu có ở Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến quốc tịch thứ 2 sau cuộc chiến chống tham nhũng, còn gọi là cuộc "đả hổ diệt ruồi" năm 2012 của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chiến dịch này mở màn bằng cuộc làm trong sạch bộ máy, sau đó tiếp tục nhắm đến việc thu chi của giới siêu giàu.
Trong số những cái tên Trung Quốc được đề cập đến trong Hồ sơ Síp, có bà Yang Huiyan và chồng.
Bà Yang được mô tả là người phụ nữ giàu nhất châu Á, với tài sản ước tính lên tới 27 tỉ đô la Mỹ. Bà là chủ sở hữu công ty bất động sản Country Garden Holdings chuyên xây dựng các công trình sang trọng.
Bà Yang Huiyan - người phụ nữ giàu nhất châu Á và chồng đã có hộ chiếu Síp. Ảnh: Reuters
Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện Hán học thuộc Đại học London cho biết những người giàu có ở Trung Quốc thường cân nhắc Mỹ, Canada, Úc, Anh khi muốn xin quốc tịch thứ 2. Nhưng việc dễ dàng có được quốc tịch Síp, cùng khả năng tiếp cận EU thông qua cuốn hộ chiếu Síp, đã khiến đảo quốc Địa Trung Hải này trở thành điểm đến hấp dẫn.
"Nói thẳng ra, đây là việc bất hợp pháp. Vì luật pháp Trung Quốc kiểm soát việc đầu tư ra nước ngoài với khoản tiền vượt quá 50.000 đô la. Nếu bạn muốn làm điều đó mà không thông qua quy trình xin phép chính thức, thì bạn đang vi phạm pháp luật.
Họ thường thông qua Hồng Kông, và đôi khi là cả các sòng bạc ở Ma Cao như một cách khác để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc."
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gây sức ép lên các quốc gia khác để dẫn độ các quan chức sa ngã. Nhưng vẫn chưa nhằm đến giới siêu giàu.
Dù vậy, ông Tsang vẫn cảnh báo, nếu Trung Quốc đã kiên quyết muốn dẫn độ, thì hộ chiếu Síp cũng sẽ không bảo vệ được người mà Bắc Kinh đang nhắm đến.Vì Síp chắc chắn không muốn đối đầu với Bắc Kinh.
Giới siêu giàu Ả Rập và thân nhân trùm khủng bố
Ngoài Trung Quốc, thì một nhóm khác cũng đã tìm đường đến đảo Síp, là những người Trung Đông.
Hơn 350 cuốn hộ chiếu đã được mua bởi những người Ả Rập sống tại các quốc gia bất ổn chính trị, chủ yếu là Lebanon, Ai Cập, Syria, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi.
Một số đơn xin quốc tịch đến từ những người đang nắm giữ các vị trí có ảnh hưởng, hay còn gọi là "những người tiếp xúc với chính trị" (PEP), nhóm đối tượng được đánh giá là có nguy cơ tham nhũng cao.
Trong số đó, có Apurv Bagri, một công dân Ấn Độ, thành viên nhóm đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai, và Hussain Al Nowais, thành viên Hội đồng quản trị của Thép Emirates cùng Tập đoàn Xây dựng Dầu khí quốc gia.
Danh sách cũng bao gồm một số PEP của Ả Rập Saudi là Khaled Juffali, thành viên nhóm đứng đầu Cơ quan tiền tệ Ả Rập Saudi và Mohammed Jameel, thành viên Cơ quan đầu tư chung của Ả Rập Saudi.
Đáng chú ý, trong danh sách còn có một thành viên của gia đình trùm khủng bố Bin Laden, từng bị tịch thu một phần lớn khối tài sản kếch xù.
Ả Rập Saudi, giống như Trung Quốc, đã chứng kiến một cuộc đàn áp tham nhũng trong những năm gần đây sau khi Thái tử Mohammed bin Salman lên nắm quyền. Một số người Ả Rập Saudi giàu có sau đó bắt đầu tìm đến EU như một nơi trú ẩn an toàn.
Chính quyền Síp chỉ trích Al Jazeera
Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa Síp - Nicos Nouris đã gọi cuộc điều tra mang tên Hồ sơ Síp của hãng tin Al Jazeera là xuyên tạc và lừa dối.
Ông Nouris khẳng định Síp vẫn đang hoạt động theo sự minh bạch tuyệt đối.
"Không có quyền công dân nào được cấp sai quy định vào thời điểm mà Al Jazeera đề cập đến", ông Nouris nói.
Nhóm điều tra của Al Jazeera trước đã thu được 1.400 tài liệu rò rỉ liên quan đến bê bối nhập cư của Cộng hòa Síp.
Số tài liệu này được gọi chung là Hồ sơ Síp. Trong đó có 1.471 đơn đăng kí, với tên của 2.544 người được nhận quốc tịch Síp từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.
Những người này đến từ hơn 70 quốc gia. Họ được yêu cầu đầu tư 2,5 triệu đô la Mỹ vào Síp để nhận được "hộ chiếu vàng". Đáng chú ý, nhiều người trong số đó được Al Jazeera xác nhận là tội phạm bị kết án, người đang lẩn trốn hoặc đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao.
Theo Tiền phong