Hộ chiếu vaccine: Sáng kiến thực tế nhưng đầy tranh cãi

Thế giới đang đề xuất thực hiện sử dụng hộ chiếu vaccine nhằm chứng minh người dân đã được tiêm chủng để nhập cảnh khi du lịch quốc tế, nhưng liệu điều này sẽ là chìa khóa để khôi phục nền kinh tế, hay sẽ đem lại những rủi ro về lây nhiễm và bất bình đẳng xã hội?

Hiện nay trên khắp thế giới, hàng triệu người dân đang được tiêm chủng vaccine chống lại đại dịch Covid-19 mỗi ngày. Với mục đích đưa cuộc sống người dân trở về quỹ đạo thường ngày sớm nhất có thể, nhiều nhà lãnh đạo và doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất triển khai sử dụng hộ chiếu vaccine - một dạng giấy chứng nhận giúp kiểm chứng liệu một người dân đã được tiêm chủng vaccine hay chưa một cách dễ dàng.

Hộ chiếu vaccine đang thắp lên hy vọng sớm bình thường hóa thế giới. (Nguồn: Getty)

Hộ chiếu vaccine đang thắp lên hy vọng sớm bình thường hóa thế giới. (Nguồn: Getty)

Một số công ty tư nhân, dự án của chính phủ và nhiều hiệp hội quốc tế đã yêu cầu hành khách phải được tiêm chủng vaccine trước khi lên máy bay, tàu thuyền và khi tham gia các sự kiện công cộng; đồng thời một số quốc gia đã triển khai sử dụng loại hộ chiếu này.

Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng hộ chiếu vaccine đang gây ra nhiều tranh cãi, đặt ra những câu hỏi về khoa học và đạo đức đáng suy ngẫm.

Hộ chiếu vaccine là gì?

Hộ chiếu vaccine (hay thẻ tiêm chủng) là tài liệu chứng minh rằng một người dân đã được tiêm vaccine ngừa bệnh Covid-19. Một số phiên bản khác của hộ chiếu vaccine cũng giúp người dân chứng minh họ đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, từ đó có thể đi lại một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, nhiều hãng hàng không, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận cùng các công ty công nghệ đang phát triển phiên bản hộ chiếu vaccine kỹ thuật số, giúp người dân sử dụng ngay trên điện thoại di động hoặc thông qua ví điện tử của mình.

Để người dân thuận tiện trong việc du lịch quốc tế, chính phủ và các cơ quan y tế sẽ cần biết liệu hành khách đã được chủng ngừa hoặc xét nghiệm âm tính với virus hay chưa. Nhiều quốc gia đã yêu cầu khách du lịch phải có xét nghiệm âm tính mới được phép nhập cảnh.

Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (LHQ), nhận định rằng hộ chiếu vaccine có thể giúp khởi động lại ngành du lịch vốn đã chịu nhiều tổn thất khi dịch bệnh bùng phát.

“Yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc tái khởi động ngành du lịch là các quy tắc du lịch quốc tế cần được thực hiện một cách nhất quán và hài hòa. Bằng chứng rằng hành khách đã được tiêm chủng thông qua việc sử dụng “hộ chiếu sức khỏe” có thể làm được điều này. Hộ chiếu cũng có thể giúp hành khách không cần phải cách ly mỗi khi đi tới một quốc gia khác, điều vốn đang gây cản trở cho sự hồi sinh của ngành du lịch”, ông Pololikashvili cho biết.

Những quốc gia đồng tình

Trong khi hộ chiếu vaccine mới chỉ được kiến nghị tại đa số quốc gia trên thế giới, vào ngày 25/2, Israel đã trở thành đất nước đầu tiên giới thiệu những tấm “vé thông hành”, một loại hộ chiếu cho phép người dân đã tiêm phòng được vào khách sạn, phòng tập gym và các địa điểm công cộng khác.

Nước Anh đang đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 sẽ tiêm phòng Covid-19 xong cho toàn bộ dân số là người trưởng thành. Thủ tướng Boris Johnson mới đây cũng đã tuyên bố đến giữa tháng 6 sẽ hoàn tất việc rà soát cấp chứng chỉ miễn dịch Covid-19.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), vào ngày 1/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC sẽ trình bày bản dự thảo về việc triển khai sử dụng hộ chiếu vaccine điện tử, cho phép người dân đi lại trong khu vực nội khối.

“Thẻ điện tử xanh (Digital Green Card) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân châu Âu. Dần dần, họ sẽ có thể di chuyển an toàn ở EU hoặc nước ngoài - để làm việc hoặc du lịch", bà von der Leyen viết trên Twitter.

Một số quốc gia thuộc khối EU như Hy Lạp, vốn có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, đã ủng hộ quyết định này. Trước đó vào tháng 2, Hy Lạp đã công bố hộ chiếu tiêm chủng điện tử dành cho những công dân đã tiêm đủ hai liều vaccine.

Các quốc gia khác như Iceland, Séc, Áo, Ba Lan, Italy, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đồng quan điểm và hiện đang triển khai chương trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử.

Trong khi đó, mặc dù chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức đưa ra lập trường về việc sử dụng hộ chiếu vaccine nhưng một số tín hiệu đã cho thấy chính quyền mới đang cân nhắc thực hiện điều này.

Trong chiến lược đại dịch quốc gia dài 200 trang, tân Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị cho nhiều cơ quan chính phủ làm việc cùng nhau để “đánh giá tính khả thi” của việc kết hợp tiêm chủng Covid-19 với chứng chỉ tiêm chủng quốc tế và sản xuất các phiên bản điện tử của chúng.

Một hành khách làm thủ tục tại sân bay ở Bogota, Colombia tháng 9/2020. (Nguồn: Reuters)

Một hành khách làm thủ tục tại sân bay ở Bogota, Colombia tháng 9/2020. (Nguồn: Reuters)

Mặt trái của hộ chiếu vaccine

Mặc dù hộ chiếu vaccine có thể đem lại những lợi ích trước mắt như phục hồi lại nền kinh tế (đặc biệt là ngành du lịch), cho phép người dân tự do đi lại và khuyến khích tiêm chủng vaccine, ý tưởng này đang gây ra những làn sóng chia rẽ giữa các quốc gia bởi các tranh cãi xoay quanh vấn đề khoa học và đạo đức. Nhiều quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Bỉ và Romania đã lên tiếng lo ngại về quyết định sử dụng hộ chiếu vaccine.

Để giải thích cho việc phản đối hộ chiếu vaccine, Tiến sĩ Deepti Gurdasani, một nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary ở London, cho rằng chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học rằng hộ chiếu vaccine có thể hoàn toàn chứng minh một người đã miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Đồng thời ông nhận định vaccine phòng Covid-19 cũng chưa chắc chắn ngăn ngừa miễn dịch đối với một số biến thể xuất hiện tại các quốc gia khác nhau.

Mặt khác, hộ chiếu vaccine có thể gây ra những chia rẽ về mặt chính trị - xã hội khi vaccine được ưu tiên cấp cho những nước phát triển và những người có vị thế cao hơn trong xã hội, từ đó tạo ra bất bình đẳng giữa những người đã được tiêm vaccine và những người chưa được tiêm vaccine.

Với số lượng người dân được tiêm chủng vẫn còn hạn chế như hiện nay, hộ chiếu vaccine sẽ khiến những người chưa được tiêm chủng gặp nhiều phân biệt đối xử. Bà Nicole A. Errett, một chuyên gia y tế công cộng của Đại học Washington (Mỹ), cho biết: “Nếu vaccine trở thành giấy thông hành để có được những quyền lợi đặc biệt, thế giới sẽ thấy những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 bị bỏ lại phía sau”.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, không nên đưa ra các yêu cầu về bằng chứng tiêm chủng hoặc miễn dịch đối với du lịch quốc tế như một điều kiện nhập cảnh. Các cơ quan y tế của LHQ cũng cho rằng vẫn còn những ẩn số quan trọng liên quan việc giảm lây truyền và hạn chế về số lượng vaccine.

Trước mắt, giới cầm quyền cần thảo luận kĩ lưỡng về nhiều khía cạnh của hộ chiếu vaccine, từ vấn đề khoa học miễn dịch đến các thách thức về mặt kỹ thuật, đạo đức và tính hợp pháp của cách sử dụng loại hộ chiếu đặc biệt này.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ho-chieu-vaccine-sang-kien-thuc-te-nhung-day-tranh-cai-138862.html